Đường dẫn truy cập

Cựu đại sứ Mỹ lên tiếng sau thông tin chính quyền Biden trục xuất người tị nạn Việt


Những người ủng hộ cải cách di dân tuần hành đòi chấm dứt việc bắt giữ và trục xuất di dân ra khỏi Hoa Kỳ hôm 28/4 tại thủ đô Washington.
Những người ủng hộ cải cách di dân tuần hành đòi chấm dứt việc bắt giữ và trục xuất di dân ra khỏi Hoa Kỳ hôm 28/4 tại thủ đô Washington.

Trước thông tin hàng chục người Việt bị Bộ An ninh Nội địa Mỹ đưa trở về nước trên một chuyến bay đặc biệt từ Texas giữa đại dịch COVID-19, cựu Đại sứ Mỹ tại Hà Nội Ted Osius lên án việc trục xuất người tị nạn Việt ra khỏi Hoa Kỳ và cho rằng hành động này là “sai trái”, không lâu sau khi gần 40 nghị sỹ Mỹ hối thúc chính quyền Biden chấm dứt việc trục xuất này.

Hồi tháng 3, Cơ quan Di trú và Thự thi Hải quan (ICE) của Bộ An ninh Nội địa Mỹ (DHS) đã trục xuất 33 người tị nạn Việt trên một chuyến bay được cho là xuất phát từ Texas tới Hà Nội, theo thông tin của các nhóm vận động chính sách gồm Mekong NYC, VietLead và Southeaset Asian Defense Project (Dự án Bảo vệ Đông Nam Á).

Vào tháng trước, 39 thượng nghị sỹ và dân biểu liên bang Hoa Kỳ đã gửi một lá thư chung tới Bộ trưởng An ninh Nội địa Alejandro Mayorkas nêu lên quan ngại của họ về việc giam giữ và trục xuất người tị nạn Việt sau các thông tin về việc hàng chục người Việt bị trục xuất về nước trên chuyến bay hôm 15/3. Các nghị sỹ và dân biểu Mỹ yêu cầu DHS làm rõ thông tin về một bản hiệp định mới, được thương thảo dưới thời chính quyền Tổng thống Donald Trump về việc trục xuất người tị nạn Việt, vừa được ký kết giữa hai chính phủ Mỹ và Việt Nam dưới thời Tổng thống Joe Biden.

DHS không phản hồi yêu cầu bình luận của VOA về thông tin trục xuất 33 người Việt Nam cũng như việc chính quyền Biden ký kết hiệp định được thương thảo dưới thời chính quyền Trump. Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng như Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ không hồi đáp yêu cầu của VOA nhằm xác nhận hoặc phủ nhận các thông tin trên.

Cựu đại sứ Mỹ tại Việt Nam, Osius, người từng lên tiếng phản đối việc trục xuất người tị nạn Việt đến Hoa Kỳ trước năm 1995 dưới thời Tổng thống Trump, lại một lần nữa lên án việc này sau các thông tin về việc vụ trục xuất người Việt dưới thời Tổng thống Biden.

“Tôi không còn làm trong chính phủ nữa nên tôi không biết những gì đã xảy ra về số lượng người bị trục xuất,” ông Osius, người hiện đang làm Phó chủ tịch phụ trách các vấn đề chính phủ và chính sách công của Google ở châu Á-Thái Bình Dương, nói khi trả lời yêu cầu bình luận của VOA về các thông tin trên tại một buổi thảo luận do Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) có trụ sở ở Washington tổ chức về tương lai quan hệ đối tác giữa Mỹ và Việt Nam hôm 27/4. “Điều mà tôi biết là, dù cho ai đã làm việc này thì việc trục xuất (người Việt ra khỏi Mỹ) là sai trái.”

Ông Osius, người từng làm đại sứ Mỹ tại Hà Nội từ 2014 đến 2017 trước khi xin từ chức, đã công khai lên tiếng phản đối việc chính quyền Tổng thống Trump tìm cách diễn giải lại hiệp định được ký kết giữa hai chính phủ vào năm 2008 trong đó bảo vệ những người tị nạn Việt đến Mỹ trước ngày 12/7/1995 – thời điểm hai nước bình thường hoá quan hệ ngoại giao.

“Tôi đã công khai ý kiến khác biệt của mình với chính quyền Trump về điều này,” ông Osius, người từ chức đại sứ Mỹ hồi năm 2017 để phản đối chính sách trục xuất người Việt dưới thời Trump, nói hôm 27/4. “Tôi có thể tự hào là một thành viên của Đảng Dân chủ nhưng tôi cũng có thể khác biệt (quan điểm) với chính quyền Biden. (Người tị nạn Việt) là những người, trong nhiều trường hợp, đã chiến đấu cùng với người Mỹ trong cuộc chiến tranh (ở Việt Nam). Trong những trường hợp khác, họ là con cái của những người đã phục vụ (quân đội) Hoa Kỳ.”

Cựu đại sứ Mỹ, trong một lần trả lời phỏng vấn VOA hồi năm 2018, cho rằng việc trục xuất người tị nạn Việt “sẽ gây tổn hại lòng tin mà chúng tôi đã dày công gây dựng với Việt Nam.”

Các tổ chức vận động chính sách cho cộng đồng Đông Nam Á ở New Jersey, New York và Pennsylvania hồi tháng 3 đã yêu cầu Tổng thống Biden và Phó Tổng thống Kamala Harris “ngừng chuyến bay” trục xuất người Việt và “chấm dứt vi phạm hiệp định song phương giữa Mỹ và Việt Nam.”

Khi được hỏi liệu chính quyền Biden có tiếp tục chính sách của chính quyền Trump hay không về việc trục xuất người tị nạn Việt, Giám đốc cấp cao về Đông Á và châu Đại Dương của Hội đồng An ninh Quốc gia Hoa Kỳ, Edgard Kagan, hôm 29/4 không xác nhận cũng không phủ nhận nhưng nói rằng “đó là một vấn đề có các yêu cầu pháp lý bên phía Hoa Kỳ mà chúng tôi rõ ràng là phải tuân theo.” Nói tại một buổi thảo luận khác của CSIS cũng về tương lai quan hệ Việt-Mỹ, ông Kagan, người mới được Tổng thống Biden bổ nhiệm vào chức vụ này hồi tháng 1 vừa qua, cho biết chính quyền đang “nỗ lực và tìm mọi cách để hy vọng là sẽ quản lý được một cách hiệu quả nhất có thể”. Theo ông Kagan, mặc dù có “những thách thức về cơ chế và pháp lý” nhưng vấn đề này sẽ được hai bên hợp tác để giải quyết.

“Tôi không nghĩ rằng những vụ trục xuất này là một phần của một chính sách nhất quán,” theo nhận định của cựu Đại sứ Osius. “Tôi nghĩ rằng (chính quyền Biden) đã bắt đầu bằng một phần chính sách của chính quyền trước (để lại) mà tôi cho rằng rõ ràng là phân biệt chủng tộc. Vì vậy tôi nghĩ (chính quyền Biden) không nên theo đuổi (chính sách này).”

Chính quyền Biden trong 100 ngày đầu tiên đã đảo ngược nhiều chính sách của chính quyền Trump, trong đó phần nhiều là đối ngoại. Tổng thống Biden cũng đã hứa không tiến hành trục xuất trong 100 ngày đầu tiên nhưng theo các tổ chức vận động chính sách thì “hàng nghìn di dân đã bị trục xuất trong 37 ngày đầu tiên của nhiệm kỳ tổng thống.” Tuy nhiên theo số liệu mà CNN trích dẫn của ICE thì số lượng người bị bắt giữ và trục xuất dưới thời Tổng thống Biden giảm hơn nhiều so với thời Tổng thống Trump do có sự dịch chuyển trong chính sách di dân.

VOA Express

XS
SM
MD
LG