Đường dẫn truy cập

Lịch sử các nỗ lực giải giới Triều Tiên


Lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong Un bắt tay ông Chung Eui-yong, trưởng Văn phòng An ninh Quốc gia của Tổng thống Hàn Quốc, tại Bình Nhưỡng ngày 6/3/2018.
Lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong Un bắt tay ông Chung Eui-yong, trưởng Văn phòng An ninh Quốc gia của Tổng thống Hàn Quốc, tại Bình Nhưỡng ngày 6/3/2018.

Sau hàng chục năm căng thẳng hạt nhân tại bán đảo Triều Tiên, Hàn Quốc loan báo lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong Un đề nghị đàm phán với Hàn Quốc và với Hoa Kỳ. Các nỗ lực trước đây thuyết phục Bình Nhưỡng từ bỏ chương trình võ khí hạt nhân nhiều lần thất bại giữa những sự ‘đổi ý’ của Triều Tiên và sự thù nghịch giữa Bình Nhưỡng với Washington.

Các cuộc đàm phán 6 bên từ 2003-2009

Tháng Giêng 2003, lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong Il, thân phụ của Kim Jong Un, loan báo Bình Nhưỡng rút lui khỏi Hiệp ước Không phổ biến võ khí hạt nhân mà họ đã nhất trí vào năm 1985. Ba tháng sau, Triều Tiên loan báo có võ khí hạt nhân.

Với hy vọng tìm giải pháp ôn hòa cho tham vọng hạt nhân của Bình Nhưỡng, các cuộc đàm phán 6 bên khởi sự tại Bắc Kinh giữa Triều Tiên, Hàn Quốc, Trung Quốc, Mỹ, Nga, và Nhật.

Từ năm 2004-2005, trong lúc các cuộc đàm phán 6 bên không được liên tục, Triều Tiên tiếp tục thử phi đạn. Bình Nhưỡng gợi ý cắt bớt hoạt động của họ để đổi lấy viện trợ trong khi nêu lên những quan ngại về hành động thù nghịch từ Mỹ.

Trong khi các cuộc đàm phán đình chỉ trong năm 2006, Triều Tiên tăng cường thử phi đạn và tố cáo Mỹ là mối đe dọa hạt nhân.

Vòng đàm phán thứ sáu khai mở hồi tháng Hai năm 2007 và Bình Nhưỡng hứa đóng cửa lò phản ứng hạt nhân để đổi lấy dầu nhiên liệu. Sau đó, Triều Tiên yêu cầu Mỹ ngưng phong tỏa 25 triệu đô la trong các nguồn ngân quỹ bị đóng băng, số tiền này họ có được vào tháng Sáu, mở đường cho vòng đàm phán tiếp theo vào tháng sau.

Cam kết của Triều Tiên rằng sẽ khai báo tất cả hoạt động hoạt nhân vào cuối năm 2007 không được tuân thủ.

Tháng Năm 2008, Bình Nhưỡng yêu cầu Mỹ bỏ tên họ ra khỏi danh sách nhà nước tài trợ khủng bố và Washington thực hiện vào tháng Mười, dẫn tới việc Triều Tiên tái tục phá dỡ nhà máy hạt nhân Yongbyon.

Năm 2009, Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc đáp lại cuộc thử nghiệm phi đạn của Bình Nhưỡng bằng lời đe dọa tăng cường chế tài và Triều Tiên tuyên bố thôi tham gia các cuộc đàm phán 6 bên.

Các cuộc đàm phán Mỹ-Triều 1994-2002

Năm 1994, Triều Tiên và Hoa Kỳ, dưới thời Tổng thống Bill Clinton, ký khung làm việc thỏa thuận với mục tiêu phong tỏa và rốt cuộc chấm dứt chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng. Đổi lại, Triều Tiên có khả năng được các mối quan hệ bình thường hóa, được dầu nhiên liệu và được trợ giúp xây dựng các lò phản ứng hạt nhân nước nhẹ.

Việc sản xuất và mua bán phi đạn của Bình Nhưỡng trở thành một vấn đề. Các cuộc thảo luận khởi sự với Mỹ thúc đẩy Bình Nhưỡng cắt bớt hoạt động kinh doanh phi đạn trong khi Bình Nhưỡng đòi bồi thường tài chính vì thất thu thu nhập. Năm 1998, các biện pháp chế tài được ban hành lên Triều Tiên vì nước này gửi kỹ thuật phi đạn và các bộ phận của phi đạn sang Pakistan.

Bất chấp các vòng đàm phán, không một thỏa thuận chắc chắn nào đạt được về vấn đề phi đạn Triều Tiên.

Khi Tổng thống Bush nhậm chức năm 2001, Bình Nhưỡng cảm nhận một thái độ thù nghịch hơn từ Mỹ và các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ được áp đặt lên một công ty Triều Tiên vì các vụ chuyển giao phi đạn sang Iran, theo Hiệp hội Kiểm soát Võ trang.

Quan hệ đôi bên càng căng thẳng hơn vào năm 2002 khi Tổng thống Bush liệt kê Triều Tiên cùng với Iran và Iraq vào danh sách “trục ma quỷ” tài trợ khủng bố và mưu tìm võ khí hạt nhân.

Khung làm việc thỏa thuận đổ vỡ vào tháng 12/2002 khi Mỹ xác quyết rằng Triều Tiên vẫn âm thầm theo đuổi võ khí hạt nhân và Bình Nhưỡng tuyên bố có quyền làm như vậy vì mục đích tự vệ. Bình Nhưỡng tố cáo Washington trì hoãn giao dầu như đã hứa và ra lệnh cho cacd1 thanh sát viên quốc tế rời khỏi Triều Tiên trong khi nước này mở lại các cơ sở hạt nhân.

Theo Reuters

VOA Express

XS
SM
MD
LG