Đường dẫn truy cập

Hy vọng gì sau Thượng đỉnh Liên Triều?


Lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong Un, trái, và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, phải, trong cuộc gặp lịch sử ngày 27/4/18
Lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong Un, trái, và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, phải, trong cuộc gặp lịch sử ngày 27/4/18

Hội nghị thượng đỉnh Liên Triều lần thứ ba là một diễn biến tích cực đối với hòa bình trên bán đảo Triều Tiên trong trước mắt nhưng về lâu dài nó không có nhiều ý nghĩa thực chất vì còn nhiều ẩn số chưa có lời giải, theo nhận định của các nhà phân tích.

Cuộc gặp thượng đỉnh lần đầu tiên giữa nhà lãnh đạo tối cao Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tại làng đình chiến Bàn Môn Điếm hôm 27/4 diễn ra sau một thời gian căng thẳng dâng cao trên bán đảo Triều Tiên với các cuộc thử nghiệm tên lửa đạn đạo liên tiếp của Bình Nhưỡng. Sau cuộc gặp, hai nhà lãnh đạo đã ký kết Tuyên bố Bàn Môn Điếm về Hòa bình, Thịnh vượng và Thống nhất trên bán đảo Triều Tiên.

‘Làm nguội căng thẳng’

Về mặt không khí và hình ảnh trong mắt công chúng thì cuộc gặp thượng đỉnh này được nhìn nhận là thành công – cả ông Victor Cha, giám đốc chương trình Triều Tiên tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) tại thủ đô Washington, Hoa Kỳ, và ông Harry Sa, nhà phân tích cao cấp thuộc Chương trình Hoa Kỳ tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam, Đại học Kỹ thuật Nanyang, Singapore, đều có cùng nhận định.

Trong bài viết trên tạp chí Diplomat với tiêu đề: “Sau cuộc gặp thượng đỉnh Moon-Kim: đã đến lúc hy vọng?”, ông Harry Sa nhận định rằng sự thân thiện và mối quan hệ tốt đẹp giữa các lãnh đạo của hai quốc gia thù địch đã ‘vượt quá sự mong đợi’ và cuộc gặp đã có nhiều những khoảnh khắc khó quên và những bức ảnh lịch sử. Điều này đã làm cho thế giới rạng rỡ với tinh thần tích cực và lạc quan. Còn ông Victor Cha, trong bài viết trên trang nhà của CSIS, cũng cho rằng về mặt hình ảnh và không khí thân thiện thì cuộc gặp này có thể được cho điểm ‘A’.

Ông Cha nhận định rằng cuộc gặp Thượng đỉnh Liên Triều lần này, cũng như cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều sắp tới, đã ‘làm nguội căng thẳng trên báo đảo Triều Tiên một cách đáng kể’ và giúp cho Washington và Bình Nhưỡng tránh được viễn cảnh xung đột mà hai nước đã hướng đến cho đến cuối năm 2017 sau 20 lần Triều Tiên thử nghiệm tên lửa đạn đạo và lời đe dọa của Tổng thống Mỹ Donald Trump cho Triều Tiên nếm mùi ‘hỏa thịnh nộ’.

“Hai nhà lãnh đạo Moon và Kim đã đặt ra một số mục tiêu ngắn hạn, có thể đạt được, rõ ràng nhằm đảm bảo thời cơ và thúc đẩy tiến trình hòa bình đi về phía trước,” ông Sa viết trên Diplomat. “Bản tuyên bố chung cũng được soạn thảo một cách cẩn thận để tạo nền tảng cho cuộc gặp thượng đỉnh sắp tới giữa Triều Tiên với Hoa Kỳ.”

Tuy nhiên, ông Sa lưu ý rằng ‘còn lâu mới đạt được hòa bình và phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên’ còn ông Cha thì nói không chắc chắn bầu không khí hòa bình mới được tạo dựng này sẽ được duy trì trong bao lâu.

Bổn cũ soạn lại?

“Bất chấp bầu không khí tích cực của cuộc gặp, điều vẫn còn thiếu từ cuộc họp thượng đỉnh này là bất cứ dấu hiệu rõ ràng nào cho thấy lập trường của ông Kim về vấn đề phi nhân hạt hóa và liệu ông ấy có từ bỏ vũ khí hạt nhân hay không hay là ông ấy đang muốn tạm thời đóng băng các chương trình vũ khí của nước mình để đổi lấy việc giảm nhẹ lệnh cấm vận, hỗ trợ năng lượng trong giai đoạn quá độ và làm giảm căng thẳng,” ông Victor Cha phân tích.

Về phần mình, ông Harry Sa cho rằng cuộc gặp Kim-Moon ‘không có gì mới’. Ông lưu ý những nhượng bộ mà ông Kim Jong-un đưa ra trước, trong cuộc gặp thượng đỉnh ‘không phải là gì mới mẻ’. Chẳng hạn như lời hứa của ông là sẽ ngưng thử nghiệm hạt nhân và tên lửa và ngỏ ý sẽ đóng cửa cơ sở thử nghiệm hạt nhân Punggye-ri thì thân phụ của ông là ông Kim Jong-il cũng từng hứa đóng băng chương trình hạt nhân của Triều Tiên hồi năm 1994 và đóng cửa cơ sở hạt nhân hồi năm 2007. Lời hứa của ông Kim cha còn đi xa đến mức cho phép các thanh sát viên của Cơ quan Nguyên tử năng Quốc tế vào giám sát việc dỡ bỏ khu phức hợp hạt nhân Yongbyon. Tuy nhiên, tiến trình hòa bình sau đó đã thất bại sau khi mọi việc vỡ lỡ là Triều Tiên vẫn tiếp tục làm giàu uranium.

Phía Hàn Quốc loan báo một cách hoan hỉ rằng ông Kim Jong-un để ngỏ việc chấp nhận sự hiện diện quân sự của Mỹ trên bán đảo Triều Tiên thời hậu chiến. Tuy nhiên, ông Sa lưu ý rằng gần hai thập niên trước đây, cố lãnh đạo Kim Jong-il cũng từng nói y hệt như vậy tại hội nghị Thượng đỉnh Liên Triều lần đầu vào năm 2000. Và giờ đây mọi việc lại diễn ra giống như vậy.

Ngoài ra, Tuyên bố chung Bàn Môn Điếm và các tuyên bố chung trong các hội nghị Thượng đỉnh Liên Triều trước đây có nhiều điểm giống nhau đến lạ lùng, theo giới phân tích. Hai nhà lãnh đạo Kim Dae-jung và Kim Jong-il hồi năm 2000 cũng đồng ý ‘chấm dứt thù địch và mở ra một kỷ nguyên mới của hòa giải và hợp tác’ giữa hai miền Triều Tiên, và những người kế nhiệm họ cũng có phát biểu y hệt như vậy hôm 27/4. Những lời hứa như cho đoàn tụ những gia đình bị ly tán, hỗ trợ phát triển, viếng thăm thủ đô của nhau và đối thoại thường xuyên giữa giới chức hai nước đều là lặp lại những gì đã có trước đây, các nhà phân tích cho biết.

“Nói cách khác, hội nghị thượng đỉnh lần này đưa chúng ta trở về vạch xuất phát. Cuối cùng chúng ta thấy mình quay lại thời năm 2000,” ông Sa viết trên Diplomat.

Ông Victor Cha cũng nhắc lại ba chủ đề nhất quán luôn thấy xuất hiện trong các thỏa thuận liên Triều: mong muốn thống nhất hòa bình thông qua nỗ lực độc lập của dân tộc Triều Tiên mà không có sự can thiệp hay ảnh hưởng từ bên ngoài; các phương thức xây dựng lòng tin và giảm sự thiếu hiểu biết lẫn nhau; sự nhìn nhận cần phải đưa lệnh ngừng bắn giữa hai miền thành hiệp định hòa bình. Các thỏa thuận trước đây, nhất là tại Thượng đỉnh Liên Triều năm 2007, còn có thêm nội dung cụ thể về hợp tác kinh tế như về khu công nghiệp Kaesong, xây dựng đường sắt, đóng tàu và du lịch.

Hướng đến Thượng đỉnh Trump-Kim

Donald Trump sẽ là tổng thống Mỹ tại nhiệm đầu tiên gặp một nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên
Donald Trump sẽ là tổng thống Mỹ tại nhiệm đầu tiên gặp một nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên

Tác giả Harry Sa cảnh báo rằng chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump hoàn toàn thiếu chuẩn bị cho các vấn đề về Triều Tiên: chiếc ghế đại sứ ở Seoul vẫn còn để trống, người phụ trách cao nhất về Triều Tiên ở Bộ Ngoại giao đã về hưu trong khi chính Bộ Ngoại giao vẫn trong tình trạng thiếu nhân lực sau ‘nhiệm kỳ thảm họa của [cựu Ngoại trưởng] Rex Tillerson’.

Ông lưu ý rằng chính quyền Hoa Kỳ hiện sắp có cuộc gặp thượng đỉnh với Kim Jong-un là chính quyền ‘vụng về nhất, xao lãng nhất và phân rã nhất trong lịch sử nước Mỹ’. Đó là một chính quyền “mà lâu nay vẫn nghi vấn về giá trị của liên minh và tích cực phá hoại sự gắn kết của liên minh”. Trong khi đó, Triều Tiên vẫn sẽ dùng bài quen thuộc mà họ đã sử dụng để đối phó với Mỹ trong quá khứ.

“Hoàn toàn có khả năng rằng Bình Nhưỡng nhận thấy chính quyền Mỹ hiện nay, ở thời điểm hiện tại, là thời cơ tốt để thực hiện bất kỳ âm mưu nào mà họ đã chuẩn bị,” ông cảnh báo.

“Chúng ta chỉ cần nhìn vào hồ sơ lịch sử mới đây và bối cảnh chiến lược hiện tại để biết rằng với Triều Tiên, không có gì là dễ dàng cả. Các nhà hoạch định chính sách Mỹ và Hàn Quốc cần chấp nhận rằng đây sẽ là một quá trình lâu dài, chậm chạp và đau đớn, và bất kỳ sự diễn giải sai, thiếu sự trao đổi hay thậm chí chỉ cần một vài dòng tweet giận dữ cũng có thể làm trật đường ray những tiến bộ mong manh đạt được cho đến nay. Các nhà lãnh đạo ở Washington và Seoul cần tránh nhắm đến một chiến thắng to lớn. Thay vào đó, họ cần giữ điềm tĩnh, phối hợp chặt chẽ nhất có thể và, quan trọng nhất, đặt ra những mục tiêu rõ ràng có thể đạt được trong ngắn hạn,” ông viết.

Ông cũng đề xuất thay vì đi đến cuộc gặp thượng đỉnh này chỉ với mục tiêu duy nhất là phi hạt nhân hóa trong đầu, vào thời điểm hiện tại, chính quyền Trump “nên quên đi việc phi hạt nhân hóa hoàn toàn, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược” của Triều Tiên. Thay vào đó, trọng tâm đàm phán nên đặt vào việc giữ Bình Nhưỡng ở lại bàn đàm phán, tạo dựng những phương thức hợp tác sâu rộng hơn giữa ba nước Mỹ, Hàn, Triều và duy trì thời cơ để cuối cùng đạt được hòa bình lâu dài và phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.

Sẽ có hòa bình lâu dài?

Ông Sa cho rằng dường như thời điểm lúc này đang thích hợp để kiến tạo hòa bình lâu dài trên bán đảo Triều Tiên: trong chiến dịch tranh cử của mình, ông Moon Jae-in đã nêu việc tiếp cận, lôi kéo Triều Tiên như là hòn đá tảng trong chính sách đối ngoại của ông, còn Tổng thống Donald Trump của Mỹ đang khao khát tạo dựng di sản như là Tổng thống Mỹ đem lại hòa bình cho bán đảo Triều Tiên. Trong khi đó, Triều Tiên dường như đang chìa ra cơ hội cho Mỹ, Hàn.

Tuy nhiên, ông lưu ý rằng bất chấp tất cả những diễn biến tích cực này, bối cảnh chiến lược ở khu vực vẫn không có gì thay đổi. Triều Tiên vẫn còn là một nước nghèo, yếu và bị uy hiếp nghiêm trọng bởi lực lượng Mỹ-Hàn, do đó vũ khí hạt nhân đối với họ vẫn là một phương tiện răn đe hiệu quả. “Tất cả mọi chuyện Triều Tiên làm là nhằm để đạt được hai điều: đảm bảo sự sinh tồn của chế độ và đưa Hàn Quốc xa rời Mỹ để cuối cùng dẫn đến việc Mỹ rút lực lượng hoàn toàn khỏi khu vực.”

Còn ông Victor Cha thì cho rằng vẫn có đó nhiều câu hỏi chưa có lời giải sau Thượng đỉnh Liên Triều: Liệu Triều Tiên có định nghĩa phi hạt nhân hóa theo nguyên tắc hoàn toàn, có thể kiểm chứng được và không thể đảo ngược được, như Mỹ hay không? Liệu Washington có phải giảm cam kết an ninh với Hàn Quốc như là điều kiện đánh đổi lấy việc Triều Tiên phi hạt nhân hóa? Và liệu Triều Tiên vẫn còn tin rằng họ vẫn có thể vừa phát triển vũ khí hạt nhân vừa nhận được hỗ trợ kinh tế và năng lượng vì đã làm giảm căng thẳng hay không?

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG