Đường dẫn truy cập

Nút thắt Đồng Tâm: Sân bay Miếu Môn không tồn tại!


Một thanh niên ở Hà Nội cầm tấm hình ông Lê Đình Kình tại lễ tưởng niệm hôm 12 tháng Giêng. (Photo courtesy of Facebook user Pham Doan Trang)
Một thanh niên ở Hà Nội cầm tấm hình ông Lê Đình Kình tại lễ tưởng niệm hôm 12 tháng Giêng. (Photo courtesy of Facebook user Pham Doan Trang)

Tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ


Rạng sáng ngày 9/01 vừa qua, khoảng 3000 cảnh sát cơ động và lực lượng khác của Bộ công an và Công an thành phố Hà Nội đã tập kích thôn Hoành, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội. Kết cục là cụ Lê Đình Kình, 84 tuổi, cựu chiến binh, 58 tuổi Đảng cộng sản Việt Nam, bị bắn chết và hàng chục người dân bị bắt về các tội “giết người”, “tàng trữ, sử dụng vũ khí trái phép” và “chống người thi hành công vụ”. Về phía lực lượng tấn công, ba sĩ quan cảnh sát đã thiệt mạng.

Đây là khủng hoảng nghiêm trọng nhất giữa chính quyền Việt Nam và người dân kể từ cuộc nổi dậy chống tham nhũng của hàng vạn nông dân Thái Bình diễn ra vào năm 1997. Nó thậm chí nghiêm trọng hơn rất nhiều vì đã không có người chết trong sự kiện Thái Bình.

Rất rõ ràng rằng nguyên nhân của cuộc tập kích đẫm máu này là tranh chấp đất liên quan đến dự án “Sân bay Miếu Môn” giữa một bên là người dân Đồng Tâm mà cụ Kình là đại diện, và bên kia là chính quyền thành phố Hà Nội và quân đội. Do đó, làm rõ do đâu có tranh chấp là tuyệt đối cần thiết để xử lý khủng hoảng hết sức nghiêm trọng này cũng như để tránh những khủng hoảng khác có nguồn gốc tương tự, điều mà tôi sẽ làm trong bài viết này.

Đồng Sênh là đất nông nghiệp hay đất quốc phòng?

Ngày 14/4/1980, Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng ra Quyết định 113/TTg (Phó Chủ tịch Đỗ Mười ký thay) giao Bộ Quốc phòng 208 ha đất trên địa bàn các xã Mỹ Lương, Trần Phú, Đồng Lạc (huyện Chương Mỹ) và xã Đồng Tâm (huyện Mỹ Đức), tỉnh Hà Sơn Bình để làm “Sân bay Miếu Môn” (sân bay quân sự). Căn cứ quyết định này, ngày 10/11/1981, UBND tỉnh Hà Sơn Bình ra Quyết định 386 QĐ/UB thu hồi đất giai đoạn 1, trong đó có 47,36 ha đất nông nghiệp của Hợp tác xã Đồng Tâm, xã Đồng Tâm. Bộ tư lệnh công binh, Bộ Quốc phòng, nhận bàn giao đất này. Đến năm 1989, Bộ tư lệnh công binh giao lại đất này cho Quân chủng phòng không – không quân quản lý. Quân chủng phòng không – không quân tiếp đó giao khu đất này cho Lữ đoàn công binh 28 quản lý.

Năm 2007, do dự án “Sân bay Miếu Môn” không thực hiện được nên Lữ đoàn 28 đã vẽ sơ đồ và cắm mốc giới toàn bộ 47,36 ha đất thu hồi từ Hợp tác xã Đồng Tâm để bàn giao cho UBND xã Đồng Tâm. Ngày 30/7/2007, UBND xã Đồng Tâm và Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Mỹ Đức cùng ký xác nhận bàn giao đất. Cùng ngày, UBND xã Đồng Tâm đã xác nhận mốc giới trên thực địa.

Ngày 20/10/2014, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội ban hành Quyết Định số 5383/QĐ- UBNDTP (do Phó Chủ tịch Vũ Hồng Khanh ký thay) giao 236,7 ha cho Quân chủng Phòng không - Không quân để tiếp tục sử dụng làm vị trí đóng quân của Lữ đoàn 28.

Ngày 27/3/2015, Bộ Tổng Tham mưu, Bộ Quốc phòng, ra Quyết định số 551/QĐ-TM thu hồi 50,03 ha đất bao gồm 46 ha thuộc xã Đồng Tâm do Lữ đoàn 28 quản lý và sử dụng để giao cho Tập đoàn viễn thông quân đội, gọi tắt là Viettel, quản lý, sử dụng vào “công trình quốc phòng A1”.

Ngày 6/4/2016, UBND thành phố Hà Nội và Viettel ký kết văn bản Hợp tác đầu tư, trong đó có điều khoản “UBND thành phố Hà Nội có trách nhiệm tháo gỡ khó khăn trong việc giải phóng mặt bằng trên địa bàn huyện Mỹ Đức để Viettel xây dựng nhà máy sản xuất”.

Tranh chấp bùng phát vào ngày 14/11/2016, khi UBND huyện Mỹ Đức thi hành văn bản Hợp tác đầu tư nói trên bằng cách căng dây phản quang và cắm biển 'Vùng cấm - Khu vực quân sự' trên khu đất mà theo cụ Kình và những người dân Đồng Tâm khác có tên ”Đồng Sênh” và nằm ngoài khu đất 47,36 ha thu hồi từ Hợp tác xã Đồng Tâm. Đến giữa tháng 2/2017 khi Viettel triển khai thi công trên khu đất này thì nhiều người dân Đồng Tâm đã ngăn cản bằng cách thu giữ số dây phản quang và nhổ biển báo "Vùng cấm - Khu vực quân sự'", đồng thời đưa một số máy cày, máy xúc, vật tư nông nghiệp vào khu đất này để canh tác.

Đến ngày 15/4/2017 thì tranh chấp phát triển thành xung đột khi người dân Đồng Tâm bắt giữ 38 cảnh sát cơ động và cán bộ huyện Mỹ Đức để đổi lấy tự do của cụ Kình và ba người dân Đồng Tâm khác vừa bị Công an thành phố Hà Nội bắt về "Tội gây rối trật tự công cộng". Khi bị bắt, cụ Kình bị đá gãy xương đùi. Công an Hà Nội sau đó đã phải thả bốn người dân này và đổi lại, người dân Đồng Tâm trả tự do cho một số nhân viên công lực. Một tuần sau, ngày 22/4/2017, số cảnh sát cơ động bị bắt giữ còn lại được phón g thích sau khi Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung về Đồng Tâm và đưa ra ba cam kết bằng văn bản với người dân nơi đây. Một là, làm rõ đâu là đất quốc phòng, đâu là đất nông nghiệp. Hai là, không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với toàn thể người dân Đồng Tâm. Ba là, chỉ đạo điều tra việc bắt và gây thương tích cho cụ Kình.

Ngày 19/7/2017 Thanh tra thành phố Hà Nội ra Kết luận số 2346 về thanh tra toàn diện về việc quản lý, sử dụng và quá trình xử lý từ trước đến nay đối với diện tích đất khu sân bay Miếu Môn thuộc địa giới hành chính xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức. Kết luận này viết: “Thực tế không có diện tích 59 ha hoặc 49 ha đất mà ông Lê Đình Kình và một số công dân nêu. Toàn bộ diện tích đất sân bay Miếu Môn thuộc địa giới hành chính xã Đồng Tâm là đất quốc phòng”.

Ngày 25/4/2019, Thanh tra Chính phủ ra Thông báo số 611/TB-TTCP về việc rà soát và kiểm tra tính chính xác và hợp pháp của Kết luận số 2346 của Thanh tra thành phố Hà Nội. Thông báo này khẳng định: “TP Hà Nội ban hành các quyết định giao đất tại các xã Mỹ Lương, Trần Phú, Đồng Lạc (huyện Chương Mỹ) và xã Đồng Tâm (huyện Mỹ Đức) cho đơn vị Quân chủng Phòng không Không quân để tiếp tục sử dụng làm vị trí đóng quân là đúng thẩm quyền, phù hợp với các quy định của pháp luật”.

Tại buổi đối thoại với công dân xã Đồng Tâm và các xã tiếp giáp với “Sân bay Miếu Môn” ngày 25/11/2019, Phó Tổng thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Thanh nói: “Sắp tới, Quân chủng phòng không – không quân, Quân đội nhân dân Việt Nam, sẽ xây dựng tường rào bảo vệ “Sân bay Miếu Môn”, để bảo vệ những công trình quốc phòng sẽ được xây dựng sau đó ở trong lòng khu vực sân bay. Vào ngày đó, tôi nghĩ là rất sớm thôi, tôi đề nghị tất cả bà con nếu có ra khu vực Đồng Sênh thì với tinh thần ủng hộ, cổ vũ”. Không nghi ngờ gì nữa, đây là tuyên bố không chính thức về quyết tâm của chính quyền dùng vũ lực để giải quyết tranh chấp với người dân Đồng Tâm.

Thực tế cho thấy chính quyền đã thành công trong việc loại bỏ bằng vũ lực cụ Kình và những tiếng nói chủ chốt khác đại diện cho phản kháng của người dân Đông Tâm vào rạng sáng ngày 9/1 vừa qua. Tuy nhiên không vì thế mà tình trạng pháp lý của Đồng Sênh, nguồn gốc tranh chấp, được tự động giải quyết. Nghĩa là khu đất này chưa rõ ràng là đất quốc phòng. Có những dấu hiệu cho thấy điều đó.

Trước hết, nếu là đất quốc phòng thì mọi hành vi xâm phạm phải bị cơ quan tư pháp quân đội xử lý. Việc Tòa án Quân sự Quân khu 3 xét xử vụ “Vi phạm các quy định trong quản lý và sử dụng đất quốc phòng xảy ra tại khu Đồng Xá, phường Thành Tô, quận Hải An, Hải Phòng” vào ngày 24/10/2018 cho thấy rõ nguyên tắc này. Thế nhưng như chúng ta đã thấy, bắt cụ Kình và ba người dân Đồng Tâm khác về “Tội gây rối trật tự công cộng” trên Đồng Sênh lại do Công an Hà Nội tiến hành, đồng nghĩa khu đất này không phải là đất quốc phòng.

Ngoài ra, thuật ngữ “giải phóng mặt bằng” gắn với việc thu hồi đất đang có người sử dụng được quy định trong Luật đất đai mà văn bản Hợp tác đầu tư giữa UBND thành phố Hà Nội và Viettel đề cập tới cho thấy Đồng Sênh đang là đối tượng bị thu hồi, tức chưa phải là đất quốc phòng nói chung, càng không phải là đất thuộc quyền sử dụng của Viettel nói riêng.

Dẫu vậy theo tôi, cách tốt nhất để xác định một cách khách quan tình trạng pháp lý của Đồng Sênh là chính quyền tổ chức một cuộc đo đạc trên thực địa toàn bộ khu đất mà chính quyền nói là thu hồi từ Hợp tác xã Đồng Tâm cho dự án “Sân bay Miếu Môn”, tức gồm cả Đồng Sênh, với sự tham gia của người dân Đồng Tâm và luật sư của họ. Sự chứng kiến của báo giới trong trường hợp này cũng rất cần thiết bởi nó tăng cường tính minh bạch. Nếu kết quả đo đạc cho thấy diện tích khu đất này lớn hơn rất nhiều con số 47,36 ha thì lẽ phải thuộc về người dân Đồng Tâm: Đồng Sênh luôn là đất nông nghiệp và vì vậy thuộc quyền canh tác của họ.

Vấn đề là kể cả trong trường hợp kết quả đo đạc bất lợi cho người dân Đồng Tâm, những công dân này theo tôi vẫn có thể đòi được quyền sử dụng không chỉ đối với Đồng Sênh mà cả với toàn bộ diện tích đất thu hồi từ Hợp tác xã Đồng Tâm cho dự án “Sân bay Miếu Môn”. Và điều này dĩ nhiên dựa trên pháp luật.

Chính quyền Hà Nội giao đất trái pháp luật

Theo Luật quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước (2008) và Luật quản lý, sử dụng tài sản công (2017), đất giao cho Bộ quốc phòng để làm “Sân bay Miếu Môn” là tài sản Nhà nước hay tài sản công và do đó việc sử dụng đất này phải chịu sự điều chỉnh trước hết của hai luật này.

Khoản 3 Điều 6 Luật quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước (2008) quy định: “Các hành vi bị nghiêm cấm: Sử dụng tài sản nhà nước không đúng mục đích, tiêu chuẩn, định mức, chế độ; sử dụng tài sản nhà nước lãng phí hoặc không sử dụng tài sản được giao gây lãngphí; sử dụng tài sản nhà nước để kinh doanh tráipháp luật”.

Điểm b Khoản 2 Điều 20 quy định: “Tài sản nhà nước bị thu hồi trong trường hợp sử dụng sai mục đích, vượt tiêu chuẩn, định mức, chế độ”.

Luật quản lý, sử dụng tài sản công (2017) cũng có các quy định tương ứng.

Khoản 3 Điều 10 quy định: Các hành vi bị nghiêm cấm trong quản lý, sử dụng tài sản công: giao tài sản công cho cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân vượt tiêu chuẩn, định mức hoặc giao cho cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân không có nhu cầu sử dụng”.

Điểm c Khoản 1 Điều 41 quy định: “Tài sản công bị thu hồi trong các trường hợp: Tài sản được sử dụng không đúng đối tượng, vượt tiêu chuẩn, định mức; sử dụng sai mục đích, cho mượn”.

Cũng như vậy, Khoản 2 Điều 50 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều, khoản của Luật Đất đai 2013 quy định việc thu hồi đất không sử dụng đúng mục đích và bên cạnh đó, còn quy định thẩm quyền và trình tự thu hồi đất. Quy định này viết: “Đất sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh phải được sử dụng đúng mục đích đã được xác định. Đối với diện tích đất không sử dụng hoặc sử dụng không đúng mục đích, thì UBND cấp tỉnh thông báo cho đơn vị sử dụng đất để đưa đất vào sử dụng đúng mục đích; sau 12 tháng kể từ ngày được thông báo, nếu đơn vị sử dụng đất không khắc phục để đưa đất vào sử dụng đúng mục đích thì UBND cấp tỉnh thu hồi để giao cho người khác sử dụng”.

Bản thân Quyết định số 5383/QĐ- UBNDTP của UBND thành phố Hà Nội “giao 236,7 ha đất cho Quân chủng Phòng không - Không quân để tiếp tục sử dụng làm vị trí đóng quân của Lữ đoàn 28” cho thấy rõ đất mà Chính phủ giao Bộ quốc phòng để làm “Sân bay Miếu Môn” đã không được sử dụng đúng mục đích. Nội dung của Quyết định giả định đất này trước đó đã được UBND thành phố Hà Nội ra quyết định thu hồi. Thế nhưng trên thực tế, cấp chính quyền này đã không ra một quyết định nào như vậy. Do đó, việc UBND thành phố Hà Nội ban hành Quyết định số 5383/QĐ- UBNDTP là trái pháp luật, đồng nghĩa văn bản này phải bị hủy bỏ.

Để cho hết nhẽ, cứ cho là UBND thành phố Hà Nội đã ra quyết định thu hồi đất dành cho dự án “Sân bay Miếu Môn” thì việc cấp chính quyền này “giao 236,7 ha đất cho Quân chủng Phòng không - Không quân để làm vị trí đóng quân của Lữ đoàn 28” là không đúng đối tượng. Đơn giản là không có quy định pháp luật nào cho phép sử dụng hàng trăm ha đất chỉ để làm một doanh trại hay một nơi đóng quân cả.

Câu hỏi đặt ra là sau khi UBND thành phố Hà Nội hoặc Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hay Tòa án hủy bỏ theo thẩm quyền Quyết định số 5383/QĐ- UBNDTP của UBND thành phố Hà Nội, ai sẽ là đối tượng ưu tiên được giao 47,36 ha đất có nguồn gốc từ Hợp tác xã Đồng Tâm? Hỏi tức trả lời, người dân Đồng Tâm phải là đối tượng ưu tiên này theo nguyên tắc đất bị thu hồi do không được sử dụng đúng mục đích thì phải được trả về cho chủ sử dụng trước đây.

Bất luận thế nào thì quyết định nói trên của UBND thành phố Hà Nội đã chính thức hóa việc khai tử dự án “Sân bay Miếu Môn”, được bắt đầu 11 năm trước đó với việc Lữ đoàn 28 bàn giao 47,36 ha đất có nguồn gốc từ Hợp tác xã Đồng Tâm cùng mốc gới cho UBND xã Đồng Tâm vào năm 2007 như trên đã đề cập. Do đó, lý do “Quân chủng phòng không – không quân xây dựng tường rào bảo vệ “Sân bay Miếu Môn” mà cấp chính quyền này và Thanh tra Chính phủ đưa ra nhằm dọn đường cho cuộc tập kích đẫm máu ngày 9/1 chỉ có thể là một sự dối trá ngạo ngược.

Cuối cùng, Quyết định số 5383/QĐ- UBNDTP của UBND thành phố Hà Nội và các văn bản có liên quan của cấp chính quyền này và của Thanh tra Chính phủ cần được mổ xẻ dưới ánh lửa của “lò chống tham nhũng” do đích thân Tổng bí thư ĐCSVN, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhóm lên. Mục đích của việc giao hàng trăm ha đất chỉ để làm một “doanh trại” để rồi sau đó “doanh trại” này được “xẻ” cho các mục đích sử dụng khác và mục đích của những nỗ lực hợp pháp hóa hành vi cố ý làm trái pháp luật này là gì, nếu không phải trục lợi!

Tài liệu tham khảo

  1. Cụ Lê Đình Kình giải thích về luật đất đai Đồng Tâm,Youtube, 12/1/2020
  2. Nhìn lại vụ Đồng Tâm - vì đâu nên nỗi?, Cù Huy Hà Vũ, BBC Tiếng Việt, 3/6/2017
  3. Người dân Đồng Tâm đã “phòng vệ chính đáng”, Cù Huy Hà Vũ, BBC Tiếng Việt, 11/6/2017
  4. Kết luận thanh tra vụ Đồng Tâm: Sân bay Miếu Môn là đất quốc phòng, Tuổi trẻ, 25/07/2017
  5. Thanh tra Chính phủ: Kết luận thanh tra việc quản lý, sử dụng đất sân bay Miếu Môn của Hà Nội là chính xác, Hà Nội Mới, 28/08/2019.
  6. Thanh tra chính phủ đối thoại với công dân xã Đồng Tâm và các xã tiếp giáp với sân bay Miếu Môn, Đài Phát thanh - Truyền hình Hà Nội (HANOITV), 30/11/2019.
  7. Xét xử vụ “xẻ thịt” đất quốc phòng: Nguyên Sư đoàn trưởng lĩnh 42 tháng tù, Công lý, 24/10/2018.

Tác giả là một luật gia, học giả và nhà bất đồng chính kiến, cựu tù nhân chính trị Việt Nam.

XS
SM
MD
LG