Dow Chemical, một trong các công ty đa quốc gia của Mỹ bị bà Trần Tố Nga kiện ra toà ở Pháp, nói rằng họ không chịu trách nhiệm về vấn đề của “thời chiến” khi quân đội Hoa Kỳ rải chất độc da cam xuống Việt Nam và vụ việc này nên được giải quyết qua sự hợp tác giữa hai chính phủ.
Bà Nga, người nhận mình là nạn nhân của chất độc da cam, kiện Dow và 13 công ty khác ra một toà án ở Pháp trong một vụ kiện kéo dài hơn 7 năm qua. Toà đại hình Evry, ở ngoại ô Paris, hôm 10/5 bác đơn kiện của bà nhưng người phụ nữ 79 tuổi đang đệ đơn kháng cáo.
“Phán quyết này phù hợp với phán quyết của các toà án ở Hoa Kỳ rằng Dow và các nhà sản xuất khác bị chính phủ Mỹ buộc phải sản xuất chất độc da cam trong Chiến tranh Việt Nam và không chịu trách nhiệm về việc quân đội (Mỹ) sử dụng, vận chuyển hoặc lưu trữ chất diệt cỏ này,” một đại diện của Dow cho biết khi trả lời yêu cầu bình luận của VOA qua email về vụ kiện của bà Nga, người bị phơi nhiễm chất độc da cam khi là phóng viên chiến trường của Thông Tấn Xã Việt Nam giữa thập kỷ 1960.
Các toà án của Hoa Kỳ đã ba lần bác bỏ các khiếu nại pháp lý của các nạn nhân chất độc da cam của Việt Nam, trong đó có một vụ kiện vào năm 2008 chống lại 37 công ty hoá chất của Mỹ từng sản xuất chất độc hoá học cho quân đội Hoa Kỳ sử dụng trong Chiến tranh Việt Nam.
Trong kết luận của Toà án Pháp về vụ kiện của bà Nga mà VOA được xem, toà này nói rằng họ không có thẩm quyền xét xử một vụ án liên quan đến các hành động trong thời gian chiến tranh của chính phủ Mỹ và rằng các công ty này chỉ làm theo lệnh của Chính phủ Hoa Kỳ.
Được biết, quân đội Mỹ đã rải khoảng gần 72 triệu lít chất diệt cỏ, trong đó có ít nhất 41,6 triệu lít chất da cam, xuống các khu rừng của Việt Nam, nơi có quân của Bắc Việt trú ẩn.
Bà Nga cho VOA biết trong một cuộc phỏng vấn gần đây rằng bà tiếp tục kháng cáo không phải với mục đích được đền bù mà để đòi công lý cho hàng triệu nạn nhân chất độc da cam ở Việt Nam và nhiều nơi khác trên thế giới. Nhiều binh lính từ các quốc gia như Úc, Hàn Quốc, Philippines đã tham gia Chiến tranh Việt Nam bên phía quân đội Mỹ và được cho là cũng bị phơi nhiễm với chất độc này.
Trong email trả lời VOA, Dow, một trong 3 công ty sản xuất hoá chất lớn nhất của thế giới có trụ sở ở Michigan, nói rằng “vụ tranh chấp này là một vấn đề của thời chiến” và “cần được giải quyết thông qua sự hợp tác đang tiếp diễn giữa chính phủ Việt Nam và Hoa Kỳ” mặc dù họ “tôn trọng” những người đã tham gia nghĩa vụ trong chiến tranh Việt Nam và bị ảnh hưởng bởi thảm hoạ này.
Trên trang web của mình, Dow nói rằng “Chính phủ Mỹ chịu trách nhiệm về các hành động quân sự của chính mình, bao gồm cả việc phát triển và sử dụng chất độc da cam ở Việt Nam.”
Ông Chuck Searcy, một cựu chiến binh Mỹ từng tham chiến ở Việt Nam và hiện đang là cố vấn cho dự án Project RENEW nhằm hỗ trợ các nạn nhân da cam ở Việt Nam, cho rằng việc các công ty hoá chất của Mỹ nói rằng bị Chính phủ Hoa Kỳ “yêu cầu” phải sản xuất chất độc da cam là một sự “trốn tránh” trách nhiệm. Theo ông Searcy, các công ty này cần bị buộc phải chịu trách nhiệm trong một vụ việc mà ông cho là phức tạp nơi “công lý và sự thật bị che dấu.”
Việt Nam ước tính có khoảng 4,8 triệu nạn nhân chất da cam, trong số đó có nhiều người thuộc các thế hệ sau cũng bị ảnh hưởng gián tiếp bởi chất độc này khi được sinh ra với các dị tật bẩm sinh.
Dù cho rằng không có mối liên hệ nào được khoa học chứng minh về sự độc hại của chất dioxin gây ra cho những nạn nhân ở Việt Nam nhưng Chính phủ Mỹ hiện đang giúp Việt Nam giải quyết các hậu quả của chiến tranh, trong đó có các dự án làm sạch chất dioxin ở các “điểm nóng” như sân bay Đà Nẵng và Biên Hoà, đồng thời cung cấp tài chính hỗ trợ cho những người dân Việt Nam bị khuyết tật nặng nề do ảnh hưởng của chất độc da cam.
Bộ Ngoại giao Việt Nam hồi tháng trước nói rằng họ “lấy làm tiếc về phán quyết của toà án” ở Evry và “sẵng sàng hỗ trợ” bà Nga trong vụ kiện chống lại các công ty sản xuất chất da cam.