Đường dẫn truy cập

Dù dịch bệnh, người Việt ở Mỹ vẫn trang trọng tưởng niệm ngày 30/4


Khách tham dự xếp hàng thắp nhang tại bàn thờ tử sĩ trong một buổi lễ tưởng niệm biến cố 30 tháng 4 do cộng đồng người Việt tổ chức ở Oklahoma City, bang Oklahoma, ngày 25 tháng 4, 2021. (Facebook Vietnamese American Community of Oklahoma)
Khách tham dự xếp hàng thắp nhang tại bàn thờ tử sĩ trong một buổi lễ tưởng niệm biến cố 30 tháng 4 do cộng đồng người Việt tổ chức ở Oklahoma City, bang Oklahoma, ngày 25 tháng 4, 2021. (Facebook Vietnamese American Community of Oklahoma)

Các cộng đồng người Việt khắp nước Mỹ đã và đang tổ chức các buổi lễ tưởng niệm biến cố ngày 30 tháng 4 trong một hoạt động thường niên gần như không thể thiếu dù quy mô bị hạn chế nhiều vì đại dịch COVID-19.

Phần lớn người Việt đến Mỹ trong tư cách người tị nạn sau khi Việt Nam Cộng hòa sụp đổ vào ngày này năm 1975 và phe cộng sản lên nắm quyền, khép lại Chiến tranh Việt Nam. Nhiều người Việt hải ngoại tưởng niệm sự kiện này như ngày “quốc hận” để nhắc nhở bản thân và các thế hệ sau về nỗi đau mất nước.

Các buổi lễ tưởng niệm cũng là dịp để tri ân những cựu chiến binh từng tham gia cuộc chiến và để vinh danh những người lính của quân đội Việt Nam Cộng hòa hy sinh cho cho một miền Nam không cộng sản.

Đại dịch COVID-19 đã gây gián đoạn nặng nề cho các sinh hoạt mang tính cộng đồng như vậy, song nhiều cộng đồng người Việt vẫn cố gắng duy trì hoạt động tưởng niệm vốn đã trở thành bản sắc của người Việt tị nạn tại Mỹ trong khi phải tuân thủ những quy định của nhà chức trách địa phương để giữ an toàn về y tế.

Ở một số nơi, các hoạt động tưởng niệm đã được tổ chức từ cuối tuần qua để khách mời có thể tham dự được vào ngày nghỉ.

Ông Đỗ Minh, chủ tịch Cộng đồng Người Việt Oklahoma City và Vùng Phụ cận ở bang Oklahoma, cho biết dù buổi lễ diễn ra ngoài trời nhưng ông vẫn chủ động hạn chế số lượng người tham dự để giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm virus.

“Năm nay vì COVID nên mình cũng hạn chế tối đa cho nên khách mời mình không mời đồng hương mà chủ yếu là các vị hội trưởng các binh chủng, những người lãnh đạo tinh thần, những người đại điện cho các tôn giáo,” ông nói.

“Cái mà năm nay mình không làm được nữa là mình không có thể làm được là những bài nhạc đấu tranh hoặc là hô khẩu hiệu, đứng hát chung với nhau rầm rộ như mọi năm.”

Tại khu Little Saigon ở miền nam bang California, nơi người Việt tập trung đông đảo nhất ở Mỹ, lễ tưởng niệm 30 tháng 4 luôn là một sự kiện nổi bật trong những sinh hoạt của cộng đồng suốt hàng chục năm qua. Buổi lễ năm nay sẽ được cử hành vào đúng ngày 30 tháng 4, thứ Sáu tuần này.

Tuy nhiên các hạn chế nghiêm ngặt về y tế buộc ban tổ chức phải dời địa điểm cử hành lễ hàng năm tại Tượng đài Chiến sĩ Việt Mỹ trong một công viên ở thành phố Westminster, nơi mà các thành viên của cộng đồng tề tựu tham dự lễ tưởng niệm kể từ năm 2003, Chủ tịch Cộng đồng Người Việt Quốc gia Nam California Phát Bùi cho biết.

“Ngày hôm đó chúng tôi tổ chức [buổi lễ] trong không khí nghiêm trang nhưng mà nhỏ và yêu cầu tất cả mọi người đeo khẩu trang và giãn cách xã hội,” ông nói, và cho biết thêm buổi lễ sẽ diễn ra tại tượng đài Đức Thánh Trần Hưng Đạo trong một khu thương xá.

Trong khi đó Cộng đồng Người Việt Quốc gia Liên bang Hoa Kỳ năm nay sẽ tổ chức lễ tưởng niệm 30 tháng 4 lần thứ hai của mình qua hình thức trực tuyến. Lễ tưởng niệm online được tổ chức lần đầu vào năm ngoái giữa dịch bệnh bùng phát và “khá thành công” vì kết nối được nhiều cộng đồng cùng chung lý tưởng, theo ông Phan Thông Hưng, chủ tịch hội đồng chấp hành của hội và trưởng ban tổ chức.

“Chúng tôi thấy hình thức trực tuyến này cũng hay vì có những cộng đồng thành viên chưa bao giờ làm việc chung thì bây giờ có cơ hội làm việc chung cho ngày lễ này,” ông nói.

“Năm ngoái lần đầu tiên làm, có những cộng đồng mình chưa biết tới và chỉ kết hợp với họ trong buổi họp thôi, như Âu Châu, Úc Châu, Canada, Việt Nam cũng có. Càng ngày làm việc online thì sự kết hợp đó dễ dàng hơn, nhất là với những dự án sau này.”

Dù những nghi thức quan trọng của buổi lễ như chào cờ và phút mặc niệm được nhiều cộng đồng duy trì, song một số hoạt động mang tính giáo dục liên quan đến sự kiện 30 tháng 4 năm nay bị cắt giảm do những hạn chế về việc tụ tập.

Một số nhà lãnh đạo cộng đồng nói hoạt động tưởng niệm không chỉ là cơ hội cho các thế hệ trước nhớ lại quá khứ mà còn là dịp để cho những thế hệ trẻ hơn, đặc biệt là những người sinh trưởng ở Mỹ, hiểu được những trải nghiệm của các thế hệ trước ở Việt Nam và nhắc họ nhớ vì sao họ có mặt ở nước Mỹ này.

“Việc tưởng nhớ là là một việc rất cần thiết và nó là một bài học lịch sử mà người dân Việt Nam cần phải luôn luôn biết và nhớ đến để mà chúng ta tránh một cuộc chiến tương tàn giữa người dân trong nước đã gây ra sự thiệt mạng cho cả triệu người ở cả hai miền Nam và Bắc,” ông Phát Bùi, người cũng là nghị viên thành phố Garden Grove, nói.

Ông Đỗ Minh, người sinh trưởng sau biến cố 30 tháng 4 năm 1975, nói ông hiểu biết thêm về lịch sử nhờ học hỏi từ các thế hệ trước và trong tư cách chủ tịch cộng đồng, ông cũng muốn tạo điều kiện cho những thế hệ sau biết và hiểu được lịch sử của cha ông họ và chính họ.

“Mình không thể nào quên cái ngày mà chúng ta bị cộng sản Bắc Việt cưỡng chiếm miền Nam,” ông chia sẻ.

VOA Express

XS
SM
MD
LG