Đường dẫn truy cập

20 quốc gia tham gia hội thảo về môi trường ở Australia


Khu cỏ biển
Khu cỏ biển
Khả năng hấp thu carbon của những vùng đầm lầy ven biển ở Australia là trọng tâm nghiên cứu của một dự án quốc tế. Các chuyên gia của 20 nước đã tụ họp tại Sydney trong tuần này để tham dự một cuộc hội thảo đặc biệt.

Các nhà nghiên cứu của Đại học Kỹ thuật Sydney cho biết cỏ biển, cây đước và vùng sình lầy nước mặn hấp thu carbon nhanh hơn gấp 40 lần so với các loại cây trên rừng.
Vùng sình lầy nước mặn có thể tích trữ carbon trong một thời gian rất lâu, nhưng các nhà khoa học e rằng những “hệ thống sinh thái vô cùng quan trọng” này đang bị phá hủy một cách nhanh chóng bởi nạn ô nhiễm và những hoạt động phát triển kinh tế. Theo ước tính, sự phá hủy này làm cho 1 tỉ tấn carbon dioxide bị phát tán vào khí quyển và đại dương mỗi năm, gần bằng lượng khí carbon mà Nhật Bản thải ra hàng năm.

Các nhà nghiên cứu của Nhóm Công tác Khoa học Quốc tế về Carbon Xanh (Blue Carbon International Scientific Working Group), trong đó có các khoa học gia của Indonesia, Hoa Kỳ và Kenya, đã họp tại Sydney trong tuần này để thảo luận về những hoạt động nghiên cứu mới nhất.

Giáo sư Peter Ralph là người đứng đầu chương trình nghiên cứu Sinh học Thảo mộc và Biến đổi khí hậu của Đại học Kỹ thuật Sydney. Ông cho biết những khu vực ven biển có thể nắm giữ một vai trò quan trọng trong việc làm giảm bớt tác động của nạn biến đổi khí hậu.

"Vì một mẫu cỏ biển bằng 40 mẫu cây rừng, cho nên đây là những vùng rất nhỏ. Cỏ biển, cây đước và những vùng sình lầy nước mặn chỉ chiếm 2% diện tích đáy biển nhưng lại hấp thu và lưu giữ 50% số carbon trầm tích. Đây là một vùng sinh cư rất nhỏ nhưng chúng ta cần phải hiểu rõ điều này và bảo vệ nó để cho số carbon được tích trữ hàng ngàn năm không bị thải lại vào khí quyển."

Carbon xanh là từ ngữ được dùng để mô tả cách thức mà những loại thảo mộc ven biển hấp thu và tồn trữ carbon dioxide, một loại khí thải mà nhiều nhà khoa học cho là thủ phạm của hiện tượng trái đất ấm dần.

Giáo sư Ralph nói rằng không giống như những khu rừng trên đất liền, những vùng đất ngập mặn mang lại một giải pháp dài hạn cho việc tồn trữ carbon. Ông giải thích như sau.

"Ở đó không có oxygen cho nên vi khuẩn phân giải carbon rất là chậm. Và vì vậy mà số carbon mà chúng ta có trong môi trường biển -- trong cỏ biển, trong vùng sình lầy nước mặn và trong cây đước, đã nằm trong đó từ hàng ngàn năm nay. Số carbon này bị nhốt chặt. Nó không nằm trong bầu khí quyển. Nó được tách biệt một cách tự nhiên."

Sáng kiến Carbon Xanh Quốc tế là một chương trình toàn cầu nằm dưới sự lãnh đạo của tổ chức Bảo tồn Quốc tế, Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế và tổ chức UNESCO của Liên hiệp quốc. Sáng kiến này có sự tham gia của các chính phủ, các tổ chức nghiên cứu và các tổ chức phi chính phủ trên khắp thế giới.

Chương trình nghiên cứu này là chương trình nghiên cứu đầy đủ nhất của Australia về carbon xanh. Australia là một trong những nước thải khí thải gây hiệu ứng nhà kính nhiều nhất thế giới, tính theo đầu người, vì nước này phụ thuộc rất nhiều vào nguồn cung ứng than đá giá rẻ để sản xuất điện.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG