Bloomberg hôm 23/12 dẫn lời một chuyên gia an ninh mạng cho biết nhóm hacker được cho là có sự hậu thuẫn của nhà nước Việt Nam đang học theo cách của hacker Trung Quốc, sử dụng các cuộc tấn công mạng ngày càng tinh vi để theo dõi các đối thủ cạnh tranh nhằm giúp cho Việt Nam bắt kịp các đối thủ trên toàn cầu.
Theo đó, nhóm hacker APT32, còn được biết đến dưới tên Ocean Lotus, đã đẩy mạnh hoạt động gián điệp trên không gian mạng trong khoảng 2 năm vừa qua, Bloomberg dẫn nguồn tin từ công ty an minh mạng CrowdStrike cho biết.
Hoạt động gián điệp chính của APT32 là đánh cắp tài sản trí tuệ, lĩnh vực tội phạm vốn là lãnh địa “khét tiếng” của hacker Trung Quốc.
Bản tin của Bloomberg cho hay mục tiêu chính của APT hiện nay là ngành công nghiệp ô tô, trong đó các hãng xe Toyota, Hyundai và nhiều hãng khác.
Chiêu thức tấn công của APT32 là tạo ra tên miền giả của hãng xe Toyota và Hyundai rồi từ đó tìm cách xâm nhập vào hệ thống mạng của các đại công ty trên nhằm đánh cắp bí mật thương mại của họ.
Vào trung tuần tháng này, truyền thông Đức cũng dẫn một báo cáo cho hay nhóm tin tặc APT32 đã tấn công vào hệ thống mạng của hãng xe nổi tiếng BMW để đánh cắp bí mật thương mại, nhưng đã bị nhóm bảo mật của công ty chặn đứng.
Các chuyên gia an ninh mạng quốc tế cho rằng nhóm tin tặc “có liên hệ với nhà nước Việt Nam” đang học theo chiêu thức của hacker Trung Quốc, nhưng với quy mô nhỏ hơn, nhằm giúp cho Việt Nam thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế.
Bộ Ngoại giao Việt Nam và Đại sứ quán Việt Nam tại Washington chưa trả lời yêu cầu bình luận của Bloomberg về thông tin này.
Tuy nhiên hồi tháng 3, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Việt Nam, bà Lê Thị Thu Hằng, khi được hỏi về thông tin nhóm tin tặc có liên hệ với nhà nước Việt Nam tấn công vào các công ty sản xuất ô tô, đã trả lời rằng cáo buộc trên là “vô căn cứ”.
Ngoài lĩnh vực sản xuất ô tô, tin cho hay nhóm tội phạm mạng của Việt Nam cũng nhắm đến các doanh nghiệp Mỹ có liên quan thương mại với Việt Nam, bao gồm cả ngành công nghiệp sản xuất tiêu dùng.
Hoạt động gián điệp kinh tế của Việt Nam được cho là bắt đầu từ năm 2012 và đã tăng vọt kể từ năm 2018 khi chính quyền Trump tìm cách kiềm chế tình trạng đánh cắp tài sản trí tuệ của Trung Quốc, Bloomberg dẫn nguồn tin từ CrowdStrike cho biết thêm.