Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Marc Knapper nói Nghĩa trang Quân đội Biên Hòa, nay là Bình An, nơi an nghỉ của những tử sỹ Việt Nam Cộng hòa, cần được đại trùng tu sau khi Dân biểu Hoa Kỳ Michelle Steel nêu quan ngại về tình trạng “đáng buồn” của nơi được xem là một di sản của Chiến tranh Việt Nam.
Dân biểu Steel vào cuối tháng 9 gửi cho Đại sứ Knapper một bức thư trong đó bà bày tỏ quan ngại sâu sắc về việc các ngôi mộ ở nghĩa trang quân đội quốc gia của miền Nam Việt Nam, được chính quyền miền Bắc tiếp quản từ năm 1975 khi Sài Gòn sụp đổ, bị hủy hoại “ở mức báo động.”
Đại sứ Knapper, người tiếp quản nhiệm kỳ đại sứ từ ông Daniel Kritenbrink hồi tháng 1 năm ngoái, cho VOA biết ông đã đi thăm Nghĩa trang Biên Hòa vào tháng trước và nhận thấy tình trạng này.
“Tôi tới thăm Nghĩa trang Nhân dân Biên Hòa/Bình An hôm 13/10 cùng với tổ chức NGO (phi chính phủ) Sáng hội Việt Mỹ (VAF) có trụ sở tại Hoa Kỳ,” Đại sứ Knapper nói trong email trả lời yêu cầu bình luận của VOA về quan ngại của Dân biểu Steel hôm 6/11. “Cá nhân tôi chứng kiến, thấy rằng nghĩa trang cần được trùng tu lớn.”
Trong bức thư gửi ông Knapper đề ngày 29/9, bà Steel nói rằng bà ủng hộ việc trùng tu nghĩa trang hiện là nơi an nghỉ của hơn một chục nghìn binh sỹ Việt Nam Cộng hòa. Theo dân biểu Mỹ, đây là nghĩa trang quân đội quốc gia cuối cùng còn lại ở tỉnh Bình Dương sau khi chính quyền Cộng sản miền Bắc phá hủy hết các nghĩa trang khác của tử sỹ miền Nam Việt Nam sau ngày Sài Gòn sụp đổ.
Nhiều cá nhân và tổ chức, trong đó có VAF, đã giúp trùng tu Nghĩa trang Biên Hòa. Theo ông Kevin Đặng, phó chủ tịch ngoại vụ của hội, VAF đã xây các ngôi một đất thành xi măng vào năm 2014. Ông Kevin, người cùng ĐS Knapper đi thăm nghĩa trang hôm 13/10, cũng cho biết rằng tình trạng của các ngôi mộ này “xuống cấp trầm trọng”.
Nói với VOA hôm 1/11, ông Kevin cho rằng nếu như tình trạng này không được tu sửa thì “trong vòng một thời gian rất ngắn, các ngôi một sẽ bị nứt vì rễ cây” và “sẽ bị xoáy mòn vào các huyệt đạo vì nước mưa.”
Theo Dân biểu Steel, Nghĩa trang Biên Hòa là một “di sản của Chiến tranh Việt Nam vẫn chưa được Đảng Cộng sản Việt Nam giải quyết.”
Bà đề nghị ĐS Knapper “nêu vấn đề của Nghĩa trang lịch sử Quân đội Biên Hòa với Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương và xin văn bản cho phép tiếp cận và cải thiện điều kiện tại nghĩa trang.”
Trả lời VOA, ĐS Knapper cho biết “chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc với nhiều nhóm khác nhau, trong đó có chính quyền tỉnh Bình Dương, để tìm cách giải quyết những vấn đề đó.”
Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương không trả lời yêu cầu bình luận của VOA.
Cựu Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Ted Osius, trong cuốn sách “Nothing is Impossible: America’s Reconciliation with Vietnam” (Không gì là không thể: Quá trình hòa giải của Mỹ với Việt Nam) ra mắt vào năm 2021, cho biết rằng chính phủ Việt Nam đã để cho Nghĩa trang Biên Hòa xuống cấp và không cho phép cộng đồng người Mỹ gốc Việt chăm sóc nơi đây.
Ông Osius, trong thời gian nhiệm kỳ đại sứ từ 2014-2017, đã đề nghị Thứ trưởng Ngoại giao Lê Hoài Trung cho phép người thân của các tử sỹ VNCH được “đào mương và cắt rễ cây”, vốn là nguyên nhân gây xói mòn đất mộ khi mùa mưa đến khiến các quan tài bị cuốn trôi. Theo ĐS Osius, nghĩa trang này đóng một vai trò quan trọng đối với cộng đồng người Việt hải ngoại, nhất là ở Mỹ, và có thể là “một điểm quan trọng trong sự hòa giải” giữa cộng đồng và chính quyền trong nước.
Bộ Ngoại giao Việt Nam không trả lời yêu cầu bình luận của VOA.
Khi đăng tải các hình ảnh của ĐS Knapper cùng Tổng lãnh sự Hoa Kỳ tại Việt Nam Susan Burns đến thăm Nghĩa trang Biên Hòa hôm 13/10, Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam nói rằng “Lịch sử giữa Hoa Kỳ và Việt Nam đã trải qua nhiều thăng trầm, nhưng cuối cùng, sự can đảm với mong muốn củng cố lòng tin và tình hữu nghị từ cả hai phía đã mang lại kết quả tích cực.”
Hai quốc gia cựu thù đã nâng cấp mối quan hệ lên mức cao nhất, đối tác chiến lược toàn diện, khi Tổng thống Joe Biden tới thăm Việt Nam hôm 10-11/9.
Ông Kevin hy vọng rằng với sự lên tiếng của Dân biểu Steel và sự tận mắt chứng kiến tình trạng Nghĩa trang Biên Hòa của ĐS Knapper, VAF “sẽ nhận được tin vui từ chính phủ Việt Nam” để được phép trùng tu các ngôi mộ bị xuống cấp tại nơi được xem là di tích lịch sử cuối cùng của Việt Nam Cộng hòa.
Diễn đàn