Hồng Kông đang chuẩn bị đối mặt với các cuộc đình công, đình trệ giao thông, và một cuộc biểu tình rầm rộ khác để phản đối dự luật dẫn độ cho phép đưa các nghi phạm sang Trung Quốc để xét xử, giữa lúc nhà lãnh đạo đặc khu Hong Kong tuyên bố quyết không nhượng bộ, theo Reuters.
Trưởng đặc khu Hồng Kông Carrie Lam tuyên bố sẽ tiếp tục thúc đẩy dự luật dẫn độ, bất chấp những lo ngại sâu sắc trên khắp Hong Kong, trung tâm tài chính của châu Á, dẫn tới cuộc biểu tình chính trị lớn nhất trong hơn 15 năm qua hôm Chủ nhật.
Trong một động thái hiếm hoi, các lãnh đạo doanh nghiệp nổi tiếng cảnh báo rằng thông qua dự luật dẫn độ có thể làm suy yếu niềm tin của giới đầu tư vào Hồng Kông, và làm xói mòn lợi thế cạnh tranh của đặc khu này.
Dự luật dẫn độ bị chống đối rộng rãi một cách bất thường cả trong và ngoài nước. Dự luật này sẽ được đưa ra tranh luận vòng hai vào thứ Tư tại Hội đồng Lập pháp có 70 ghế của thành phố. Cơ quan lập pháp này bị kiểm soát bởi đa số thân Bắc Kinh.
Một kiến nghị trực tuyến kêu gọi 50.000 người hãy bao vây tòa nhà lập pháp từ 10 giờ tối thứ Ba 11/6 và ở lại đây cho đến thứ Tư 12/6.
Nước Anh đã trao trả Hồng Kông cho Trung Quốc cai trị vào năm 1997 theo nguyên tắc “một quốc gia, hai hệ thống”, với đảm bảo rằng quyền tự trị và các quyền tự do của cư dân Hong Kong, kể cả hệ thống tư pháp độc lập, sẽ được bảo vệ.
Nhưng nhiều người tố cáo Trung Quốc đã can thiệp sâu rộng vào Hồng Kông, bác bỏ những cải cách dân chủ, can thiệp vào các cuộc bầu cử địa phương và sự mất tích của 5 người bán sách Hong Kong, bắt đầu từ năm 2015, vốn chuyên bán những sách, tài liệu chỉ trích các lãnh đạo Trung Quốc.
Các cuộc biểu tình hôm Chủ nhật đã khiến Hồng Kông rơi vào khủng hoảng chính trị, giống như thời điểm diễn ra nhiều tháng biểu tình ủng hộ dân chủ vào năm 2014, gây áp lực lên chính quyền của bà Carrie Lam và các giới chức ở Bắc Kinh ủng hộ bà.
Bà cảnh báo dân Hồng Kông chớ có bất kỳ “hành động cực đoan nào”, sau các vụ đụng độ vào đầu ngày thứ Hai giữa một số người biểu tình và cảnh sát sau cuộc tuần hành tương đối ôn hòa hôm Chủ nhật.
Cảnh sát đã dựng lên các hàng rào kim loại để bảo vệ tòa nhà của hội đồng lập pháp giữa lúc một nhóm người biểu tình bắt đầu tụ tập vào tối thứ Ba, bất chấp cảnh báo mưa bão.
Nhà lập pháp ủng hộ dân chủ, bà Claudia Mo, kêu gọi mọi người hãy tham gia cuộc biểu tình và khuyến khích các doanh nghiệp đình công “một hoặc hai ngày, hoặc có thể trong cả tuần”.
Gần 2.000 cửa hàng bán lẻ nhỏ, bao gồm nhà hàng, tạp hóa, hiệu sách và quán cà phê, đã công bố kế hoạch đình công, theo một cuộc khảo sát trực tuyến, một động thái hiếm hoi trong nền kinh tế tư bản của Hong Kong.
Hội sinh viên thuộc nhiều đại học và trường cao đẳng cùng Liên hiệp Giáo viên Chuyên nghiệp Hồng Kông kêu gọi mọi người đình công vào thứ Tư. Gần 4.000 giáo viên cho biết họ sẽ tham gia tuần hành.
Các tổ chức theo dõi nhân quyền đã nhiều lần viện dẫn cáo buộc về tra tấn, giam giữ tùy tiện, ép buộc nhận tội và khó khăn trong việc tiếp cận luật sư ở Trung Quốc, nơi tòa án bị Đảng Cộng sản kiểm soát, là những lý do vì sao Hồng Kông không nên xúc tiến dự luật này.
Giáo phận Công giáo Hồng Kông kêu gọi chính phủ không thông qua dự luật “một cách vội vã” và thúc giục tất cả các Kitô hữu cầu nguyện cho Hong Kong.
Một công đoàn nhân viên trực thuộc một nhóm lao động ủng hộ dân chủ của Công ty Xe buýt Tân Thế Giới kêu gọi các thành viên lái xe với tốc độ chậm 20-25 km/giờ để thể hiện sự phản đối của họ đối với dự luật đề xuất.
Một bài đăng trên Facebook kêu gọi mọi người hãy thưởng thức một buổi dã ngoại bên cạnh các văn phòng chính phủ vào thứ Tư, mô tả khu vực này là “một trong những địa điểm dã ngoại tốt nhất”. Bài đăng đã thu hút gần 10.000 phản hồi từ những người hứa tham gia.
Công ty tư vấn có trụ sở tại Bắc Kinh Gavecal cho biết một số nhân viên ngân hàng ở Hồng Kông báo cáo rằng nhiều khách hàng ở đại lục đang chuyển tài khoản sang Singapore, vì sợ bị kiểm soát ở Hong Kong.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm thứ Ba tuyên bố các vấn đề Hồng Kông hoàn toàn là vấn đề nội bộ của Trung Quốc, và Trung Quốc yêu cầu Hoa Kỳ ngừng can thiệp vào các vấn đề Hồng Kông.
Bình luận được đưa ra sau khi Washington hôm thứ Hai nói Hoa Kỳ rất quan tâm đến dự luật được đề xuất và cảnh báo rằng động thái như vậy có thể nguy hại cho quy chế đặc biệt mà Washington dành cho Hồng Kông.
Một đạo luật của Hoa Kỳ năm 1992 công nhận quy chế đặc biệt của Hồng Kông và cho phép Hoa Kỳ giao du với Hong Kong như một thực thể không có chủ quyền, khác với Trung Quốc, trong các vấn đề thương mại và kinh tế. Các lĩnh vực được đối xử đặc biệt bao gồm thị thực, thực thi pháp luật, kể cả dẫn độ và đầu tư.
Những doanh nhân được nhiều người biết tiếng kêu gọi chính quyền hãy thận trọng để bảo vệ tính cạnh tranh của Hồng Kông.