Indonesia đã điều một tàu chiến đến Biển Bắc Natuna để giám sát một tàu cảnh sát biển của Trung Quốc đang hoạt động trong một khu vực biển giàu tài nguyên mà cả hai nước đều tuyên bố chủ quyền, tư lệnh hải quân nước này cho biết ngày thứ Bảy.
Dữ liệu theo dõi tàu cho thấy tàu CCG 5901 di chuyển trong biển Natuna, đặc biệt là gần mỏ khí Tuna Bloc và mỏ dầu khí Chim Sáo của Việt Nam kể từ ngày 30 tháng 12, tổ chức Sáng kiến Công lý Đại dương Indonesia nói với Reuters.
Một tàu chiến, máy bay tuần tra hàng hải và máy bay không người lái đã được triển khai để giám sát con tàu, Laksamana Muhammad Ali, tư lệnh hải quân Indonesia, nói với Reuters.
“Tàu Trung Quốc chưa tiến hành bất cứ hoạt động đáng ngờ nào,” ông nói. "Tuy nhiên, chúng tôi cần theo dõi nó vì nó đã ở trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Indonesia một thời gian.”
Người phát ngôn của Đại sứ quán Trung Quốc tại Jakarta không có bình luận ngay tức thì.
Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) trao cho các tàu quyền đi lại qua vùng đặc quyền kinh tế.
Hoạt động này diễn ra sau khi Indonesia và Việt Nam đạt được thỏa thuận về vùng đặc quyền kinh tế, và sau khi Indonesia chấp thuận cho phát triển mỏ khí Tuna ở biển Natuna, với tổng vốn đầu tư ước tính hơn 3 tỉ đôla cho đến khi bắt đầu khai thác.
Vào năm 2021, các tàu từ Indonesia và Trung Quốc đã bám đuôi nhau trong nhiều tháng gần một giàn khoan dầu chìm đang đào giếng thăm dò ở lô Tuna.
Vào thời điểm đó, Trung Quốc kêu gọi Indonesia ngừng khoan, nói rằng các hoạt động đang diễn ra trong lãnh thổ của họ.
Quốc gia lớn nhất Đông Nam Á nói rằng theo UNCLOS, phần cuối phía nam của Biển Đông là vùng đặc quyền kinh tế của mình và đặt tên cho khu vực này là Biển Bắc Natuna vào năm 2017.
Trung Quốc bác bỏ điều này, nói rằng vùng biển nằm trong yêu sách lãnh thổ rộng lớn của họ ở Biển Đông được đánh dấu bằng "đường chín đoạn" hình chữ U, một ranh giới mà Tòa án Trọng tài Thường trực ở The Hague cho là không có cơ sở pháp lý vào năm 2016.
Diễn đàn