Đài Truyền Hình Việt Nam (VTV) vừa thông báo chính thức có bản quyền phát sóng World Cup 2018, giữa lúc tin đồn về những lùm xùm xung quanh chuyện “ém hàng” để đẩy giá quảng cáo vẫn chưa lắng xuống.
Trong buổi họp báo vào tối 8/6, đại diện VTV cho biết hợp đồng chính thức về bản quyền truyền thông Giải Vô địch Bóng đá thế gới World Cup 2018 đã được FIFA chấp thuận. Theo đó, hàng triệu fan hâm mộ bóng đá tại Việt Nam sẽ được theo dõi miễn phí giải đấu thể thao hấp dẫn nhất hành tinh này.
Thông tin về việc Việt Nam chưa có được bản quyền phát sóng World Cup đã khiến dư luận “sôi sục” suốt tuần qua. Lý do mà VTV đưa ra là vì chưa ngã giá được với công ty Infront Sports & Media (ISM), là đơn vị giữ nhiệm vụ phân phối bản quyền phát sóng 64 trận đấu ở World Cup tại khu vực châu Á. Theo lời người đại diện phát ngôn của VTV, ông Nguyễn Hà Nam, “giá cả mà ISM đưa ra là quá cao so với khả năng tài chính của VTV”.
Được biết, giá chào bán bản quyền phát sóng trọn gói 64 trận đấu mà ISM đưa ra lúc đầu là 15 triệu đôla, gấp đôi giá mua bản quyền mua World Cup 2014. Phía VTV nói chỉ có thể trả được 7-8 triệu đôla, đồng thời khẳng định trên báo chí rằng sẽ không cố mua bản quyền “bằng mọi giá”.
Cho đến tận sáng 8/6, tức chưa đầy 1 tuần là giải đấu khai mạc, đại diện của VTV vẫn khẳng định “chưa có thông tin về bản quyền”, khiến cho người hâm mộ Việt Nam càng thêm “đứng ngồi không yên”, theo báo Người Lao Động.
Một số nguồn tin tố cáo VTV cố ý ém bản quyền World Cup để “xem xét tình hình quảng cáo, tài trợ, đàm phán với các nhà đài”, theo báo Nhà Đầu Tư.
Tin đồn “ém bản quyền” cũng được một nguồn tin am tường về hậu trường thể thao Việt Nam xác nhận với VOA vào tối 8/6. Theo nguồn tin này, sở dĩ có việc “làm giá” là vì đây là một sự kiện “liên quan đến chuyện bỏ túi của rất nhiều người”.
Thông tin chính thức cho biết tập đoàn Vingroup đã “ra tay” vào phút chót với khoản tài trợ 5 triệu đôla để giúp cho VTV có được bản quyền phát sóng World Cup.
Phó chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Vingroup, ông Nguyễn Việt Quang, nói với VnExpress rằng việc tài trợ là phù hợp, nhất quán với sứ mệnh vì cộng đồng của tập đoàn. Ngoài số tiền 5 triệu đôla tài trợ, tập đoàn của tỉ phú đôla đầu tiên của Việt Nam còn chi thêm 1 triệu đôla để mua quảng cáo như các doanh nghiệp khác.
Theo tiết lộ của nguồn tin ẩn danh với VOA, ngoài Vingroup còn có một tập đoàn khác cũng thuộc hàng “ông lớn” hỗ trợ kinh phí cho VTV mua bản quyền World Cup.
Hiện số tiền chính thức chi cho thương vụ này chưa được tiết lộ. Năm 2014, Việt Nam chi 7 triệu đôla để mua bản quyền World Cup, năm 2010 là 2,7 triệu đôla và năm 2006 là 2 triệu đôla.
Bóng đá đang được xem là một trong những “mặt trận” tiêu cực đang bị nhắm tới với nhiều vụ bê bối lần lượt được phanh phui trên mặt báo.
Tuần trước, Phó Chủ tịch của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF), ông Nguyễn Xuân Gụ, đã chính thức gửi đơn xin từ chức vì lý do làm “ảnh hưởng đến uy tín và hình ảnh” của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam, sau khi ông này bị bắt gặp trong khách sạn với một phụ nữ trẻ. Vụ việc diễn ra ngay trước thềm bầu cử Ban chấp hành VFF khóa VIII.
Mới nhất là vào ngày 8/6, VFF cho biết đã phải nhờ Cục Cảnh sát Hình sự (C45), thuộc Bộ Công an, “vào cuộc” để điều tra sau khi nhận được công văn từ công ty cảnh báo cá cược quốc tế có trụ sở tại Thụy Sỹ Sportradar về 3 trận đấu vòng 6 hạng Nhất quốc gia 2018 có dấu hiệu bất thường, khi dòng tiền cá cược đổ về các trận đấu này tăng đột biến.
Dàn xếp tỷ số thường xảy ra tại Việt Nam trong các mùa giải bóng đá lớn, đặc biệt như World Cup, Sea Games…