Đường dẫn truy cập

Hai người Á châu chiếm giải Oscar


Gần một thế kỷ mới có hai người Á châu cùng chiếm Giải Oscar một lần, cùng đóng phim Everything Everywhere All at Once. Hình: Michelle Yeoh thứ hai từ trái; Ke Huy Quan bìa trái.
Gần một thế kỷ mới có hai người Á châu cùng chiếm Giải Oscar một lần, cùng đóng phim Everything Everywhere All at Once. Hình: Michelle Yeoh thứ hai từ trái; Ke Huy Quan bìa trái.

Người dân và chính quyền Malaysia đều hân hoan chia vui với Michelle Yeoh, tức Dương Tử Quỳnh. Người Việt ở trong và ngoài nước, nhất là các thuyền nhân tị nạn, cũng phải chúc mừng Quan Kế Huy!

Gần một thế kỷ mới có hai người Á châu cùng chiếm Giải Oscar một lần, cùng đóng phim Everything Everywhere All at Once. Cô Michelle Yeoh được trao giải nữ diễn viên chính số một; ông Ke Huy Quan giải diễn viên phụ xuất sắc. Cô Yeoh người Malaysia gốc Trung Hoa; ông Quan người Mỹ sanh ở Việt Nam, cha mẹ là người Việt gốc Hoa. Phản ứng tại hai nước Malaysia và Việt Nam hoàn toàn trái ngược nhau!

Dân Malaysia vui tưng bừng thấy một tài tử sanh trưởng ở nước mình trở thành người Á châu đầu tiên đoạt giải thưởng điện ảnh uy tín nhất thế giới. Người ta coi cô là “Niềm hứng khởi cho phụ nữ Malaysia,” theo báo Al Jazeera. Bà Janet Yeoh, mẹ cô đứng trước tấm bích chương in hình cô với hàng chữ: “Niềm Hãnh diện của Malaysia,” nói, “Nó là đứa con gái làm việc cần mẫn, ai cũng thấy!”

Báo Al Jazeera, ở Qatar vùng Trung Đông, kể rằng Thủ tướng Anwar Ibrahim ca ngợi cô Yeoh trên Facebook của ông, “Chúng tôi vô cùng hãnh diện về sự thành công của cô.” Ông Rozaidi Jamil, chủ tịch Hội Nghệ Sĩ Malaysia nói rằng đây là một tấm gương cho giới trẻ, “Thành công của cô Yeoh là niềm cảm hứng nhắc nhở ta rằng, với tài năng và làm việc cần cù các bạn có thể tiến rất xa, dù bạn xuất thân từ đâu, quá khứ thế nào.”

Ông Jamil nói trong cuộc họp mặt cả trăm người, cùng với bà Janet Yeoh, mẹ cô Michelle, và các nghệ sĩ, các nhà chính trị, từ lúc 7 giờ sáng Thứ Hai ở Kuala Lumpur, để coi truyền hình lễ trao giải Oscar đêm Chủ Nhật ở California. Báo The Guardian, Anh quốc, kể Michelle Yeoh đã điện thoại cho mẹ ngay sau khi nhận giải, trong lúc cả trăm người vỗ tay hoan hô. Bà Janet hô lên, bằng tiếng Mã Lai: “Malaysia Boleh!” Nghĩa là: “Malaysia có thể thắng” rồi nhắc lại, “Michelle Boleh!”

Cô Michelle, 60 tuổi, đã nổi tiếng từ lâu, người Việt còn nhớ cô thủ vai nữ hiệp trong phim Hổ Phục Long Tàng, năm 2000, của đạo diễn Lý An (Ang Lee, Đài Loan), cùng với tài tử Hồng Kông Châu Nhuận Phát (Chow Yun-fat). Ở Mã Lai, báo chí thường gọi cô là Tan Sri Michelle Yeoh, vì năm 2013 cô đã được quốc vương phong tước Tan Sri, theo Al Jazeera. Đó là tước hiệu giống như Bảo Quốc Huân Chương hạng nhì, thấp hơn tước Tun, vốn dùng để gọi các hoàng thân, và cao hơn Datuk. Ông bố và một người chú tỷ phú của cô đã được phong Datuk và Tan Sri.

Thủ tướng Anwar Ibrahim và ông Rozaidi Jamil cũng như ông bộ trưởng Thể Thao bày tỏ lòng hãnh diện về cô Michelle Yeoh, một người sanh trưởng tại Malaysia, mà không ai nhắc đến chuyện cha mẹ cô vốn có gốc Trung Hoa; đã đặt tên cô là Dương Tử Quỳnh (楊紫瓊).

Cha mẹ của tài tử Ke Huy Quan đặt tên con là Quan Kế Uy (關繼威) mà các vị làm giấy tờ hộ tịch ở Quận Năm Sài Gòn năm 1971 đã viết thành Quan Kế Huy, có lẽ vì không phân biệt được hai âm Huy và Uy.

Phản ứng của chính quyền Việt Nam khi chứng kiến Quan Kế Huy đoạt giải Oscar khác hẳn cảnh tượng ở Malaysia trước thành công của Dương Tử Quỳnh.

Bản tin tiếng Anh của đài BBC viết, “Ông ta là người gốc Việt Nam đầu tiên chiếm giải Oscar, một trong hai người (gốc Việt) được đề cử - người kia là cô Hong Chau, trong phim The Whale… Nhưng phản ứng chính thức của nhà cầm quyền là im hơi lặng tiếng, … không ai trong chính quyền nói một lời nào... Các bản tin truyền thông, hầu hết do chính quyền kiểm soát, nói rất ít về Ke Huy Quan và quá khứ của ông.”

Đài BBC hỏi “Tại sao họ ngần ngại không công nhận một diễn viên thành công được cả thế giới biết, mà ông ta công khai nói đến gốc gác Việt Nam của mình?” Đài cho biết cả Huy và cô Hong Chau đều là những thuyền nhân tị nạn cộng sản. Chính quyền cộng sản không muốn ai nhớ tới hàng triệu người vượt biển, gần nửa triệu người đã chết trong những năm sau chiến tranh. Nhiều người đã hối lộ quan chức cộng sản để tổ chức vượt biên. Đảng Cộng sản không muốn sự thành công của một cậu bé tị nạn lúc nhỏ tuổi khiến mọi người nhớ tới những cảnh thảm thương này.

Năm 1978 gia đình Quan Kế Huy đã xuống hai chuyến thuyền, ông bố và sáu người con đến Hồng Kông, bà mẹ và ba con qua Malaysia. Năm 1979 họ được nhận vào nước Mỹ. Khi kể chuyện gia đình vượt biển, Quan Kế Huy đã bật khóc. Người Việt Nam nào nhớ lại chuyện các thuyền nhân cũng phải khóc! Chính quyền cộng sản chỉ muốn xóa lịch sử, cho mọi người quên đi!

Đài BBC cho biết các báo ở Sài Gòn, như tờ Thanh Niên, tường thuật chuyện giải Oscar đều nhấn mạnh rằng ông là người gốc Hoa, không phải hoàn toàn người Việt. Báo Tuổi Trẻ nói cha ông gốc từ lục địa, mẹ gốc Hồng Kông. VnExpress thì nói “cha mẹ ông là người Chợ Lớn.”

Bị ảnh hưởng của thái độ thờ ơ của nhà nước, trên các mạng nhiều người cũng đặt câu hỏi Huy có phải là người Việt thật hay không? Một độc giả viết cho Facebook của đài BBC quả quyết rằng “Ông ta (Huy) không phải người Việt mà là người Việt gốc Hoa sanh ở Việt Nam. Phải nói thẳng như vậy!” Một người khác viết: “Phải nói rõ ràng là ông ta là người Mỹ gốc Hoa, đã có lúc mang quốc tịch Việt Nam. Tôi không thấy có điều gì để bảo rằng ông là người gốc Việt!”

Chúng ta có thể hỏi tác giả các bức thư trên: Lý Bôn, người đầu tiên xưng hoàng đế chống lại Trung Quốc vào thế kỷ thứ 6 trong thời Bắc thuộc có thể gọi là “người Việt” không? Tổ tiên ông là người Trung Hoa sang nước ta tị nạn! Các vua Trần Thái Tông, Trần Nhân Tông, đã lãnh đạo cuộc chiến chống quân Nguyên có là “người Việt” hay không? Ông tổ họ Trần là một di dân từ Phúc Kiến qua. Trước đó, một người gốc Phúc Kiến khác là Vũ Hồn, cũng tới sống làng Mộ Trạch, Hải Dương, Việt Nam, vào thế kỷ thứ tám. Đến thế kỷ thứ 17 có Vũ Phương Đề, tác giả Công Dư Tiệp Ký; thế kỷ 18 đã có 30 người họ Vũ đậu tiến sĩ. Gia đình họ Mạc đã dâng đất Hà Tiên cho chúa Nguyễn, có thể coi là người Việt hay không? Trong thế kỷ 20, các nhà văn Hồ Dzếnh, Vương Hồng Sển, dịch giả Liêu Quốc Nhĩ, đều là di dân gốc Hoa đời thứ hai, có phải là người Việt hay không?

Phần lớn báo chí quốc tế khi thuật chuyện Giải Oscar đều nói Huy là người gốc Việt. Bản tin AP viết, “Ke Huy Quan là người gốc Việt Nam đầu tiên chiếm giải Oscar.” Mạng Empire cũng viết: “Jonathan Luke Ke Huy Quan là một diễn viên Mỹ sanh ở Việt Nam, được biết đến nhiều nhất trong các cuốn phim thời 1980 của Steven Spielberg …”

Nhiều người Việt trong nước cũng không chấp nhận thái độ kỳ thị thiển cận đối với Quan Kế Huy.

Báo The Guardian kể một người ở Sài Gòn theo dõi giải Oscar trong khi đang ăn sáng và dùng Twitter trên mạng, nghe tin Huy đoạt giải đã vui đến phát khóc. Cô Bui Khanh Minh viết, “Tôi không cần biết chuyện Ke Huy Quan có được coi là người Việt Nam hay không! Bạn từ một nước khác đến Mỹ rồi tự lập thành công. Đó đúng là một nguồn phấn khích!”

Nhà văn Trần Tiến Dũng ngỏ ý trên Facebook rằng “Con người Quan Kế Huy là dân Sài Gòn - Chợ Lớn. Năng lực của anh là do nơi anh sinh ra, Sài Gòn - Chợ Lớn.”

BBC kể một sinh viên tên Do Nguyen ở Sài Gòn viết trên mạng, “Tôi reo hò khi anh thắng giải. Câu chuyện đời anh ta rất xúc động và đầy cảm hứng. Anh đã trốn thoát khỏi Việt Nam, quê hương anh, năm 1979, … đã tranh đấu để tồn tại trong công nghệ điện ảnh Hollywood và đoạt thắng lợi chưa từng thấy!” Một người gửi thư cho đài BBC cũng viết, “Chúng ta phải gọi anh ta là người Việt Nam, vì anh sanh ở Việt Nam, (dù) cha mẹ là di dân gốc Hoa.”

Thái độ cởi mở, bao dung đối với những người gốc ngoại quốc đến ở nước mình là một sức mạnh của dân tộc Việt. Trong lịch sử nước ta, các đế quốc từ nhà Hán đến nhà Đường muốn đồng hóa, biến người Việt thành người Trung Quốc. Nhưng họ thất bại. Ngược lại, di dân Trung Hoa qua Việt Nam đã được đồng hóa biến thành người Việt, trong hàng ngàn năm, kể từ thời Bắc thuộc!

Người dân và chính quyền Malaysia đều hân hoan chia vui với Michelle Yeoh, tức Dương Tử Quỳnh. Người Việt ở trong và ngoài nước, nhất là các thuyền nhân tị nạn, cũng phải chúc mừng Quan Kế Huy!

  • 16x9 Image

    Ngô Nhân Dụng

    Ngô Nhân Dụng là bút hiệu của Đỗ Quý Toàn khi phụ trách mục Bình Luận trên Nhật báo Người Việt, từ năm 1995 khi ông về định cư tại Quận Orange, California, cho tới Tháng Hai năm 2020. Trước đó ông dạy môn Tài chánh học (Finance) ở các Đại học McGill và UQAM tại Montréal, Canada là nơi gia đình ông tới tị nạn từ năm 1975. Năm 1989, trước khi bức Tường Berlin sụp đổ, ông xuất bản cuốn Đổi Mới Kinh Tế dưới bút hiệu Vương Hữu Bột, kể kinh nghiệm thay đổi cơ cấu nền kinh tế cộng sản ở các nước từ Hungary, Trung Quốc, tới Nga và các nước Đông Âu. Cuốn sách xuất bản gần đây nhất, ký tên Ngô Nhân Dụng, là Đứng Vững Ngàn Năm – Nhờ đâu nước Việt vẫn còn sau ngàn năm Bắc thuộc?

    Cuốn sách đầu tiên ký tên Đỗ Quý Toàn xuất bản ở California là Yêu Con Dạy Con Nên Người Việt, do nhà Văn Nghệ ấn hành, năm 1979. Ông cũng đã in nhiều tập thơ từ năm 1965 và tập tiểu luận Tìm Thơ Trong Tiếng Nói do Thanh Văn xuất bản năm 1992.

    Trong blog này Ngô Nhân Dụng sẽ viết tiếp những bài Bình Luận về các vấn đề thời sự thuộc các lãnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, dưới mắt nhìn của một người Việt sống xa quê hương.

    Đây là một blog cá nhân được đăng tải trên Đài VOA nhưng không nhất thiết tương đồng với quan điểm của đài và của chính phủ Hoa Kỳ.

Diễn đàn

VOA Express

XS
SM
MD
LG