Đường dẫn truy cập

LHQ: Các nước Châu Á phải tăng chi tiêu về y tế và giáo dục


Trẻ em trường mẫu giáo ở Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận, Việt Nam. (Ảnh: Nguyễn Thái Bình / độc giả VOA)
Trẻ em trường mẫu giáo ở Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận, Việt Nam. (Ảnh: Nguyễn Thái Bình / độc giả VOA)
Hôm nay, cánh phát triển của Liên Hiệp Quốc đặc trách châu Á Thái Bình Dương vừa công bố bản phúc trình tiêu biểu và kêu gọi các chính phủ chi nhiều tiền hơn cho các vấn đề xã hội chủ chốt, thay vì chỉ tập trung vào hạn chế tài chính và lạm phát. Từ Phnom Penh, thông tín viên VOA Robert Carmichael gửi về bài tường thuật sau đây.

Trong 30 năm qua, các nước đã tập trung các chính sách kinh tế vĩ mô vào việc giữ cho lạm phát ở mức thấp và hạn chế và duy trì mức chi trong các giới hạn chặt chẽ.

Nhưng một cánh phát triển hàng đầu của Liên Hiệp Quốc cho rằng việc tập trung hạn hẹp vào ổn định tài chính là sai lầm - nhất là khi áp dụng cho các nước đang phát triển bởi lẽ các biện pháp đó đã cắt giảm việc chi tiêu vào các lãnh vực xã hội như giáo dục và y tế.

Uỷ ban Kinh Xã Liên Hiệp Quốc đặc trách châu Á Thái Bình Dương UNESCAP nói rằng đường lối đó đã gây phương hại cho các mục tiêu phát triển. Cơ quan này kêu gọi một sự quân bình tốt hơn.

Trong bản phúc trình thường niên, UNESCAP nói các chính phủ phải quan tâm đến phẩm chất của việc chi tiêu, chứ không phải chỉ số lượng, và phải tập trung nhiều hơn vào y tế, giáo dục và các mạng lưới an toàn xã hội như hưu bổng, và cấp dưỡng cho người khuyết tật. Uỷ ban nói các quốc gia cũng phải coi chừng về thiệt hại gây ra cho môi trường trong khi theo đuổi tăng trưởng kinh tế.

Bà Nobuko Kajiura là một chuyên gia về các vấn đề kinh tế của UNESCAP. Bà noí bản phúc trình của cơ quan Liên Hiệp Quốc này đã đi đến các kết luận bằng cách thử tăng chi về những đề nghị chính tại 10 nước trong đó có Trung Quốc, Ấn Ðộ, Bangladesh và Indonesia để tính toán liệu một đường lối mới có bền vững hay không. Họ nhận ra rằng đường lối đó có thể thực hiện được.

Bà Kajiura nói: “Do đó, cơ bản chúng tôi nói rằng vẫn có thể thực hiện được. Một vấn đề nữa là: liệu nó có gây mất ổn định cho nền kinh tế hay không? Câu trả lời là không. Các chính sách này có thể thực hiện được và chịu đựng được mà không gây bất ổn định cho nền kinh tế.”

UNESCAP bao gồm 62 quốc gia ở vùng châu Á Thái Bình Dương từ Thổ Nhĩ Kỹ cho đến Kiribati, Nga cho đến New Zealand và tất cả mọi nước ở khoảng gĩữa. 62 quốc gia này là nơi sinh cư của hơn 4 tỷ người hay 2/3 dân số toàn cầu.

Bản phúc trình hôm nay nêu ra rằng nền kinh tế thế giới vẫn ở vị thế dễ bị tổn thương sau cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008, ước tính gây thiệt hại cho vùng này tới 870 tỷ đôla về tổng sản phẩm quốc dân bị thất thu.

Cho đến năm 2017, cơ quan này của Liên Hiệp Quốc dự liệu, tổn phí đó sẽ tăng lên tới 1,3 ngàn tỷ đôla.

Tình trạng trì trệ toàn cầu đã hạ giảm mức tăng trưởng trong vùng châu Á Thái Bình Dương. Năm ngoái, mức này đã cố gắng lên tới 5,6 phần trăm, nghĩa là thấp hơn nhiều so với con số xấp xỉ 8% thường niên đã đạt được trong thập niên trước. Tăng trưởng kinh tế khu vực này dự kiến sẽ đạt mức 6% trong năm nay.

UNESCAP nói rằng cho dù trong thập niên tăng trưởng mạnh, sự bất bình đẳng về thu nhập ở nhiều nước đã trở nên tệ hại hơn, khiến hàng trăm triệu người lâm vào tình trạng yếu kém.

Và cơ quan này lo ngại rằng cuộc sống của 800 triệu người nghèo khó nhất trong khu vực, hiện đang sống ở dưới mức nghèo khó với thu nhập 1,25 đôla một ngày, có thể sẽ không khá hơn nếu các chính phủ không tái tập trung các nỗ lực vào việc phát triển toàn diện và bền vững.

Cơ quan cũng vạch ra rằng thêm 900 triệu người khác trong khu vực sống trên mức nghèo khó, nhưng vẫn chỉ kiếm được chưa đầy 2 đôla mỗi ngày. Và họ rất dễ bị đẩy trở lại vào cảnh nghèo khó cùng cực.

Bà Nobuko Kajirua nói có các chính sách hữu hiệu có thể giải quyết được cho những người dễ bị tổn thương nhất.

Bà Kajirua nói: “Chương trình bảo hiểm công ăn việc làm, hưu bổng không phải đóng góp dành cho tất cả mọi người, quyền lợi dành cho tất cả những người bị khuyết tật, tăng thêm 5 phần trăm dự chi vào y tế công cộng và để cho tất cả mọi người được đăng ký đi học cấp tiểu học và trung học, và tiếp cận với năng lượng.”

UNESCAP ước tính tổn phí cho việc thực thi những thay đổi vừa kể cho hầu hết các quốc gia sẽ lên đến khoảng từ 5 đến 10 phần trăm GDP tính đến năm 2030. Tăng thêm mức thuế tương đối kém hữu hiệu có thể giúp tài trợ cho tổn phí đó.

Bà Kajirua nói: “Liệu các nước có thực thi bất kỳ đề nghị nào hay không là tùy theo ý họ. Nhưng, điều chúng tôi tìm cách làm là đề ra các khả năng để chứng minh rằng tập trung thêm vào việc tăng cho xã hội, chẳng hạn, không phải là gây sụp đổ cho nền kinh tế mà thực sự chung cuộc sẽ có lợi cho đất nước.”

UNESCAP nói, tóm lại, tập trung vào tăng trưởng kinh tế bất kể phát triển xã hội và bền vững môi trường là lỗi thời. Cơ quan này nói tất cả ba mục tiêu có thể tăng cường cho nhau với kết quả là sẽ đem lại sự cải thiện cho nhiều người hơn.

VOA Express

VOA có ứng dụng mới

Xem tin tức VOA trực tiếp trên điện thoại và máy tính bảng! Ứng dụng VOA có thiết kế mới và cải thiện khả năng truy cập tin tức. Các tính năng mà bạn yêu thích trước đây được tích hợp cùng các công cụ vượt tường lửa để truy cập tin tức VOA bằng 22 ngôn ngữ.

Tải ứng dụng VOA trên App StoreGoogle Play!

XS
SM
MD
LG