Các đối tác xuyên Đại Tây Dương cho biết hôm thứ Sáu 25/3 rằng Hoa Kỳ sẽ làm việc để cung cấp 15 tỷ mét khối khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) cho Liên hiệp châu Âu trong năm nay để giúp họ đoạn tuyệt với nguồn cung cấp khí đốt của Nga.
EU đang nhắm mục tiêu cắt giảm 2/3 sự phụ thuộc vào khí đốt của Nga trong năm nay và chấm dứt mọi hoạt động nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch của Nga vào năm 2027 do cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine. Nga đáp ứng khoảng 40% nhu cầu khí đốt của châu Âu.
Các nhà máy LNG của Mỹ đang sản xuất hết công suất và các nhà phân tích cho rằng phần lớn lượng khí đốt bổ sung mà Mỹ chuyển đến châu Âu chắc hẳn sẽ chính là số hàng xuất khẩu mà lẽ ra phải được xuất đến nơi khác, và giá khí đốt ở châu Âu vốn đã cao sẽ còn phải tăng thêm nữa để chuyển hướng những lô hàng này đến khối EU gồm 27 quốc gia.
Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cũng đã công bố kế hoạch thành lập một tổ chuyên trách về việc giảm sự phụ thuộc của châu Âu vào nhiên liệu hóa thạch của Nga.
Ủy ban châu Âu cũng sẽ làm việc với các nước EU để đảm bảo họ có thể nhận được khoảng 50 tỷ mét khối LNG bổ sung cho đến ít nhất là năm 2030, một trang thông tin do Nhà Trắng cung cấp cho biết.
EU đã tăng cường nỗ lực để đảm bảo có thêm nhiều LNG hơn sau các cuộc đàm phán với các nước cung cấp, dẫn đến đợt giao hàng kỷ lục 10 tỷ mét khối LNG trên hơn 120 con tàu trong tháng 1.
Trong khi đó, Đức, nước nhập khẩu nhiều khí đốt nhất từ Nga trong số các nước EU, cho biết họ đã đạt được "tiến bộ đáng kể" trong việc giảm dần nhập khẩu khí đốt, dầu và than của Nga.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck cũng cho biết có thể phải tới tận mùa hè năm 2024, nền kinh tế lớn nhất châu Âu mới có thể “cai nghiện” khí đốt của Nga.
(Reuters)