Đường dẫn truy cập

Hong Kong sẽ thế nào khi bị Mỹ tước ‘quy chế đặc biệt’?


Chính quyền Trung ương Bắc Kinh được xem là đang ngày càng siết chặt quyền tự trị của Hong Kong
Chính quyền Trung ương Bắc Kinh được xem là đang ngày càng siết chặt quyền tự trị của Hong Kong

Hong Kong sẽ bị Mỹ đánh thuế y như Trung Quốc và sẽ mất đi lợi thế như là một trung tâm tài chính hàng đầu thế giới sau khi Mỹ tuyên bố hủy quy chế đặc biệt dành cho vùng lãnh thổ này của Trung Quốc, một nhà quan sát nói với VOA.

Hôm 29/5, Tổng thống Donald Trump tuyên bố rằng Mỹ sẽ bắt đầu bãi bỏ các ưu đãi đặc biệt dành cho Hong Kong, sau khi Bộ Ngoại giao Mỹ xác quyết hồi đầu tuần rằng vùng lãnh thổ này ‘không còn tự trị’ từ Trung Quốc đại lục.

Động thái này sẽ ảnh hưởng đến ‘toàn bộ thỏa thuận’ mà Mỹ có với Hong Kong, ông Trump phát biểu từ Vườn Hồng ở Nhà Trắng, bao gồm hiệp ước dẫn độ và các đặc quyền kinh tế được ghi trong luật của Hoa Kỳ vốn tách bạch Hong Kong với Trung Quốc đại lục.

‘Bắc Kinh thất hứa’

“Chúng tôi sẽ có hành động thu hồi chế độ ưu đãi dành cho Hong Kong như một vùng lãnh thổ hải quan và đi lại riêng biệt với phần còn lại của Trung Quốc,” ông Trump nói, và cho biết hướng dẫn đi lại của Bộ Ngoại giao dành cho Hong Kong sẽ được điều chỉnh để ‘phản ánh nguy cơ giám sát và trừng phạt của bộ máy an ninh nhà nước Trung Quốc gia tăng’.

Mỹ cũng sẽ thực hiện các bước đi để trừng phạt các quan chức Trung Quốc và Hong Kong ‘trực tiếp hoặc gián tiếp dính líu đến việc làm xói mòn quyền tự trị của Hong Kong,’ ông Trump nói theo ngôn từ của đạo luật của Quốc hội Mỹđược thực thi vào tháng 11 năm ngoái mà theo đó nhánh hành pháp của Mỹ được yêu cầu phải có hành động trừng phạt nếu Hong Kong được xem là không còn quyền tự trị.

Tuyên bố này của ông Trump được đưa ra một tuần sau khi Bắc Kinh tuyên bố kế hoạch sẽ áp dụng một đạo luật an ninh mới dành riêng cho Hong Kong nhằm cấm các hành vi lật đổ, làm phản và ly khai - một động thái mà những người chỉ trích lo ngại sẽ hình sự hóa trên thực tế mọi hình thức bất đồng và chống đối.

Đạo luật mới mà Quốc hội Trung Quốc đã chính thức chấp thuận hôm 28/5 sẽ mở rộng phạm vi của ‘bộ máy an ninh nhà nước Trung Quốc vào nơi trước đây là thành trì của tự do,’ ông Trump nói, cáo buộc Bắc Kinh thay thế ‘mô hình một quốc gia, hai chế độ’ mà họ đã hứa.

“Đây là thảm kịch đối với người dân Hong Kong, người dân Trung Quốc và thực sự là người dân trên thế giới,” ông Trump nói.

Theo đạo luật ban hành trước khi Hong Kong được chuyển giao từ Anh sang Trung Quốc vào năm 1997, Mỹ duy trì mối quan hệ thương mại và đầu tư với Hong Kong riêng biệt với Hoa lục. Điều này giúp che chắn cho vùng lãnh thổ Hong Kong trước cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung.

Trong báo cáo gửi Quốc hội, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết ông ‘không còn có thể xác nhận rằng Hong Kong tiếp tục được bảo đảm cách đối xử như vậy’ và dẫn ra luật an ninh quốc gia mới của Trung Quốc dành cho Hong Kong cũng như các diễn biến khác gần đây.

Sẽ rời bỏ Hong Kong?

Trao đổi với VOA, Giáo sư-Tiến sĩ Khương Hữu Lộc, hiện đang giảng dạy chương trình sau đại học tại Keller Graduate School of Management, nhận định rằng nếu như trước đây Mỹ xem Hong Kong là một phần riêng biệt với Trung Quốc nên được những ưu đãi riêng thì kể từ giờ vùng lãnh thổ này ‘sẽ bị đối xử y như Trung Quốc’.

“Sắp tới chính quyền Trump có thể bắt đầu nói rằng mức thuế 25% đối với 250 tỷ đô la hàng hóa của Trung Quốc sẽ bắt đầu áp lên Hong Kong,” ông phân tích.

“Thứ hai là những cấm đoán về công nghệ đối với Trung Quốc cũng sẽ được áp dụng đối với Hong Kong.”

Ông cho biết trong chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, hàng hóa xuất đi từ Hong Kong không bị đánh thuế và ‘cũng ít có khả năng hàng Trung Quốc trá hình mượn Hong Kong là nơi xuất đi để tránh thuế Mỹ’.

“Mỹ đã theo dõi chặt chẽ việc trá hình để xuất khẩu gian lận nhưng Hong Kong chưa bị phạt nên họ không vi phạm chuyện đó,” ông giải thích.

Tuy nhiên, do mức xuất khẩu của Hong Kong qua Mỹ rất nhỏ, chưa tới một tỷ đô la, nên dù có bị Mỹ đánh thuế cũng ‘không bị ảnh hưởng gì nhiều’, Giáo sư Lộc nhận định và cho biết Hong Kong ‘lệ thuộc vào xuất nhập cảng với Trung Quốc vốn chiếm trên 45% kim ngạch’.

Mặc dù giao thương không bị ảnh hưởng nhiều với quyết định này của Mỹ, nhưng vị thế trung tâm tài chính châu Á của Hong Kong có thể bị lung lay, cũng theo phân tích của Giáo sư Lộc.

Theo lời ông thì nền kinh tế Hong Kong có đến 92% là dịch vụ mà trong đó phần lớn là lĩnh vực tài chính, ngân hàng, chứng khoán.

Ông dẫn ra hệ thống tư pháp của Hong Kong vững mạnh, nghiêm minh, chính quyền không thu thuế mà chỉ cần ‘thu tiền thuê đất cũng đủ ngân sách’ và không can thiệp vào công việc kinh doanh của các doanh nghiệp theo nguyên tắc ‘laissez-faire’, tức là để thị trường tự thân vận động, nên vùng lãnh thổ này trở thành nơi thu hút các hãng tài chính hàng đầu thế giới tụ về.

“Gần như tất cả các ngân hàng lớn của thế giới và các ngân hàng của Mỹ đều có mặt ở Hong Kong,” ông nói và cho biết ‘có trên 1.400 công ty Mỹ đang làm ăn ở Hong Kong, 8.000 công ty Trung Quốc đang niêm yết trên thị trường chứng khoán ở đây.’

“Số tiền của ngân hàng Trung Quốc đi qua ngưỡng cửa Hong Kong là một ngàn tỷ đô la mỗi năm,” Tiến sỹ Lộc cho biết.

“Khi Mỹ nói là Hong Kong không còn tự chủ, tức là có thể bị chính quyền Trung Quốc siết chặt bất cứ lúc nào thì một số công ty của Mỹ sẽ không niêm yết cổ phiếu của mình ở Hong Kong nữa mà sẽ đi tìm nơi khác ở châu Á,” ông nhận định.

Trong khi đó, Hong Kong đang đối mặt sự cạnh tranh quyết liệt từ Singapore, cũng theo lời chuyên gia này.

Nếu thị trường chứng khoán Hong Kong suy yếu thì các công ty Trung Quốc sẽ gặp khó khăn trong việc huy động vốn, Giáo sư Lộc phân tích.

“Các công ty của Trung Quốc thiếu nợ rất nhiều do gặp khó khăn về chiến tranh thương mại, dịch bệnh, thì có thể không huy động vốn được trên thị trường chứng khoán Hong Kong nữa mà nợ của họ được tính theo đô la Mỹ,” ông nói và cho biết một số tỷ phú Trung Quốc đã không còn niêm yết trên thị trường chứng khoán Hong Kong nữa.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG