Hôm 18/02, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) kêu gọi Liên minh châu Âu (EU) cần gây sức ép để Việt Nam chấm dứt đàn áp nhân quyền một cách có hệ thống và phóng thích các tù nhân chính trị đang bị giam cầm.
HRW phát đi lời kêu gọi trên một ngày trước khi EU và Việt Nam dự kiến tổ chức Đối thoại Nhân quyền thường niên vào ngày 19/02/2020 tại Hà Nội.
Cuộc Đối thoại này diễn ra một tuần sau khi Nghị viện châu Âu thông qua Hiệp định Thương mại Tự do EU-Việt Nam (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ Đầu tư EU-Việt Nam (EVIPA). Trước đó, HRW cùng với một số tổ chức nhân quyền quốc tế và Việt Nam khác, đã kêu gọi Nghị viện châu Âu hoãn thông qua các hiệp định này để tạo sức ép với Việt Nam về cam kết cải cách nhân quyền và chuẩn thuận các biện pháp có tính chế tài nhằm cải thiện quyền cho người lao động Việt Nam.
“Liên minh châu Âu đã bỏ lỡ một cơ hội quan trọng khi phê chuẩn hiệp định thương mại với Việt Nam mà không kèm theo các biện pháp chế tài yêu cầu các cam kết về cải cách nhân quyền,” ông John Sifton, Giám đốc Vận động châu Á của HRW nói trong một thông cáo hôm 18/02.
“Trong cuộc hội thoại nhân quyền này, các quan chức EU cần cảnh báo chính quyền Việt Nam rằng thất bại trong việc thực hiện các cam kết này có thể dẫn đến đình chỉ các lợi ích trong hiệp định,” ông Sifton nói thêm.
HRW cho rằng nhân quyền phải là một phần hữu cơ của các quan hệ song phương giữa EU và Việt Nam.
HRW cũng nhắc lại rằng trong một sự vụ đáng lưu ý vào tháng 11/2019 liên quan đến các hiệp định giữa EU và Việt Nam, chính quyền Việt Nam đã bắt giữ nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng và cáo buộc ông tội “làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Việt Nam” theo Điều 117 Luật Hình sự sửa đổi.
HRW nhận định nhiều khả năng ông Dũng bị bắt vì đã lên tiếng với Nghị viện châu Âu về hồ sơ nhân quyền tồi tệ của Việt Nam. Hiện ông vẫn bị tạm giam mà không được tiếp xúc với luật sư.
Ông Phạm Chí Dũng là một trong hàng trăm các nhà hoạt động bị sách nhiễu, truy tố, và kết án vì đã ôn hòa thi hành quyền tự do ngôn luận của họ, trong đó có bình luận trên mạng xã hội.
Vào cuối năm 2019, chủ tịch Nghị viện châu Âu David Sassoli đã gửi một bức thư cho nhà cầm quyền Việt Nam kêu gọi phóng thích ông Phạm Chí Dũng trước cuộc bỏ phiếu về các hiệp định giữa EU – Việt Nam.
Bức thư hồi đáp của đại sứ Việt Nam tại EU Vũ Quang Anh “chỉ biện minh thêm cho vụ bắt giữ này và so sánh một cách không biết ngượng việc hạn chế quyền tự do ngôn luận của Việt Nam với các quy định hiện hành ở các nước phương Tây,” HRW viết.
EU cũng cần gây sức ép để Việt Nam sửa đổi Luật An ninh mạng để bảo đảm bộ luật này không vi phạm quyền tự do thông tin và đồng thời phóng thích tất cả những người sử dụng Facebook đang bị giam giữ vì đã đăng tải chính kiến của mình, HRW viết tiếp.
Nhằm đảm bảo quyền tự do tôn giáo và tín ngưỡng, Việt Nam cần cho phép mọi tổ chức tôn giáo quyền độc lập và tự quản cũng như quyền tự do tiến hành các hoạt động tôn giáo của mình. Nhà cầm quyền Việt Nam cũng cần ngay lập tức chấm dứt sách nhiễu và ngược các đãi tín đồ thuộc các nhóm tôn giáo không chuận theo ý của chính quyền. Cần chấm dứt bắt bớ, truy tố và bỏ tù họ hay buộc họ từ bỏ đạo, vẫn theo thông báo của HRW.
“Nhiều vòng Đối thoại Nhân quyền EU – Việt Nam đã thất bại trong việc thuyết phục quốc gia này đảo ngược xu thế vi phạm nhân quyền, dù các cuộc đàm phán riêng biệt về thỏa thuận kinh tế đã kết thúc với các thỏa ước đầy hứa hẹn,” ông Sifton nói. “EU cần gắn kết vị thế kinh tế của mình với các nguyên tắc nhân quyền mà từ trước đến nay EU luôn tuyên bố gìn giữ.”