Đường dẫn truy cập

LHQ tiếp tục điều tra các vụ vi phạm nhân quyền ở Syria


Đại sứ Hoa Kỳ tại Hội đồng Nhân quyền Eileen Chamberlain Donahoe nói công lý thắng thế là điều tối quan trọng
Đại sứ Hoa Kỳ tại Hội đồng Nhân quyền Eileen Chamberlain Donahoe nói công lý thắng thế là điều tối quan trọng
Một cuộc điều tra về các tội ác chiến tranh ở Syria sẽ tiếp tục thêm ít nhất 6 tháng nữa sau khi Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc lên án các lực lượng chính phủ và chiến binh nổi dậy. Thông tín viên Selah Hennessy tường trình từ London.

Ủy ban điều tra của Hội đồng, còn gọi tắt là COI, cho biết thu thập một tập hợp bằng chứng cho thấy cả hai bên đều phạm các tội ác chiến tranh và tội ác chống nhân loại ở Syria.

Ủy ban đổ lỗi cho lực lượng chính phủ và các nhóm dân quân liên kết với họ về đa số các vụ vi phạm, nhưng cũng nhận thấy rằng có những vụ vi phạm về phía lực lượng nổi dậy.

Ủy ban nói đã ghi đầy đủ chi tiết tên các cá nhân và đơn vị chịu trách nhiệm về các tội ác theo như cáo buộc.

Đại sứ Hoa Kỳ tại Hội đồng Nhân quyền, bà Eileen Chamberlain Donahoe nói công lý thắng thế là điều tối quan trọng.

Bà nói: “Công việc của COI rất quan trọng bởi vì trong khi họ tiếp tục ghi nhận tên các cá nhân chịu trách nhiệm về các tội ác hay những vụ vi phạm, họ góp phần bảo đảm rằng đây sẽ không là một trường hợp mà tội ác không bị trừng phạt, mà phải là trường hợp những người chịu trách nhiệm về các tội ác đối với nhân dân Syria phải đối mặt với công lý và trách nhiệm.”

Cuộc biểu quyết hôm thứ Sáu có nghĩa là ủy ban chuyên gia độc lập sẽ có thêm 6 tháng nữa để điều tra những vụ vi phạm ở Syria. Ban nhân viên và nguồn lực dành cho ủy ban cũng sẽ được tăng cường.

Nghị quyết được đệ trình bởi Maroc và được sự ủng hộ của 41 nước thành viên. Trung Quốc, Nga và Cuba phản đối nghị quyết và 3 thành viên khác không bỏ phiếu.

Đại sứ Syria Faysal Khabbaz Hamoui phản đối nghị quyết hôm thứ Sáu.

Ông nói dự thảo nghị quyết không phản ánh thực tế tại chỗ. Nó dựa vào những lời cáo buộc mà theo ông trong nhiều trường hợp là hoàn toàn bịa đặt.

Nhân viên điều tra trong hội đồng đã không vào được Syria và đã thực hiện cuộc điều tra ở các nước láng giềng, kể cả việc phỏng vấn những người Syria tỵ nạn.

Ông Nadim Shehadi, một chuyên gia về Syria của tổ chức khảo cứu Chatham House có trụ sở ở London, nói với đài VOA rằng các cuộc điều tra có thể đưa đến những vụ truy tố.

Ông nói: “Sự kiện này rất quan trọng bởi vì Hội đồng Nhân quyền phần nào đang chuẩn bị cho một biện pháp quốc tế, có sự can dự của Tòa án Tội phạm Quốc tế ICC.”

Nhưng ông Shehadi nói cộng đồng quốc tế có thể chưa sẵn sàng để tiến hành “bước cuối cùng” để tòa án quốc tế có thể can thiệp.

Ông nói giống như ông Kofi Annan, cựu đặc sứ Liên Hiệp Quốc tại Syria đã từ nhiệm sau khi thất bại không giải quyết được vụ khủng hoảng, một số người trong cộng đồng quốc tế vẫn đặt hy vọng vào một cuộc đối thoại xây dựng.

Ông nói: “Bước cuối cùng để đưa ra ICC sẽ có nghĩa đối với chế độ là mọi đường lối thông tin liên lạc đã bị cắt đứt. Không còn đường trở lại. Không còn khả năng giao tiếp lại với chế độ. Và tôi nghĩ đó là điều dè dặt, bởi vì trong chính sách quốc tế, vẫn còn dư âm của “kế hoạch Annan,” là giao tiếp với chế độ và đối thoại với chế độ.”

Tuy nhiện, sự can thiệp của tòa rất phức tạp. Syria chưa hề phê chuẩn một hiệp định thành lập ICC.

Hiệp định có nói rằng Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc có thể khởi xướng một cuộc điều tra.

Nhưng 2 nước đồng minh của Syria là Nga và Trung Quốc, ngồi trong hội đồng 15 thành viên và sẽ có quyền phủ quyết một cuộc điều tra của ICC về các tội ác chiến tranh ở Syria như lời cáo buộc.

Cả hai quốc gia vừa kể đã ngăn chặn các sáng kiến của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc trừng phạt thêm chế độ Syria về vụ đàn áp 18 tháng nhắm vào giới bất đồng và các lực lượng đối lập.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG