Đường dẫn truy cập

Kêu gọi trùng tu Nghĩa trang Biên Hòa


Nghĩa trang Quân đội Biên Hòa có hàng chục ngàn ngôi mộ của các liệt sĩ Việt Nam Cộng hòa đang bị xuống cấp trầm trọng.
Nghĩa trang Quân đội Biên Hòa có hàng chục ngàn ngôi mộ của các liệt sĩ Việt Nam Cộng hòa đang bị xuống cấp trầm trọng.

Một tổ chức thiện nguyện ở Mỹ kêu gọi Việt Nam cho phép họ trùng tu toàn diện Nghĩa trang Quân đội Biên Hòa, nơi hàng chục ngàn ngôi mộ của các liệt sĩ Việt Nam Cộng hòa đang bị xuống cấp trầm trọng.

Hội Người Mỹ gốc Việt (VAF) từ năm 2007 khởi xướng dự án Tử sĩ Trở về nhằm tìm kiếm hài cốt những người lính Việt Nam Cộng hòa đã nằm xuống trong các trại tù cải tạo và tu sửa lại Nghĩa trang Biên Hoà.

Những phần mộ chưa trùng tu xuống cấp rất trầm trọng. Đa số trong đó bị mất bia mộ rất nhiều. Có những phần mộ nếu trùng tu không kịp sẽ bị mất dạng luôn.
Anh Phạm Văn Lộc, em ruột chuẩn úy Phạm Văn Sỹ tử trận ngày 3/4/1975, cho biết.

Ông Nguyễn Đạc Thành, sáng lập viên VAF, một cựu thiếu tá Việt Nam Cộng Hoà may mắn sống sót từ những trại tù cải tạo của quân đội Bắc Việt, cho biết từ khi dự án Tử sĩ Trở về ra đời, VAF đã giúp trùng tu được gần 3.000 ngôi mộ hoang tàn trong số 16.000 ngôi mộ của các liệt sĩ tử trận trong cuộc chiến Việt Nam cách đây 4 thập niên, nhưng công tác này lâu nay được thực hiện mang tính cách cá nhân, rải rác, ‘đắp vá tạm thời’ trong khi càng ngày càng có nhiều ngôi mộ có nguy cơ mất dấu. Ông Thành nói:

"Họ chỉ cho cá nhân trùng tu mà thôi. Vì tình trạng mộ trong nghĩa trang rất thê thảm, buộc lòng chúng tôi phải dùng tư cách cá nhân mặc dù tỉnh Bình Dương biết người đứng ra là của VAF, tiền của VAF. Cá nhân này ký hợp đồng với Ban Quản trang và một công ty trùng tu của họ. Họ ra giá cho mình, mình không thảo luận được vấn đề giá cả vì không một công ty nào khác được quyền vào."

Anh Phạm Văn Lộc, em ruột chuẩn úy Phạm Văn Sỹ tử trận ngày 3/4/1975 trong cuộc chiến Việt Nam, cho biết thêm về tình trạng xuống cấp của hàng ngàn ngôi mộ trong nghĩa trang:

"Những phần mộ chưa trùng tu xuống cấp rất trầm trọng. Đa số trong đó bị mất bia mộ rất nhiều. Có những phần mộ nếu trùng tu không kịp sẽ bị mất dạng luôn."

Mới đây, VAF vừa gửi thư cho đại sứ Mỹ tại Hà Nội và chính quyền địa phương tỉnh Bình Dương trong nỗ lực kêu gọi Việt Nam cấp phép cho Hội được chính thức lên kế hoạch và tiến hành công tác trùng tu nghĩa trang một cách đồng bộ, quy cũ, và có tổ chức.

Lời kêu gọi được đưa ra không lâu sau khi đại sứ Mỹ tại Việt Nam, Ted Osius, đến thăm Nghĩa trang Biên Hòa hồi tháng 10 vừa qua tiếp sau chuyến thăm của dân biểu thành viên Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ, Alan Lowenthal.

Họ chỉ cho cá nhân trùng tu mà thôi. Vì tình trạng mộ trong nghĩa trang rất thê thảm, buộc lòng chúng tôi phải dùng tư cách cá nhân mặc dù tỉnh Bình Dương biết người đứng ra là của VAF, tiền của VAF. Cá nhân này ký hợp đồng với Ban Quản trang và một công ty trùng tu của họ. Họ ra giá cho mình, mình không thảo luận được vấn đề giá cả vì không một công ty nào khác được quyền vào.
Ông Nguyễn Đạc Thành, sáng lập viên VAF, một cựu thiếu tá VNCH, cho biết.

Trong thư gửi dân biểu Lowenthal cập nhật thông tin sau chuyến đi thực tế, đại sứ Osius nhấn mạnh còn nhiều việc cần phải làm và cho biết sứ quán cũng như lãnh sự Mỹ đã xúc tiến các cuộc thảo luận với giới chức Việt Nam để vận động cho nỗ lực trùng tu Nghĩa trang Biên Hòa.

Tuy nhiên, đại sứ Mỹ thừa nhận rằng đây không phải là một vấn đề dễ giải quyết.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng của Việt Nam năm 2006 ký quyết định đổi tên nơi này thành Nghĩa trang Nhân dân Bình An, dân sự hóa địa điểm mà Hà Nội xem là ‘nhạy cảm’ về mặt lịch sử và chính trị. Và cũng từ đó, phát sinh thêm những thực tế gây tranh cãi.

Chủ tịch Hội VAF chia sẻ:

"Đất nghĩa trang từ 125 mẫu nay chỉ còn 29 mẫu mà thôi. Có hai gia đình chiếm ngụ còn ở trong nghĩa trang mà chính quyền Bình Dương cũng chưa trục xuất họ ra được. Họ đập luôn tường ngay cổng ra vào và cất cả chuồng bò ngay trong nghĩa trang. Điều này khiến chúng tôi hết sức bức xúc. Điểm thứ hai, có vài địa điểm trong nghĩa trang họ cho mướn để trồng cây dầu. Đó là lý do mà chúng tôi yêu cầu phải có cuộc quản lý rõ ràng có sự tham gia của chúng tôi để bảo vệ nghĩa trang."

Gia đình của tử sĩ Phạm Văn Sỹ cho biết việc thăm viếng mộ phần trong Nghĩa trang Biên Hòa cũng gặp không ít khó khăn, đòi hỏi phải đăng ký, xuất trình giấy tờ và kê khai địa chỉ mỗi lần như thế.

Anh Phạm Văn Lộc nói chiến tranh đã chấm dứt 40 năm, nhưng sự phân biệt đối xử của ‘bên thắng cuộc’ vẫn chưa kết thúc bất chấp những hô hào về ‘hòa hợp-hòa giải’ từ những người cầm quyền.

Anh chua xót so sánh sự cách biệt giữa Nghĩa trang Biên Hòa của các tử sĩ miền Nam Cộng hòa với các khu nghĩa trang của các liệt sĩ miền Bắc cộng sản:

"Nghĩa trang liệt sĩ của bộ đội rất khang trang, sạch đẹp. Còn Nghĩa trang Quân đội Biên Hòa thì xuống cấp rất trầm trọng, thậm chí có những cây xanh bây giờ đội mồ đội mả lên mà họ vẫn chưa cho cắt những cây đó đi. Những người đã khuất mà họ lại đối xử như vậy thì thật vô lý. Tại sao một nghĩa trang mà khi vào lại phải trình giấy tờ? Bên nghĩa trang của bộ đội khi vào có phải trình giấy tờ gì đâu mà bên mình lại phải trình giấy tờ. Tôi thấy cái đó thật vô lý."

Kêu gọi trùng tu Nghĩa trang Biên Hòa
please wait

No media source currently available

0:00 0:02:18 0:00

​Báo An ninh Quốc phòng nói kể từ khi chuyển đổi thành Nghĩa trang Nhân dân Bình An, nhà nước đã ‘thay đổi diện mạo’ nơi này, ‘tôn tạo và xây mới khang trang’ với đường trải nhựa, cây cảnh xanh tươi, chỗ thắp hương thờ cúng trang nghiêm, ‘một minh chứng cho tinh thần hòa hợp, hòa giải dân tộc giữa những con người cùng mang dòng máu Việt’.

Chủ tịch Hội VAF cho biết đó chỉ là những tô điểm ‘bề mặt’ không thể che đậy được một thực tế phủ phàng, thương tâm:

"Chỉ có một phần trước mặt để trình diễn mà thôi. Đi sâu vào trong sẽ thấy thê thảm không thể tưởng tượng được. Ông dân biểu Lowenthal đã vào thăm nghĩa trang mà cũng không được nhìn thấy. Sau khi chúng tôi đưa cho ông coi những hình ảnh, ông sửng sốt. Đó là lý do mà ông Lowenthal và đại sứ Mỹ Osius đã họp với chúng tôi để có kế hoạch đẩy mạnh việc trùng tu Nghĩa trang Biên Hòa."

Nghĩa trang Quân đội Biên Hòa thì xuống cấp rất trầm trọng, thậm chí có những cây xanh bây giờ đội mồ đội mả lên mà họ vẫn chưa cho cắt những cây đó đi. Những người đã khuất mà họ lại đối xử như vậy thì thật vô lý. Tại sao một nghĩa trang mà khi vào lại phải trình giấy tờ?
Anh Phạm Văn Lộc nói.

Ông Thành nói phái đoàn Bộ Ngoại giao Việt Nam do Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn dẫn đầu trong cuộc họp hồi tháng 3 năm 2014 đã đồng ý cho VAF trùng tu mộ trong nghĩa trang này với điều kiện phải tự lo chi phí vì chính phủ không có ngân sách. Tuy nhiên, lời hứa này đã không được chính quyền địa phương là tỉnh Bình Dương thi hành, tương tự như những hứa hẹn trước đó.

Nếu được sự hợp tác từ phía Việt Nam, VAF dự kiến sẽ tới Bình Dương vào đầu tháng 3 để họp bàn cụ thể để xúc tiến kế hoạch trùng tu thêm trên dưới 3 ngàn ngôi mộ nữa trong năm nay và kỳ vọng sẽ hoàn tất trùng tu toàn bộ mộ phần trong nghĩa trang này trong vòng từ 2 đến 3 năm.

Ông Ngô Chí Thiềng thuộc Quốc gia Nghĩa Tử, một tổ chức phối hợp với VAF trong cuộc vận động lần này, nói trở ngại không ở vấn đề thời gian hay tài lực, mà phụ thuộc hoàn toàn ở thiện chí của phía Việt Nam:

"Trùng tu 16.000 ngôi mộ trong đó không phải là tốn tiền lắm đâu, nhưng cái mình lo lắng nhất là làm sao để họ cho mình được quyền tái tạo lại để vong linh cha ông mình được yên nghỉ. Đó là nỗi đau chúng tôi canh cánh trong lòng."

Kêu gọi trùng tu Nghĩa trang Biên Hòa
please wait

No media source currently available

0:00 0:09:42 0:00
Tải xuống

4 thập niên sau cuộc chiến Việt Nam, các liệt sĩ Bắc Việt giờ đã ‘mồ yên mả đẹp’, hầu hết hài cốt lính Mỹ tử trận tại Việt Nam cũng đã được Hoa Kỳ tìm mang về nước an táng ở nghĩa trang quốc gia, nhưng các nỗ lực trùng tu mười mấy ngàn ngôi mộ hiu quạnh, điêu tàn của các chiến sĩ Việt Nam Cộng hòa vẫn bị cản trở và gạt ra bên lề.

Chỉ có một phần trước mặt để trình diễn mà thôi. Đi sâu vào trong sẽ thấy thê thảm không thể tưởng tượng được. Dân biểu Lowenthal đã vào thăm nghĩa trang mà cũng không được nhìn thấy. Sau khi chúng tôi đưa cho ông coi những hình ảnh, ông sửng sốt. Đó là lý do mà ông Lowenthal và đại sứ Mỹ Osius đã họp với chúng tôi để có kế hoạch đẩy mạnh việc trùng tu Nghĩa trang Biên Hòa.
Ông Nguyễn Đạc Thành của Hội VAF cho biết.

Đại sứ Mỹ Ted Osius trong cuộc gặp với dân biểu Lowenthal và Hội VAF cách đây nửa năm cho biết ông ủng hộ công tác tìm hài cốt tử sĩ đưa về cải táng ở Nghĩa trang Biên Hòa và hứa sẽ tiếp tục tạo điều kiện hỗ trợ các thương binh-liệt sĩ Việt Nam Cộng hòa.

Ông Nguyễn Đạc Thành của Hội VAF nói đây không phải là bổn phận của chính phủ Mỹ với Việt Nam Cộng hòa mà Hoa Kỳ đang giúp hiện thực hóa nguyện vọng của những người Mỹ gốc Việt vì lý do nhân đạo.

Những người tham gia cuộc vận động trùng tu Nghĩa trang Biên Hòa kỳ vọng nghĩa cử nhân đạo của Mỹ sẽ giúp đánh động lương tâm giới hữu trách Việt Nam.

Ông Ngô Chí Thiềng thuộc Hội Quốc gia Nghĩa tử:

"Chúng tôi kêu gọi lương tâm những con người Việt Nam cộng sản. Xin quý vị hãy nhìn lại những người đã nằm xuống không một chút nhang khói trong suốt 40 năm qua. Chúng tôi đau lòng lắm. Những người nào còn lương tâm, còn nghĩ tới tiền đồ dân tộc, tình đồng bào thì xin hãy tạo cơ hội cho chúng tôi trở về làm công việc đó cho xong càng nhanh càng tốt, theo đúng điều mà họ nói là muốn hòa hợp hòa giải. Những người đã chết có làm gì hại cho họ nữa đâu mà họ còn không hòa giải được. Không hòa giải được với người chết thì làm sao họ hòa giải được với những người còn sống?"

Hận thù chiến tranh có khép lại hay không, những người Việt cùng chung dòng máu có ‘hòa hợp-hòa giải’ được với nhau hay không còn tùy vào sự chân thành của ‘bên thắng cuộc’ trong cuộc chiến ‘huynh đệ tương tàn’ 40 năm về trước.

Nghĩa trang Quân đội Biên Hòa, sáng kiến của cố Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu, được khởi công xây dựng từ năm 1965 dưới thời Việt Nam Cộng Hòa.

Sau ngày 30/4/1975 khi quân đội Bắc Việt tràn vào miền Nam thống nhất đất nước, tượng đài Thương Tiếc trong nghĩa trang bị giật sập và nghĩa trang cũng bị phá hoại dưới nhiều hình thức nhưng không có chiến dịch phá sập toàn diện. Các kiến trúc chính bao gồm Cổng Tam Quan, Ðền Liệt Sĩ và Nghĩa Dũng Ðài tới nay vẫn còn.

VOA Express

XS
SM
MD
LG