Nguyễn Quốc Khải
Trong vài tuần lễ vừa qua tình hình ở Biển Đông đang sôi nổi vì một tầu thăm dò dầu khí Haiyang Dizhi 8 (Hải Dương 8) của Trung Quốc với một số tầu tuần duyên đi theo hộ tống đã xâm nhập đặc khu kinh tế của Việt Nam quanh Bãi Tư Chính thuộc quần đảo Trường Sa. Trong khi đó, tại Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược và Quốc Tế (CSIS), ở thủ đô Washington đã diễn ra Hội Nghị Hàng Năm lần Thứ Chín về Biển Đông vào ngày 24-7.
Hội nghị này đã quy tụ được rất nhiều chuyên viên và học giả về lãnh vực về Châu Á và hàng hải. Trong số này tôi ghi nhận được những một số người từ xa tới như GS Lan Nguyễn từ Hòa Lan; Ô. Liu Xiaobo, Trung Quốc; Ô. Evan Laksmana, Nam Dương; Ô. Kavi Chongkittavorn, Thái Lan; GS Stein Tonnesson, Na Uy; GS Bill Hayton, Anh Quốc; GS Jay Batongbacal, Phi Luật Tân; GS Sarah Kirchbergerm, Đức Quốc; GS Toshihiro Nakayama, Nhật Bản; GS Bec Strating, Úc; Ô. Ian Storey, Singapore.
Được tôi hỏi Hoa Kỳ có nên sử dụng Hạm Đội Số 7 để giúp bảo vệ việc khai thác tài nguyên thiên nhiên của các nước đồng minh ở Biển Đông hay không, Đô Đốc (hưu) Scott H. Swift, cựu Tư Lệnh Hạm Đội Thái Bình Dương của Hoa Kỳ, một trong những diễn giả chính, đã trả lời rằng ông không đồng ý với ý kiến này. Ông nói “Lập trường của Hoa Kỳ rất rõ là chúng tôi không đứng về phe nào đối với tranh chấp về chủ quyền. Đó là những vấn đề về môi trường. Có những bộ khác trong chính phủ thích hợp hơn để giải quyết những thử thách này.”
Đô Đốc Swift cũng nhắc đến tổ chức ASEAN, một diễn đàn đa quốc gia Đông Nam Á để thảo luận những tranh chấp nội bộ với nhau mà Hoa Kỳ không là thành viên. Ông nói tiếp rằng “Những lời bình luận của ông xuất sắc, nhưng sẽ đưa đến tình trạng rằng nếu chúng ta tìm kiếm những giải pháp quân sự, chúng ta sẽ đi vào con đường quân sự. Chúng ta cần phải thật cẩn thận khi chọn lựa những giải pháp này. Sáng kiến của Bộ Ngoại Giao ủng hộ những hoạt động bảo vệ tự do hàng hải.”
Tiếp theo trình bầy của Đô Đốc Swift, Bà Amy Searight, Cố Vấn Cao Cấp và Giám Đốc Chương Trình Đông Nam Á của CSIS, đã lập lại câu hỏi của tôi hơi khác đi. Bà nói “Bộ Ngoại Giao [Hoa Kỳ] đã vài lần tuyên bố, bắt đầu với Ngoại Trưởng Mike Pampeo tại Manila, rằng Hoa Kỳ ủng hộ quyền của các quốc gia khai thác tài nguyên thiên nhiên trong phạm vi đặc khu kinh tế. Hải Quân hay Bộ Quốc Phòng [Hoa Kỳ] phải đóng một vai trò theo một ý nghĩa nào đó để hỗ trợ lập trường ngoại giao đã được công bố rõ ràng. Nếu một nước cố gắng thực hiện quyền khai thác tài nguyên thiên nhiên và rõ ràng bị quấy rỗi, một nước đồng minh có vai trò đối với một nước đối tác như Phi Luật Tân hay Việt Nam.”
Sau phần phát biểu của Bà Amy Searight, Đô Đốc Swift đồng ý rằng Hải Quân sẽ đóng một vai trò trong trường hợp chủ quyền rõ ràng được xác định của một quốc gia đối với đặc khu kinh tế. Ông nói “Chúng ta vẫn phải rất cẩn thận khi có những quyết định hành động từ Tổng Tư Lệnh Quân Đội và phải có sự ủy nhiệm chiến lược rõ ràng. Điều này vô cùng quan trọng.”
Hoa Kỳ mới đây đã lên tiếng bầy tỏ quan ngại về việc Trung Quốc quấy phá việc khai thác dầu khí của Việt Nam trong đặc khu kinh tế quanh Bãi Tư Chính được thừa nhận bởi Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (United Nations Convention on the Law of the Sea – UNCLOS). Phát ngôn viên của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ tuyên bố “Hoa Kỳ cương quyết chống lại sự áp bức và hăm dọa bởi bất cứ nước nào để giành lãnh thổ hay lãnh hải. Trung Quốc cần phải chấm dứt hành vi bắt nạt và kiềm chế những hành động gây hấn và tạo bất ổn.”
Sau một thời gian dài yên lặng, đến khi GS Ryan Martinson của Trường Hải Chiến Hoa Kỳ công bố đường đi của tầu Hải Dương 8, Việt Nam đã phải lên tiếng kêu gọi thế giới giúp đỡ và yêu cầu tầu của Trung Quốc rút ra khỏi lãnh hải của Việt Nam nhưng không có kết quả. Lời nói và ngoại giao xem ra không làm Trung Quốc thay đổi tham vọng bành trướng và làm chủ toàn bộ khối năng lượng tại Biển Đông trị giá 2.5 ngàn tỉ Mỹ kim.
Ông Gregory B. Poling, Giám Đốc Sáng Kiến Minh Bạch Hàng Hải Á Châu (Asia Maritime Transparency Initiative – AMTI) thuộc CSIS, nhận định rằng hiện nay Trung Quốc chưa thể kiểm soát được toàn bộ Biển Đông, nhưng Trung Quốc đang tăng cường khả năng để thực hiện điều này, nếu các nước liên quan và đặc biệt là Hoa Kỳ không có phương cách đối phó thích hợp.
Theo ông Poling, Trung Quốc xem ra muốn tránh đụng độ quân sự với Hoa Kỳ và bất cứ nước nào. Trung Quốc sử dụng dân quân biển ngụy trang dưới hình thức những tầu đánh cá. Một hình chụp được vào ngày 20-12-2018 cho thấy 95 loại tầu này vây quanh đảo Thitu của Phi Luật Tân trong nhiều tháng. Trên đảo có khoảng 100 cư dân và một toán binh sĩ đồn trú. Các nước cần phải áp lực Trung Quốc dẹp bỏ lực lượng dân quân biển.
Đáp lại lời kêu gọi của Việt Nam, vào ngày hôm qua, Chủ Tịch Ủy Ban Ngoại Giao Hạ Viện Hoa Kỳ Eliot L. Engel đã lên tiếng chỉ trích hành vi xâm lăng của Trung Quốc tại vùng Bãi Tư Chính và bênh vực Việt Nam trong cố gắng bảo vệ chủ quyền lãnh hải hợp pháp. Ông Engel nói:
“Sự hung hăng của Trung Quốc tại Biển Đông gần đây chứng minh sự vi phạm công khai luật quốc tế. Theo Công Ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển, những hành động của Trung Quốc tạo thành sự vi phạm chủ quyền của Việt Nam và các quyền hợp pháp trong vùng đặc quyền kinh tế. Quan trọng không kém, hành vi của Trung Quốc đe dọa quyền lợi của các công ty Hoa Kỳ đang hoạt động trong khu vực.”
“Tôi đứng về phía Việt Nam và các đối tác trong vùng của chúng tôi để lên án sự hung hăng này. Cộng đồng quốc tế phải tiếp tục duy trì trật tự dựa trên luật lệ và luật pháp quốc tế. Tôi kêu gọi Trung Quốc lập tức rút tất cả các tầu ra khỏi lãnh hải của những nước láng giềng, và chấm dứt các chiến thuật bắt nạt bất hợp pháp này.”
Trong tình thế như hiện nay, vai trò của Hạm Đội 7 sẽ rất quan trọng. Nó sẽ đóng góp một cách tích cực và hiệu quả để bảo vệ việc khai thác tài nguyên thiên nhiên trong vùng đặc khu kinh tế 200 hải lý, một khi các nước đối tác của Hoa Kỳ ở Biển Đông như Việt Nam, Phi Luật Tân, Mã Lai, Nam Dương và Brunei đồng ý hợp tác.