Trung Quốc hôm thứ Hai nói nước này có “những đại diện bị kẹt” với Hoa Kỳ vì danh sách trừng phạt mới của Washington nhắm vào Iran, trong đó có các công ty và cá nhân người Trung Quốc.
Hôm thứ Sáu, chính quyền Tổng thống Donald Trump đã áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với 25 cá nhân và tổ chức. Các biện pháp này được Hoa Kỳ công bố 2 ngày sau khi lưu ý Tehran sau vụ Iran thử phi đạn đạn đạo.
Những người bị ảnh hưởng bởi các biện pháp trừng phạt sẽ không thể truy cập vào hệ thống tài chính của Hoa Kỳ hoặc giao dịch với các công ty của Mỹ. Ngoài ra, nó còn dẫn tới các biện pháp trừng phạt thứ cấp, nghĩa là các công ty và cá nhân nước ngoài bị cấm giao dịch với những người này hoặc có nguy cơ bị đưa vào danh sách đen của Mỹ.
Danh sách bao gồm 2 công ty Trung Quốc và 3 người Trung Quốc. Trong số này, chỉ có một người Bộ Ngân khố Hoa Kỳ nói rõ là một công dân Trung Quốc.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng cho biết Bắc Kinh đã gửi công hàm phản đối cho Washington. Ông Lục nói lệnh trừng phạt như thế này, đặc biệt khi chúng làm tổn hại lợi ích của một bên thứ ba, là “không hữu ích” trong việc thúc đẩy sự tin tưởng lẫn nhau.
Ông Lục nói trong cuộc họp báo thường kỳ: “Chúng tôi kiên quyết phản đối bất kỳ biện pháp trừng phạt đơn phương nào”.
Hôm Chủ nhật, các giám đốc điều hành của hai công ty Trung Quốc nằm trong danh sách nói họ chỉ xuất khẩu những hàng hóa “bình thường” sang quốc gia Trung Đông và không làm điều gì sai trái.
Trước đây, Trung Quốc từng rất tức giận vì điều mà nước này gọi là lệnh trừng phạt đơn phương của Hoa Kỳ áp đặt lên các doanh nghiệp Trung Quốc và những nước khác có liên quan tới Iran hay tham vọng hạt nhân của Bắc Triều Tiên.
Trung Quốc có quan hệ kinh tế và ngoại giao gần gũi với Tehran. Bắc Kinh cũng đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy thông qua một thỏa thuận mang tính bước ngoặt vào năm 2015 nhằm kiềm chế chương trình hạt nhân của Iran.