Trước tình hình Trung Quốc có hành động ngày càng bạo dạn và sẵn sàng chấp nhận rủi ro trên Biển Đông, một quan chức cấp cao Ngũ Giác Đài khẳng định quyết tâm của Washington giúp đỡ cho các nước trong khu vực đối phó với Bắc Kinh để bảo vệ trật tự dựa trên luật pháp.
Tuyên bố này được ông Ely Ratner, trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng phụ trách các vấn đề An ninh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, đưa ra tại hội thảo Biển Đông thường niên do Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) tổ chức ở thủ đô Washington hôm 26/7.
‘Ngày càng mạnh bạo’
Trong bài diễn văn chủ đề (keynote address) tại hội thảo, Tiến sỹ Ratner nói thẳng thừng rằng mối đe dọa đơn lẻ lớn nhất về an ninh cho khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương ‘đến từ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa’.
“Trong những năm qua Bắc Kinh đã tăng cường nỗ lực, nhất là để khẳng định quyền kiểm soát đối với vùng biển ngoại biên và để phá hoại những yếu tố chủ chốt của trật tự dựa trên luật lệ,” ông nói. “Chúng ta đã chứng kiến Bắc Kinh kết hợp sức mạnh quân sự ngày càng tăng của họ với sự sẵn lòng chấp nhận rủi ro nhiều hơn.”
Để minh chứng, ông đã chỉ ra những sự cố liên quan đến Giải phóng quân Trung Quốc (PLA) trên Biển Đông nhằm chặn tàu chiến và phi cơ của của Mỹ và của các đồng minh hoạt động trong khu vực, chẳng hạn như vụ chiến đấu cơ J-16 cắt ngang một phi cơ Úc đang có chuyến bay thường xuyên, hay một tàu hải quân Trung Quốc chiếu tia laser vào tàu chiến Úc gây nguy hiểm cho các thủy thủ trên tàu, hay tiếp cận phi cơ Mỹ ở khoảng cách rất gần...
Đối với các nước có tranh chấp trên Biển Đông, Bắc Kinh tiếp tục có những hành động ‘cưỡng ép’ như đe dọa tàu thăm dò dầu khí của Việt Nam hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế của nước này hồi tháng Năm, triển khai hàng chục máy bay quân sự vào không phận của Malaysia hay bắn vòi rồng để chặn tàu tiếp tế của Phillipines lên đường đến bãi Second Thomas Shoal (bãi Cỏ Mây) hồi năm ngoái…
“Bắc Kinh đang thử thách giới hạn lòng quyết tâm chung của chúng ta một cách có hệ thống và thúc đẩy hiện trạng mới ở Biển Đông vốn đánh thẳng vào quyết tâm của chúng ta là bảo vệ chủ quyền, tuân thủ luật pháp quốc tế và giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình,” ông Ratner nói.
Ông nói Bắc Kinh chỉ mới bắt đầu gia tăng sự hung hăng khoảng 5 năm trước đây (tức từ năm 2017), và ông nhận định rằng ‘đó không phải là sự cố riêng lẻ hay hành động cố tình của một phi công nào đó mà là xu hướng, chính sách rõ ràng của Bắc Kinh’.
“Nếu PLA tiếp tục kiểu hành xử như thế này, thì đó chỉ là vấn đề thời gian trước khi xảy ra sự cố lớn ở khu vực,” ông cảnh báo và lên án hành động của Bắc Kinh là ‘hung hăng, vô trách nhiệm’ và là ‘mối đe dọa trầm trọng cho hòa bình và ổn định khu vực’.
‘Không muốn đối đầu’
Ông nói những hành động của Trung Quốc cho thấy nước này muốn xây dựng một trật tự theo ý họ là ‘cái lý trong tay kẻ mạnh’ và ‘dùng bạo lực giải quyết tranh chấp’. “Do đó, chúng tôi ở Bộ Quốc phòng cũng như trong toàn bộ chính quyền Mỹ đều ý thức về thách thức này với sự khẩn trương cao độ,” ông cho biết.
“Từ quan điểm quốc phòng, yêu cầu là chúng ta cần phải thể hiện ý chí và năng lực để làm chùn bước sự hung hăng của Trung Quốc một cách đáng tin cậy,” vị quan chức này khẳng định.
Tuy nhiên, ông cũng nói rõ rằng Washington ‘không muốn đối đầu hay xung đột với Trung Quốc’ mà ưu tiên trước hết của Mỹ là ‘duy trì trật tự, hòa bình của khu vực vốn trải qua hàng chục năm’ nhưng ‘sẽ sẵn sàng chiến thắng nếu xung đột xảy ra’.
“Chúng tôi đang làm việc chặt chẽ với cả đối thủ và đối tác để thiết lập những hành lang bảo vệ,” ông cho biết. “Chúng tôi cũng tích cực tìm kênh thông tin mở với Bắc Kinh và với các lãnh đạo Quốc phòng Trung Quốc để đảm bảo rằng chúng tôi có thể tránh những tính toán sai.”
Ông nói trật tự quốc tế dựa trên luật pháp và giải quyết hòa bình các tranh chấp là ‘điều quan trọng cơ bản’ đối với Mỹ và đó là tầm nhìn mà Mỹ và các đồng minh trong khu vực và trên thế giới chia sẻ - tầm nhìn đó đối chọi với những gì mà Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa thể hiện ở Đối thoại An ninh Shangri-La mới đây ở Singapore.
Ông đề cao nguyên tắc bảo đảm chủ quyền của các nước, bất kể nước lớn hay nước nhỏ đều có thể bảo vệ lợi ích của mình, đưa ra quyết định của mình ở một khu vực mà ‘luật lệ và các chuẩn tắc được tôn trọng hết mực’.
Mặt khác, Ely Ratner thừa nhận các nước nhỏ trong khu vực mặc dù họ lo ngại về sự ức hiếp của Bắc Kinh hay trật tự khu vực do Bắc Kinh thiết lập nhưng ‘không nước nào muốn xung đột hay đối đầu với Trung Quốc hay muốn hy sinh mối quan hệ với Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa do mối quan hệ kinh tế, văn hóa và lịch sử chặt chẽ’. Điều này khác cơ bản với châu Âu nơi các nước đoàn kết đối đầu sự hung hăng của Nga trong một cấu trúc quân sự chung là NATO.
Vị quan chức quốc phòng này cho rằng Washington không tìm cách xây dựng một liên minh chống Trung Quốc như mô hình NATO. “Chúng tôi không yêu cầu các nước phải chọn phe.
Chúng tôi tôn trọng quan hệ của họ với Bắc Kinh. Chúng tôi chỉ muốn làm việc với họ để nâng cao khả năng họ bảo vệ lợi ích của mình và cùng nhau xây dựng tầm nhìn chung cho khu vực,” ông nói.
Quân sự chủ động
Để làm điều này, ông Ratner nói rằng ‘củng cố năng lực phòng vệ của các nước ở Biển Đông có tầm quan trọng trước hết đối với Bộ Quốc phòng Mỹ’ và Lầu Năm Góc đang ngày càng chủ động tìm kiếm các cách làm để thực hiện mục tiêu này.
Rút kinh nghiệm từ cuộc xung đột ở Ukraine, ông nói Mỹ không nhất thiết phải xây dựng lực lượng bằng vai phải vế với đối thủ vì ‘những nước nhỏ vẫn có thể qua mặt những kẻ xâm lược to lớn hơn thông qua đầu tư thông minh vào công nghệ phòng vệ, vũ khí chống phi cơ và các năng lực chống tiếp cận khác’.
Ông chỉ ra một lĩnh vực có tầm quan trọng đặc biệt đối với các đối tác của Mỹ trên Biển Đông là ‘chia sẻ thông tin’ mà ông cho là ‘sẽ định hình lại sân chơi Biển Đông một cách cơ bản’.
“Do đó, chúng tôi tăng cường nỗ lực xây dựng một bức tranh hoạt động chung với các đối tác để giúp họ nhận diện và đẩy lùi tốt hơn các hoạt động bất hợp pháp trong lãnh hải của họ,” ông cho biết và chỉ ra chương trình ‘Nhận dạng Vùng biển’ (Maritime Domain Awareness – tức MDA) mà Mỹ khởi động hồi tháng Năm trong khuôn khổ Bộ Tứ.
Chương trình MDA này cho phép Mỹ chia sẻ thông tin vệ tinh thời gian thực, xử lý nhanh chóng và phát tán thông tin qua các trung tâm thông tin khu vực ở Singapore, Ấn Độ Dương và các quốc đảo nam Thái Bình Dương.
Ông chỉ ra các nước trong khu vực không có năng lực MDA sẽ phải đi tuần tra vùng biển và vùng trời của họ ‘giống như xe cảnh sát đi tuần trong khu phố thay vì có thông tin trực tiếp là có tàu đánh bắt bất hợp pháp hay tàu hải cảnh bất hợp pháp đang hoạt động cùng với vị trí chính xác của nó’.
Khi công nghệ này kết hợp với trí tuệ nhân tạo thì nó sẽ ‘làm được những việc phi thường’, ông cho biết và nói thêm Mỹ sẽ trình bày về công nghệ MDA này với các đối tác trong khu vực vào tháng tới.
Bên cạnh đó, Washington cũng muốn xây dựng sự hiện diện chiến đấu chủ động đáng tin cậy trong khu vực, bao gồm tìm kiếm khu vực tiếp cận mới và cách thức hoạt động mới, trong đó xem khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương là ‘đấu trường hoạt động chính của Mỹ’.
Ông Ely Ratner cho biết Mỹ đã tăng cường mức độ phức tạp, quy mô và thời gian của các cuộc tập trận chung của Mỹ với các đối tác trong khu vực, và dẫn chứng cuộc tập trận thường niên Balikatan (tức Vai kề Vai) với Philippines và tập trận RIMPAC với 26 nước trong năm 2022 đều được thực hiện với quy mô lớn nhất từ trước đến giờ với hàng ngàn quân nhân tham gia, và cuộc tập trận Garuda với Indonesia vào tháng tới sẽ là lần đầu tiên có thêm nhiều nước tham gia như Anh, Úc, Nhật, Canada, Malaysia và Singapore.
“Trong khi chúng tôi củng cố vị trí của mình trong khu vực, chúng tôi sẽ không ngơi nghỉ trong cam kết sẽ tiếp tục đi vào vùng trời, vùng biển (của Biển Đông) và bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép,” ông nhấn mạnh.
Giúp đỡ đối tác
Một trong những ưu tiên của Mỹ trong việc đối phó với Trung Quốc là ‘xây dựng các liên minh và mối quan hệ đối tác có năng lực trong khu vực’. Năm đồng minh có hiệp ước với Washington trong khu vực là Thái Lan, Nhật, Hàn, Úc và Philippines tiếp tục ‘nằm ở trung tâm cách tiếp cận của chúng tôi’, ông nói.
Đối với Philippines, vốn ngả dần về Bắc Kinh dưới chính quyền của ông Rodrigo Duterte và vừa có chính quyền mới, ông nhấn mạnh các hiệp định về lực lượng viếng thăm (VFA) và hiệp định Tăng cường hợp tác Quốc phòng (EDCA) làm nền tảng cho hợp tác quân sự giữa hai nước.
“Để tôi lặp lại những gì mà Bộ trưởng Lloy Austin, Ngoại trưởng Anthony Blinken và các quan chức Mỹ đương nhiệm cũng như trước đây đã từng nói rằng: nếu xảy ra một cuộc tấn công vũ trang vào tàu hay máy bay của quân đội Philippines trên Biển Đông thì nó sẽ kích hoạt cam kết phòng vệ chung trong khuôn khổ Điều 4 của Hiệp ước Phòng vệ Tương hỗ (MDT),” ông Ely Ratner khẳng định.
Ông thừa nhận những vấn đề chính trị nội bộ của Manila dưới thời ông Duterte làm xáo trộn quan hệ đồng minh giữa hai nước nhưng mối quan hệ quân sự song phương vẫn được duy trì. “Có những người thật sự ủng hộ mối quan hệ đồng minh ở Philippines và cả ở những lãnh đạo cấp cao trong chính quyền,” ông cho biết.
Ngoài các đồng minh có hiệp ước, ông Ely Ratner chỉ ra mối quan hệ ‘ngày càng mạnh mẽ’ với các đối tác quan trọng khác trong khu vực như Singapore, Indonesia và Việt Nam.
“Chúng tôi đang tăng cường hơn nữa những nỗ lực đối phó với các hành động vùng xám (tức những hành động mơ hồ, không rõ ý định) của Bắc Kinh vốn ăn mòn những nền tảng của luật lệ và quy tắc quốc tế,” ông nói và cho biết Washington sẽ triển khai một tàu tuần duyên đến vùng biển đông nam Á và châu Đại dương để làm nhiệm vụ huấn luyện và tiếp nhận thủy thủ đoàn đa quốc gia ở khu vực.
Diễn đàn