Các cơ quan của Liên Hợp Quốc hôm 11/1 đã đề xuất các nhà tài trợ viện trợ nhân đạo đóng góp 4,4 tỷ đô la cho Afghanistan vào năm 2022, gọi số tiền này là ‘quỹ tạm thời thiết yếu’ để đảm bảo tương lai đất nước sau một thời gian hỗn loạn với việc Taliban lên nắm quyền và sự rút quân gấp gáp của Mỹ.
Liên Hợp Quốc cho biết số tiền đóng góp này chiếm gần 1/4 GDP đất nước, là số tiền lớn nhất từng được huy động cho một nước đơn lẻ và gấp ba lần con số quốc gia này nhận được hồi năm 2021 khi chính phủ được Mỹ hậu thuẫn đã bị sụp đổ.
“Đây là giải pháp nhất thời, biện pháp tình thế hoàn toàn cần thiết mà chúng ta đang đưa ra trước cộng đồng quốc tế hôm nay,” người đứng đầu cơ quan viện trợ của Liên Hợp Quốc Martin Griffiths nói với các phóng viên tại Geneva.
Việc rút viện trợ nước ngoài đột ngột vào năm ngoái sau chiến thắng của Taliban hồi tháng 8 đã đẩy kinh tế mong manh của Afghanistan bên bờ vực sụp đổ, với giá lương thực tăng nhanh, gây nạn đói lan rộng.
Các biện pháp trừng phạt của phương Tây nhắm vào Taliban cũng ngăn chặn hoạt động vận chuyển đến Afghanistan thực phẩm và thuốc men cơ bản, mặc dù biện pháp này đã được nới lỏng sau khi Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và Washington thông qua các miễn trừ hồi tháng 12.
Griffiths, người gặp các quan chức Taliban, cho biết kế hoạch nhân đạo đã được ‘tính toán cẩn thận’ để tiền viện trợ được chuyển trực tiếp đến những người cần được giúp đỡ chứ không phải đến chính quyền.
Filippo Grandi, Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn, nói rằng an ninh được cải thiện là cơ hội để thu hút trở về hàng triệu người Afghanistan bị mất nơi ăn chốn ở do xung đột kéo dài ở quê hương, và nói thêm rằng kể từ khi Taliban lên nắm quyền, 170.000 người đã trở về.
“Cuộc xung đột giữa Taliban và chính quyền trước đây đã chấm dứt và điều đó đã mở ra không gian an ninh mà tôi nghĩ chúng ta cần tận dụng,” ông Grandi nói.
“Nhưng để làm được điều đó, chúng ta cần những nguồn lực này nằm trong số tiền được kêu gọi”.