Một thiên thạch đường kính trên 2 kilômét sẽ bay ngang gần trái đất vào ngày 29/4. Tuy nhiên các nhà khoa học tại cơ quan không gian Mỹ NASA nói vật thể này không đe dọa trái đất.
Thiên thạch có tên 1998 OR2, được đặt tên theo năm được phát hiện lần đầu tiên. Thiên thạch này sẽ bay cách trái đất một khoảng cách an toàn là 6,3 triệu kilômét, gấp 16 lần khoảng cách giữa trái đất và mặt trăng.
Các nhà khoa học nói theo tiêu chuẩn vũ trụ học, khoảng cách này được xếp hạng là vật thể “gần-trái đất” và đáng được theo dõi.
NASA xem những vật thể bay ngang trái đất trong phạm vi 48 triệu kilômét là vật thể “gần-trái đất”.
NASA có một văn phòng phối hợp bảo vệ hành tinh theo dõi những vật thể như vậy và xác định đường bay của chúng trong không gian.
Trong một cuộc phỏng vấn được đưa lên mạng của cơ quan, quản trị viên Paul Chodas của Trung tâm Nghiên cứu Vật thể Gần-Trái đất của NASA nói họ tin là trung tâm đã phát hiện vào theo dõi khoảng 90% những vật thể gần-trái đất có ít nhất 1 kilômét đường kính và có thể đe dọa trái đất.
Ông Chodas cho hay họ không phát hiện những vật thể nào có thể đe dọa trái đất nhưng Lindley Johnson, viên chức Bảo vệ Hành tinh của NASA, nói bất cứ vật thể nào lớn mà việc va vào trái đất có thể gây thiệt hại nghiêm trọng là rất hiếm—nhưng không tránh được.
Nếu một vật thể như vậy được xác nhận, các nhà khoa học nói có nhiều kế hoạch khác nhau để bảo vệ sớm hơn tùy theo thời gian.
Những kế hoạch này đi từ việc gởi một phi thuyền không gian để va vào nhằm chuyển hướng vật thể này sang một đường đi an toàn tránh trái đất, hay, nếu ít thời gian thì dùng vũ khí hạt nhân để phá vỡ hay tiêu hủy vật thể.