Một hiệp định đánh bắt chung đang được thảo luận giữa Trung Quốc và Philippines sẽ giúp hạ nhiệt thêm tranh chấp chủ quyền trên biển trong khi làm sâu sắc hơn mối quan hệ hữu nghị vốn được cho là không thể xảy ra, các chuyên gia trong khu vực nhận định.
Chính phủ của hai nước đang đàm phán về một thỏa thuận thử nghiệm sau khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đồng ý theo đuổi trong một cuộc gặp hồi tháng Tư, theo các kênh truyền thông ở Manila.
“Nếu thỏa thuận này thật sự đạt được, được ký kết và được thực thi thì nó sẽ đánh dấu không chỉ một bước ngoặt mà còn là một bước tiến lớn trong quan hệ giữa hai nước,” ông Fabrizio Bozzato, một chuyên gia nghiên cứu của Hội Nghiên cứu Chiến lược Đài Loan chuyên về Đông Á và Thái Bình Dương, nói. “Chia sẻ tài nguyên không phải là vấn đề nhỏ.”
Philippines chính thức có tranh chấp với các tàu cá, lực lượng tuần duyên và hải quân Trung Quốc trên Biển Đông trong phạm vi vùng đặc quyền kinh tế rộng 370 km của nước này.
Tuy nhiên, nhiều tháng sau khi ông Duterte lên nắm quyền vào năm 2016, hai nhà lãnh đạo đã gặp gỡ nhau để xây dựng tình bạn và gạt sang một bên tranh chấp chủ quyền. Nằm trong khuôn khổ mối quan hệ chặt chẽ hơn, Trung Quốc đã đưa ra cam kết viện trợ và đầu tư 24 tỷ đô la Mỹ để giúp Philippines phát triển.
Bắc Kinh viện dẫn các bản đồ lịch sử để làm cơ sở tuyên bố chủ quyền với 90% vùng biển này bất chấp những tuyên bố chủ quyền chồng lấn từ những nước như Brunei, Malaysia, Philippines, Đài Loan và Việt Nam.
Trong khoảng thời gian từ năm 2012 cho đến năm 2016, Bắc Kinh và Manila đã có tranh chấp tại bãi cạn Scarborough giàu tài nguyên đánh bắt. Cuối cùng, nước có lực lượng quân sự hùng mạnh hơn là Trung Quốc đã giành quyền kiểm soát.
Trong chuyến thăm Trung Quốc của Tổng thống Duterte vào cuối năm 2016 để phá băng, ông Tập đã kêu gọi xây dựng ‘quan hệ hợp tác song phương chặt chẽ hơn trong lĩnh vực đánh bắt cá’ trong số những lĩnh vực khác, theo Tân Hoa Xã.
Nhưng một thỏa thuận đánh cá chung có thể đi quá xa, một số học giả cho biết.
Philippines bị ràng buộc về pháp lý theo Hiến pháp khi ký những thỏa thuận hợp tác đánh bắt chính thức, ông Jay Batongbacal, một giáo sư về các vấn đề về biển quốc tế tại Đại học Philippines, cho biết. Bất kỳ thỏa thuận nào có thể sẽ chỉ là ‘thỏa thuận chung sống hòa bình tạm thời’, ông nói.
“Nếu đó là thỏa thuận đánh cá chung trong vùng đặc quyền kinh tế của chúng tôi thì đó không phải là thỏa thuận nữa mà đó là giấy phép đánh bắt,” ông Antonio Contreras, một nhà khoa học chính trị tại Đại học De La Salle ở Philippines, nói. “Đó không phải là một thỏa thuận bình đẳng mà kiểu như là tôi cho phép anh đánh bắt theo những điều kiện của tôi.”
Một thỏa thuận chính thức hơn có thể quy định rõ phía nào có thể đánh bắt ở đâu, bao gồm việc cho phép cả hai nước tiếp cận vùng biển có tranh chấp.
“Do không có thỏa thuận thực sự cho nên có khả năng bùng phát xung đột một lần nữa,” ông Batongbacal nói.
Đối với những nước khác ở Đông Á, Philippines cũng đã ký một thỏa thuận thực thi pháp luật trong lĩnh vực đánh bắt với Đài Loan vào năm 2015. Việt Nam và Malaysia hồi năm ngoái cũng bàn bạc về một thỏa thuận đánh bắt.
Trung Quốc hy vọng rằng thỏa thuận này cho thấy thiện chí của họ đối với những quốc gia đông nam Á khác cũng có tranh chấp chủ quyền trên biển, ông Alexander Huang, giáo sư về khoa học chiến lược tại Đại học Đạm Giang của Đài Loan, cho biết.
Bắc Kinh đã làm các nước khác nổi giận khi họ cho xây những hòn đảo nhỏ ở khu vực có tranh chấp và trong một số trường hợp dùng cho các mục đích quân sự và khi họ loan báo lệnh ngừng đánh bắt hàng năm ở khu vực phía bắc của vùng biển rộng 3,5 triệu km vuông.
“Có lẽ Trung Quốc muốn tạo ra tiền lệ cho các nước khác tham khảo,” Giáo sư Huang nói. “Tôi không nghĩ là một thỏa thuận với Philippine sẽ có nội dung gì liên quan đến giải quyết tranh chấp lãnh thổ. Nó sẽ được xem là biện pháp giúp tránh xung đột.”
Tuyên bố chủ quyền quá mức của Trung Quốc đã bị tòa quốc tế ra phán quyết xử thua cho Philippines vào năm 2016. Tuy nhiên, Bắc Kinh đã bác bỏ phán quyết này. Kể từ đó họ đã tìm cách xây dựng hòa bình với các quốc gia tranh chấp khác thông qua các thỏa thuận song phương và viện trợ kinh tế.
Một thỏa thuận với Philippines sẽ có nghĩa là Trung Quốc ‘có thể tiếp cận tài nguyên, họ có thể đưa người ra đó và họ có hình ảnh tốt trong mắt người dân trong nước và trong khu vực,” ông Bozzato phân tích.
Có khoảng 1,6 triệu tàu cá từ tất cả các nước cộng lại đang đánh bắt trên Biển Đông, theo nghiên cứu của Chương trình Trung Quốc tại Trường S. Rajaratnam về Nghiên cứu Quốc tế ở Singapore.
Tuy nhiên các tàu cá của Philippines nhìn chung đánh bắt trong phạm vi 370 km của vùng đặc quyền kinh tế và gần Quần đảo Trường Sa vốn là ngư trường truyền thống của họ, ông Batongbacal cho biết. Các tàu cá của họ thường là quá nhỏ hoặc quá yếu để có thể đánh bắt xa bờ. Trong khi đó, các tàu cá của Trung Quốc, Đài Loan và Việt Nam thường đánh bắt xa hơn.
Một thỏa thuận đánh bắt trên thực tế có thể cho phép các tàu cá Trung Quốc đi vào vùng biển Philippines tuyên bố có chủ quyền mà không gặp nguy cơ gì, trong khi không có tàu cá Philippines nào có thể đi vào vùng biển ở gần Trung Quốc cả, một số học giả lo ngại.