Vai trò của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) bị nghi ngờ sau khi hội nghị thượng đỉnh của tổ chức này không thể ra được thông cáo chung trong lúc có xung đột giữa Mỹ và Trung Quốc.
Hai thành viên lớn nhất của APEC đang mắc vào cuộc chiến thương mại và sử dụng diễn đàn APEC để công kích chính sách của nhau.
Thượng đỉnh APEC vào cuối tuần qua ở Port Moresby, Papua New Guinea, là một kỳ họp diễn ra bất đồng công khai mà vấn đề hàng đầu là tranh chấp giữa Mỹ và Trung Quốc về thương mại, an ninh và nước nào sẽ là đối tác đầu tư tốt hơn trong khu vực.
Vào lúc APEC tiến gần đến kỷ niệm lần thứ 30, việc không thông qua được thông cáo chung lần đầu tiên đã làm dấy lên nghi ngờ về vai trò của tổ chức này trong lúc chính quyền Trump đã tỏ ác cảm với chủ nghĩa đa phương.
“Nó thật sự đánh dấu sự kết thúc của tầm nhìn thương mại sáng lập nên APEC,” ông Euan Graham, giám đốc điều hành chương trình La Trobe châu Á tại Đại học La Trobe của Úc, viết trên Twitter.
Thay vì tập trung vào việc hợp tác, chủ đề của thượng đỉnh lần này dường như là xung đột và kiềm chế vì Bắc Kinh và Washington chỉ trích trực tiếp lẫn nhau về chính sách và lập luận tại sao họ là đối tác an ninh và đầu tư mà khu vực Thái Bình Dương nên chọn.
“Thậm chí đó còn không phải là văn kiện mang tính ràng buộc,” một nhà ngoại giao tham gia vào quá trình đàm phán thông cáo chung cho biết và nói rằng ông cảm thấy ngạc nhiên khi các nước thành viên không thể đồng ý với một văn kiện thường chỉ là tóm tắt một cách tẻ nhạt những vấn đề đã được thảo luận.
“Hoa Kỳ và Trung Quốc đã phá hoại tinh thần của APEC,” nhà ngoại giao này nói.
Phía Mỹ thậm chí còn dùng cách dùng từ của riêng mình về ‘Ấn Độ-Thái Bình Dương’ mà họ cho là trải từ bờ biển phía tây của Mỹ Latin cho đến ranh giới xa nhất của Ấn Độ Dương. Ông Pence đã đề cập APEC chỉ năm lần như nhắc đến ‘khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương’ đến 41 lần trong bài diễn văn của ông trước APEC hôm 17/11.
Được thành lập vào năm 1989 với mục đích là nuôi dưỡng mối quan hệ kinh tế và thương mại xung quanh Thái Bình Dương, APEC lúc đầu hoạt động ở cấp bộ trưởng cho đến năm 1993 khi Tổng thống Mỹ Bill Clinton thiết lập cuộc gặp thượng đỉnh hàng năm. Và mỗi kỳ họp thượng đỉnh nào, APEC cũng ra thông cáo chung khi bế mạc.
“Điều này rất đáng lo ngại từ góc nhìn hệ thống. WTO cũng đối mặt thách thức tương tự,” ông Charles Finny, một nhà tư vấn về thương mại ở Wellington và là nhà đàm phán về thương mại trước đây cho chính phủ New Zealand, nhận định.
Bài xã luận của tờ Hoàn cầu Thời báo nói việc thiếu vắng của thông cáo chung ‘không phải là chuyện gì to tát’ và coi cuộc gặp sắp tới giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình là quan trọng hơn.
Hai nhà lãnh đạo sẽ gặp nhau bên lề Hội nghị Thượng đỉnh G-20 ở Argentina.
“Chúng tôi hy vọng rằng Washington chuẩn bị nghiêm túc cho cuộc gặp này và không đặt hy vọng vào việc duy trì sức ép,” bài xã luận viết.
Thủ tướng Úc Scott Morrison nói rằng Thủ tướng nước chủ nhà Peter O’Neill đã thể hiện sự liêm chính và khả năng lãnh đạo tuyệt vời.
“Vào thời điểm như thế này, chủ trì một hội nghị thượng đỉnh như những gì mà chúng tôi đã trải qua trong những ngày không hề là việc dễ dàng gì,” ông Morrison nói.
Các đảo quốc Thái Bình Dương lâu nay bị quên lãng đang ngày càng bị hai cường quốc tiền bạc rủng rỉnh đang muốn cạnh tranh ảnh hưởng trong khu vực quan trọng về mặt chiến lược tranh thủ mạnh mẽ.
Phó Tổng thống Pence nói Hoa Kỳ sẽ cùng với Úc giúp đỡ cho Papua New Guinea xây một căn cứ hải quân trên đảo Manus vốn từng là căn cứ của Mỹ trong Chiến tranh thế giới thứ hai sau khi Trung Quốc nổi lên như là bên có khả năng xây dựng một cảng nước sâu ở đây.
Các nhà phân tích cho rằng sự hiện diện của Trung Quốc trên đảo Manus sẽ gây ảnh hưởng đến khả năng di chuyển của phương Tây ở Thái Bình Dương trong khi giúp cho Trung Quốc có một căn cứ gần với các căn cứ của Mỹ trên đảo Guam.
Bên cạnh đó, các nước Mỹ, Nhật, Úc và New Zealand cũng công bố một kế hoạch trị giá 1,7 tỷ đô la để đem điện và internet đến phần lớn lãnh thổ Papua New Guinea trong một hành động phản công tập thể đối với chương trình Vành đai-Con đường của Trung Quốc.
“Bất kỳ ý tưởng gì mà Mỹ hay Trung Quốc hay Úc đưa ra không nhất thiết có nghĩa là đó cũng là ý tưởng của Papua New Guinea,” ông Wera Mori, Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp nước này nói.
“Chúng tôi có hoàn cảnh và những ưu tiên riêng để tập trung vào.”