Đường dẫn truy cập

Hiệp ước về vũ khí qui ước bị đình trệ


Binh sĩ bán quân Pakistan trang bị súng phóng lựu tại hiện trường sau một vụ đánh bom ở Peshawar.
Binh sĩ bán quân Pakistan trang bị súng phóng lựu tại hiện trường sau một vụ đánh bom ở Peshawar.
Một hiệp ước toàn cầu của Liên Hiệp Quốc về vũ khí qui ước đã bị đình trệ vì có 3 nước ngăn chặn sự đồng thuận về văn bản cuối cùng. Thông tín viên Andre de Nesnera của đài VOA điểm qua qua bản hiệp ước này và nhận định rằng bản hiệp ước vẫn có thể được Liên Hiệp Quốc thông qua trong tương lai rất gần.

Hiệp ước có tính ràng buộc về pháp lý này sẽ đặt ra các tiêu chuẩn quốc tế nhằm quản lý việc nhập khẩu, xuất khẩu và chuyển giao các loại vũ khí qui ước, từ xe tăng chiến đấu, chiến hạm và trực thăng tấn công cho tới các loại vũ khí nhỏ và nhẹ. Những nước xuất khẩu vũ khí lớn như Mỹ và Nga, và các nước nhập khẩu lớn như Ấn Độ, Trung Quốc và Pakistan, đều tham gia vào cuộc đàm phán.

Ông Daryl Kimball, giám đốc của tổ chức có tên Hiệp hội Kiểm soát Vũ khí, một tổ chức nghiên cứu độc lập, cho biết hiệp ước này là một bước tiến quan trọng.

Ông Kimball nói: "Hiệp ước này là một cơ chế dung hòa giữa các nước xuất khẩu và nhập khẩu vũ khí lớn cũng như những nước bị ảnh hưởng bởi nạn buôn bán vũ khí bất hợp pháp. Đây là một hiệp ước tốt và có hiệu quả và nó sẽ có tác động tích cực đến việc cắt giảm những vụ chuyển giao vũ khí thiếu trách nhiệm.”

Ông Kimball cũng nói rằng hiệp ước sẽ đề ra những tiêu chí quan trọng về nhân quyền mà tất cả các nước sẽ cần phải đánh giá trước khi cho phép chuyển giao vũ khí.

Ông Kimball nói: "Hiệp ước nghiêm cấm một số vụ chuyển giao vũ khí nếu biết rằng những vũ khí đó sẽ được sử dụng để thực hiện hành động diệt chủng, tội ác chống nhân loại, vi phạm nghiêm trọng Công ước Geneve, thực hiện các cuộc tấn công nhắm vào thường dân hoặc mục tiêu dân sự hoặc những tội ác chiến tranh khác. Vì vậy hiệp ước này khá mạnh. Và nếu có hiệu lực, một số điều khoản của hiệp ước còn có thể ngăn không cho các quốc gia như Nga tiếp tục cung cấp vũ khí qui ước cho Syria như hiện nay."

Ông Kimball cũng cho biết hiệp ước sẽ buộc tất cả các nước phải quản lý việc xuất khẩu đạn dược, một điều khoản mà lúc đầu đã bị Mỹ phản đối.

Trẻ em Afghanistan leo lên một chiếc xe tăng của Liên Xô ở Jalalabad.
Trẻ em Afghanistan leo lên một chiếc xe tăng của Liên Xô ở Jalalabad.
Ông Kimball nói tiếp: "Nhưng bởi vì đạn dược giúp kéo dài xung đột sau khi vũ khí được chuyển giao, nghĩa là đạn dược vẫn cho phép người ta tiếp tục sử dụng vũ khí cũ, cho nên nhiều nước châu Phi nhất mực đòi hỏi là phải quản lý cả việc xuất khẩu đạn dược. Mỹ đã điều chỉnh lại lập trường của mình về vấn đề này và hiệp ước sẽ quản lý luôn việc xuất khẩu đạn dược. Tôi cũng cần phải nói rõ là việc quản lý xuất khẩu đạn dược là điều mà Hoa Kỳ đã thực hiện rồi về mặt luật pháp quốc gia và về mặt thực hiện trên thực tế."

Hiệp ước của Liên Hiệp Quốc phải được phê chuẩn bằng sự đồng thuận, nghĩa là bất kỳ một quốc gia nào cũng có thể ngăn không cho hiệp ước này thông qua. Ba nước Iran, Bắc Triều Tiên và Syria phản đối nhiều điểm trong hiệp ước và điều này trên thực tế đã đưa tới chỗ hiệp ước bị phủ quyết.

Đại sứ Joanne Adamson, đại diện của Vương quốc Anh, nói với các đại biểu tham dự hội nghị rằng hành động của 3 quốc gia này chỉ là một bước lùi tạm thời.

Bà Adamson nói: ""Đây không phải là thất bại mà là thành công bị lùi lại, và sẽ không bị lùi lại quá lâu."

Bà Adamson cho biết phái đoàn của bà sẽ trình hiệp ước vũ khí này để Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc xem xét trong tương lai rất gần. Theo các nhà phân tích, tại Đại hội đồng Liên hiệp quốc, hiệp ước có thể sẽ được hai phần ba các nước thành viên ủng hộ. Đây là tỉ lệ đa số cần có để hiệp ước được thông qua và trở thành một phần của luật pháp quốc tế.

VOA Express

XS
SM
MD
LG