Đường dẫn truy cập

Hỗ trợ Ukraine đến cùng, liệu người dân Mỹ có mệt mỏi?


Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đến Kyiv gặp người tương nhiệm Ukraine Volodymyr Zelenskyy
Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đến Kyiv gặp người tương nhiệm Ukraine Volodymyr Zelenskyy

Sau một năm cuộc chiến của Nga ở Ukraine với sự ủng hộ không mệt mỏi của Washington, nước Mỹ vẫn nên tiếp tục viện trợ cho Ukraine cho đến thắng lợi cuối cùng thay vì đặt ‘Nước Mỹ trên hết’, một số người Mỹ gốc Việt ở cả hai Đảng nói với VOA.

Đến Kyiv hôm 20/2 giữa bom đạn chiến tranh, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã hứa với người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelenskyy rằng Washington sẽ sát cánh cùng với Kyiv chừng nào còn cần thiết.

Cũng ở Kyiv, ông Biden đã hứa hẹn sẽ viện trợ thêm 500 triệu đô la vũ khí, bao gồm đạn pháo, hệ thống chống thiết giáp và radar phòng không, cùng với các biện pháp trừng phạt chặt chẽ hơn đối với Nga.

Cho đến nay, số tiền mà Mỹ đã đổ ra viện trợ cho Ukraine đã lên đến 113 tỷ đô la, nhiều hơn bất cứ nước đồng minh NATO nào khác, giữa bối cảnh chính sách hỗ trợ này của Biden gặp sự phản đối của một số thành viên Quốc hội thuộc Đảng Cộng hòa.

‘Ukraine phải thắng’

Trao đổi với VOA từ Chicago, bang Illinois, ông Nguyễn Tường Tuấn, vốn làm công việc giảng dạy về kỹ năng sống cho nhân viên các công ty Mỹ, nhận định chuyến đi Kyiv của ông Biden là ‘điều rất tuyệt vời’.

“Ông Biden đã làm một chuyện rất đúng với điều mà tôi trông mong,” ông Tuấn, một cử tri Cộng hòa, nói, mặc dù ông chỉ trích chính quyền Biden vào lúc đầu cuộc chiến đã đề nghị đưa máy bay sang Ukraine để di tản Tổng thống Zelenskyy và gia đình sang Mỹ. Ông nói điều này cho thấy ‘tầm nhìn ngắn của ông Biden’.

Khi được hỏi với tư cách là người đóng thuế ở Mỹ, ông có mệt mỏi khi chiến tranh ở Ukraine kéo dài khiến Mỹ phải viện trợ không ngừng hay không, ông Tuấn nói: “Với tư cách là một cựu chiến binh Việt Nam Cộng hòa, tôi mong người Mỹ tiếp tục giúp đỡ Ukraine vì Mỹ đã từng bỏ rơi Việt Nam Cộng hòa rồi. Ngày xưa Việt Nam Cộng hòa chỉ cần có 300 triệu đô la để mà giữ được chế độ cầm cự một thời gian mà không được,” ông nói.

Mặc dù mong muốn Ukraine chiến thắng nhưng ông Tuấn cũng nói rằng nếu mà sự ủng hộ đó đi quá mức thì ‘cũng có lúc tôi sẽ mỏi mệt’.

“Tôi nghĩ chi phí này đã là quá lớn. Là vì trong nội bộ nước Mỹ chúng ta còn nhiều vấn đề cần phải lo lắng mà tiền này là tiền thuế của dân thành ra tôi nghĩ cần có sự kiểm soát chặt chẽ về chuyện này.”

Ông Tuấn chỉ ra trước giờ những gói viện trợ cho Ukraine chính quyền Biden ‘không đưa ra cho Quốc hội giám sát gì hết’ cho nên Hạ viện do Đảng Cộng hòa kiểm soát, vốn có thẩm quyền phân bổ ngân sách liên bang, ‘phải can thiệp’.

Ông Tuấn mong muốn chính quyền Biden ‘phải tính toán cẩn thận chứ không thể cứ phung phí vung tiền trong khi đất nước chúng ta còn cả triệu người vô gia cư’.

“Chính quyền cùa Tổng thống Zelenskyy cần phải chống tham nhũng và trong sạch hóa guồng máy. Chuyện đấy là ông ấy đã làm rồi nhưng Ukraine cũng là một quốc gia tham nhũng từ trước đến giờ rất là nhiều,” ông phân tích.

Theo lập luận của ông nếu tiền viện trợ của Mỹ phục vụ cho chiến tranh thì ‘cũng đáng’ nhưng ‘cần kết thúc sớm chiếm tranh vì máu xương của người dân Ukraine và tiền bạc của người dân Mỹ đã đổ ra quá nhiều rồi’.

Ông cũng bày tỏ nghi ngờ chính quyền Biden có thể thực hiện cam kết viện trợ Ukraine đến cùng nhất là khi đến mùa bầu cử vào năm 2024.

“Mùa bầu cử nước Mỹ sắp tới. Nhất là tổng thống đương nhiệm sắp ra ứng cử mà lại tiếp tục đổ tiền vào thì sẽ rất nguy hiểm,” ông giải thích. “Chính quyền Biden sẽ tìm mọi cách để kết thúc chiến tranh trước cuộc bầu cử tổng thống năm 2024.”

Ông Andrew Nguyễn, một kỹ sư điện sống ở Houston, bang Texas, và là cử tri Đảng Dân chủ, lập luận rằng Mỹ cần giúp Ukraine đến cùng vì nếu Mỹ bỏ rơi Ukraine giữa chừng ‘sẽ là điều rất nguy hiểm’.

“Chẳng thà mất tiền hơn mất người. Nếu Nga chiếm được Ukraine thì họ sẽ chiếm hết những nước nhỏ kế bên. Âu châu sẽ khủng hoảng,” ông lập luận.

“Nếu hy sinh cho một thế giới hòa bình không còn bị xâm lược nữa thì tiền thuế của tôi có đáng gì đâu,” ông Andrew nói thêm.

Ông bày tỏ tin tưởng nếu ông Biden làm tổng thống thêm 4 năm thì ông sẽ tiếp tục viện trợ cho Ukraine khi đó nếu Ukraine vẫn còn cần viện trợ.

“Nhưng nếu ông Biden không làm tổng thống nữa thì không biết người kế nhiệm ông có giúp đỡ Ukraine nữa không,” ông nói.

Ông chỉ trích Đảng Cộng hòa ‘chơi chính trị’ khi đòi kiểm soát viện trợ cho Ukraine. “Bốn năm dưới thời ông Trump, Mỹ có giúp Ukraine gì đâu mà kinh tế vẫn đi xuống? Họ đổ tiền giảm thuế cho các tỷ phú và số tiền giảm thuế đó có giúp ích gì cho kinh tế, cho người dân Mỹ đâu?”

Cũng giống như ông Tuấn, ông Andrew ca ngợi chuyến đi Kyiv của Biden ‘là hành động cần thiết để cho thế giới thấy là Mỹ sẽ ủng hộ Ukraine đến cùng’.

Trump sẽ làm tốt hơn?

Ông Tuấn nói rằng nếu cựu Tổng thống Donald Trump vẫn là tổng thống thì ‘sẽ có khả năng ông giúp chấm dứt chiến tranh ở Ukraine bằng một giải pháp đàm phán’ và ông ‘sẽ thuyết phục hai bên nhượng bộ lẫn nhau’.

Khi được hỏi liệu ông Trump có yêu cầu Ukraine nhượng bộ lãnh thổ cho Nga để đổi lấy hòa bình không, ông Tuấn nói ‘có rất nhiều thứ có thể nhượng bộ được, chẳng hạn quyền lợi kinh tế, chứ không nhất thiết phải là lãnh thổ’.

“Có thể Ukraine sẽ liên minh với NATO theo hình thức nào đó nhưng không gia nhập. Điều đó sẽ đáp ứng cả Nga và Ukraine,” ông lập luận.

Theo lời ông thì khi tình hình chiến sự diễn biến ngày thêm tồi tệ cho Nga thì ông Putin không thể cứ khăng khăng yêu sách của mình được mà buộc phải nhượng bộ.

Ông cũng nói ông tin vào lời khẳng định của ông Trump rằng nếu ông còn làm tổng thống thì ông Putin ‘sẽ không tấn công Ukraine’ và chỉ ra rằng ông Putin ‘đã thấy màn rút quân hỗn loạn của ông Biden khỏi Afghanistan’ trước khi quyết định tấn công Ukraine.

Khi được hỏi liệu ông Trump có nhượng bộ yêu sách ông Putin là Mỹ phải cam kết không để Ukraine gia nhập NATO hay không – điều mà ông Biden nhất quyết không chấp nhận khiến Nga xua quân vào Ukraine, ông Tuấn nói: “Tôi không nghĩ ông Putin đánh giá thấp ông Trump đến nỗi cho rằng ông ấy sẽ có những nhượng bộ như vậy để không có chiến tranh.”

Ông không cho rằng NATO suy yếu và chia rẽ dưới thời ông Trump mà chỉ ra rằng ‘ông Trump đã ép được các nước NATO tăng ngân sách quốc phòng nên đã giúp NATO mạnh hơn’. Theo lời ông thì sở dĩ các nước NATO đoàn kết lại là vì ‘Putin đánh Ukraine’ chứ ‘không phải nhờ sự lãnh đạo của ông Biden’.

Theo phân tích của ông Tuấn thì nếu ông Trump vẫn làm tổng thống nhiệm kỳ hai thì ông không cần phải lo về việc ra ứng cử một nhiệm kỳ nữa nên ‘Nga sẽ phải chờ đến khi Mỹ có tổng thống khác thì mới phát động chiến tranh’.

Về phần mình, ông Andrew nói rằng ‘chính nhờ sự huy động của ông Biden mà hiện giờ các nước đồng minh châu Âu đã giúp đỡ Ukraine rất nhiều’.

“Nếu ông Trump vẫn còn làm tổng thống thì trước sự suy yếu và chia rẽ của NATO, Nga sẽ càng dễ lợi dụng tình hình để tấn công Ukraine,” ông Andrew khẳng định và chỉ ra trong nhiệm kỳ của ông Trump, ông Putin vẫn tiến hành chiến tranh ở các tỉnh miền đông Ukraine.

“Muốn chấm dứt chiến tranh thì có nhiều kiểu. Kiểu ông Trump có phải là để cho Ukraine thành lãnh thổ của Nga không?” ông nói về tuyên bố của ông Trump rằng ông có khả năng chấm dứt chiến tranh Ukraine và chỉ ra rằng khi ông Trump còn làm tổng thống, ông Putin ‘đã rất coi thường Trump’.

Diễn đàn

VOA Express

XS
SM
MD
LG