Đường dẫn truy cập

Đọc Kết Luận Điều Tra vụ Vạn Thịnh Phát: Luật pháp có thể... đút túi?


Tổng hành dinh Vạn Thịnh Phát ở Sài Gòn.
Tổng hành dinh Vạn Thịnh Phát ở Sài Gòn.

18 trong số 25 viên chức đã nhận tiền, quà của SCB trong khi thi hành công vụ, nay có một người được cho là đã phạm tội “nhận hối lộ”, một người “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” và 16 người “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Phần 1

Theo Điều 354 Bộ Luật hình sự hiện hành (*) thì bất kỳ ai “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trực tiếp hoặc qua trung gian nhận hoặc sẽ nhận bất kỳ lợi ích nào cho chính bản thân người đó hoặc cho người hoặc tổ chức khác để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ” cũng là “nhận hối lộ”.

Theo Kết luận điều tra (KLĐT) vụ án “xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng SCB và các đơn vị, tổ chức có liên quan”, có ít nhất 25 viên chức đã nhận tiền, quà của SCB trong khi thi hành công vụ để “làm hoăc không làm” đúng chức trách, dẫn đến thiệt hại như đã biết song chỉ có 18/25 người là bị can của vụ án.

Nếu chịu khó đối chiếu các tình tiết được nêu trong KLĐT và nhận định của công an Việt Nam hẳn sẽ thấy, cơ quan điều tra (CQĐT) có thể tùy nghi diễn giải và áp dụng pháp luật. Luật pháp chẳng khác gì một loại đồ vật có thể dễ dàng bỏ vào hoặc lấy ra từ trong túi của bộ phận bảo vệ, thực thi pháp luật.

***

18 trong số 25 viên chức đã nhận tiền, quà của SCB trong khi thi hành công vụ và nay bị CQĐT đề nghị truy tố có một người được cho là đã phạm tội “nhận hối lộ” (bà Đỗ Thị Nhàn, Cục trưởng Cục Thanh tra Giám sát Ngân hàng [TTGS NH] 2 thuộc Ngân hàng Nhà nước [NHNN]), một người bị cho là đã phạm tội “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” (ông Nguyễn Văn Du, Quyền Chánh Thanh tra Cơ quan TTGS NH thuộc NHNN) và 16 người bị cho là đã phạm tội “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” bao gồm: Một Phó Chánh thanh tra, một Thanh tra viên cùng của Cơ quan TTGS NH thuộc NHNN. Hai Cục phó, một Trưởng phòng, hai Phó phòng cùng của Cục TTGS NH 2 thuộc NHNN. Một Phó Giám đốc, ba Phó Chánh Thanh tra, một Phó phòng cùng của Cơ quan TTGS NH ở Chi nhánh TP.HCM của NHNN. Hai Thanh tra viên của Vụ Khiếu nại, tố cáo khối nội chính và kinh tế tổng hợp của Thanh tra Chính phủ (TTCP). Một Phó Chánh thanh tra của Kiểm toán Nhà nước (KTNN). Một Phó ban của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia (UB GSTC QG). Tuy mô tả, nhận định của CQĐT về hành vi của họ giống hệt nhau nhưng CQĐT lại đề nghị truy tố họ các tội khác nhau.

Đây là nhận định của CQĐT về bà Đỗ Thị Nhàn, Cục trưởng Cục TTGS NH NHNN, Trưởng Đoàn Thanh tra SCB trong cả hai đợt ở trang 216 KLĐT: “Đỗ Thị Nhàn với tư cách là Trưởng Đoàn Thanh tra, đã nhận 5,2 triệu USD (tương đương 118.143.400.000 đồng), bao che, bưng bít cho các sai phạm của Trương Mỹ Lan và Ngân hàng SCB; báo cáo các cấp không trung thực, không đầy đủ, sai lệch kết quả thanh tra theo hướng giảm nhẹ sai phạm để tạo điều kiện giúp cho Ngân hàng SCB tiếp tục được tái cơ cấu, dẫn đến NHNN, chính phủ không có đủ thông tin, tài liệu để chỉ đạo xử lý các sai phạm của Ngân hàng SCB, ngăn chặn hành vi phạm tội của Trương Mỹ Lan và đồng phạm xảy ra tại Ngân hàng SCB; các hành vi làm trái công vụ của Đỗ Thị Nhàn, quy định của pháp luật thanh tra là phương thức, thủ đoạn để Nhàn giúp đỡ Lan, tạo điều kiện cho Ngân hàng SCB và thực hiện thành công hành vi nhận hối lộ. Hành vi của Nhàn đã phạm vào tội “Nhận hối lộ”, quy định tại Khoản 4, Điều 354 Bộ Luật hình sự”.

Còn đây là nhận định của CQĐT về ông Nguyễn Văn Hưng, Phó Chánh thanh tra của Cơ quan TTGS NH thuộc NHNN, cấp trên của bà Nhàn và là người trực tiếp chỉ đạo, giám sát công việc thanh tra SCB của bà Nhàn ở trang 216 KLĐT: “Nguyễn Văn Hưng vì vụ lợi, động cơ mục đích cá nhân đã chỉ đạo Đỗ Thị Nhàn, Trưởng đoàn thanh tra; Nguyễn Thị Phụng, Phó Trưởng đoàn và Tổ Tổng hợp (Nguyễn Tuấn Anh, Vũ Khánh Linh) xây dựng dự thảo, chỉnh sửa, hoàn thiện các báo cáo NHNN và chính phủ, nội dung thể hiện không trung thực, không đầy đủ về: Tình hình, thực trạng tài chính yếu kém của Ngân hàng SCB; Che giấu, không báo cáo về vi phạm, sai phạm của Ngân hàng SCB, sai lệch với kết quả thanh tra, tạo điều kiện cho Ngân hàng SCB được tiếp tục thực hiện các phương án tái cơ cấu, dẫn đến NHNN, chính phủ không có đủ thông tin, tài liệu để chỉ đạo xử lý các sai phạm của Ngân hàng SCB, ngăn chặn hành vi phạm tội của Trương Mỹ Lan và đồng phạm xảy ra tại Ngân hàng SCB”.

Theo KLĐT: “Trong quá trình thực hiện chức năng nhiệm vụ của Người ra Quyết định Thanh tra và Phó Chánh thanh tra phụ trách Cơ quan TTGS NH, Nguyễn Văn Hưng khai đã nhiều lần nhận tổng số tiền 139.000 USD (quy đổi theo tỷ giá trung tâm các lần nhận tiền, tương đương 8.730.540.000 đồng)... đã phạm vào tội ‘lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ’ quy định tại Khoản 3 Điều 356 Bộ Luật Hình sự năm 2015 với vai trò là người chỉ đạo”.

Rõ ràng hành vi phạm tội của bà Nhàn và ông Hưng chẳng khác gi nhau, nếu đọc lại các dòng đã được tô đậm, tự nhiên sẽ thấy, khi soạn thảo KLĐT, CQĐT còn... sao chép nhận định về hậu quả bà Nhàn gây ra để đánh giá về tính chất, mức độ phạm tội của ông Hưng, chưa kể, ông Hưng mới là người chỉ đạo, ông không yêu cầu, không tán thành, bà Nhàn không thể “đổi đen thành trắng”, thế thì tại sao chỉ có bà Nhàn bị xem là “nhận hối lộ” hình phạt nằm trong khung từ “20 năm, tù chung thân hoặc tử hình”, còn ông Hưng chỉ bị xem là “lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, hình phạt chỉ nằm trong khung từ “10 năm đến 15 năm”? Trong KLĐT về vụ án “xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng SCB và các đơn vị, tổ chức có liên quan” có rất nhiều trường hợp như vừa đề cập: Hành vi phạm tội được CQĐT mô tả, nhận định giống nhau nhưng khi xác định tội danh lại rất khác và... hình phạt khác hoàn toàn. Xin tham khảo thêm các trường hợp liên quan đến một số viên chức ở Chi nhánh TP.HCM của NHNN...

Tại trang 242 và 243 KLĐT, CQĐT nhận định như thế này về hành vi phạm tội của các ông Nguyễn Văn Dũng (Phó Giám đốc Chi nhánh TP.HCM của NHNN), Võ Văn Thuần (Phó Chánh Thanh tra phụ trách TTGS NH Chi nhánh TP.HCM của NHNN), Phan Tấn Trung (Phó Chánh Thanh tra phụ trách TTGS NH Chi nhánh TP.HCM của NHNN), Nguyễn Tín (Phó phòng Thanh tra hành chính, Giải quyết khiếu nại, tố cáo và Phòng chống tham nhũng, Cục TTGS NH TP.HCM thuộc Cơ quan TTGS NH NHNN) và bà Nguyễn Thị Phi Loan (Phó Chánh Thanh tra phụ trách TTGS NH Chi nhánh TP.HCM của NHNN): “Nguyễn Văn Dũng, Võ Văn Thuần, Phan Tấn Trung, Nguyễn Thị Phi Loan, Nguyễn Tín với vai trò là lãnh đạo Cục 2, NHNN Chi nhánh TP.HCM, TTGS NH Chi nhánh TP.HCM và Tổ trưởng Tổ Giam sát đã có các hành vi: Ngăn chặn, cản trở việc báo cáo hoặc báo cáo không trung thực các hành vi sai phạm và thực trạng tài chính rất xấu của Ngân hàng SCB lên NHNN và Cơ quan TTGS NH; Không kiến nghị NHNN đưa SCB vào diện kiểm soát toàn diện; Không kiến nghị Cơ quan TTGS NHNN; Không kiến nghị Cơ quan TTGS NHNN thanh tra pháp nhân SCB để kịp thời xử lý các sai phạm; Thu hẹp phạm vi thanh tra không đúng với đề xuất của Tổ giám sát, cố ý làm trái với ý kiến chỉ đạo của NHNN và Cơ quan TTGS NHNN. Đồng thời quá trình thực hiện, chỉ đạo công tác thanh tra, giám sát đối với Ngân hàng SCB, các cá nhân nêu trên đã nhận của Ngân hàng SCB từ 470 triệu đến 1,8 tỷ đồng”.

Đáng nói là dù cho rằng: “Hậu quả của các hành vi sai phạm và nhận tiền của các cá nhân tại Cục 2, NHNN Chi nhánh TP.HCM và Tổ giám sát đã để cho nhóm Trương Mỹ Lan và SCB thực hiện hoạt động cho vay lũy tiến từng năm để Trương Mỹ Lan rút tiền sử dụng cá nhân/trả nợ cho các khoản vay trước đó nhằm che giấu thực trạng hoạt động tín dụng xấu của SCB, thiệt hại đến nay với số tiền đặc biệt lớn (dư nợ của các tổ chức, cá nhân thuộc nhóm Trương Mỹ Lan tính đến ngày 17/10/2022 là 677.286 tỉ đồng)” nhưng CQĐT chỉ xác định ông Dũng, ông Thuần, ông Trung, bà Loan, ông Tín phạm tội ‘lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ’ với hình phạt chỉ nằm trong khung từ “10 năm đến 15 năm”! Ở Cộng hòa XHCN Việt Nam, không dễ để bị xem là... “nhận hối lộ” có thể vì hình phạt dành cho hành vi “nhận hối lộ” nặng tới mức các hệ thống không đành xuống tay với “đồng đội, đồng chí” song cũng có thể vì công an... cũng thế - cũng như các viên chức mà họ điều tra! KLĐT không chỉ có những chuyện vừa kể...

(còn tiếp)

Chú thích

(*) https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Trach-nhiem-hinh-su/Bo-luat-hinh-su-2015-296661.aspx

  • 16x9 Image

    Trân Văn

    Trân Văn là bút danh của một nhà báo có 28 năm làm việc ở nhiều vị trí khác nhau (Cộng tác viên, Phóng viên, Biên tập viên, Thư ký Tòa soạn) của một số đài truyền hình, đài phát thanh, nhật báo, tuần báo, báo điện tử tại Việt Nam và Hoa Kỳ. Các bài viết của Trân Văn là blog cá nhân và được đăng tải với sự đồng ý của đài VOA nhưng không phản ánh quan điểm chính thức của chính phủ Hoa Kỳ.

Diễn đàn

VOA Express

XS
SM
MD
LG