Quân đội Mỹ sẽ rút hàng trăm binh sĩ đặc biệt phụ trách các hoạt động chống khủng bố tại châu Phi trong vài năm tới để hỗ trợ chính sách tăng cường tập trung chống lại những đe dọa từ Trung Quốc và Nga, các giới chức Mỹ cho biết hôm 15/11.
Đầu năm nay, quân đội Mỹ đặt nhiệm vụ chống Trung Quốc và Nga là trung tâm của một chiến lược quốc phòng mới. Đây là dấu hiệu mới nhất về việc chuyển trọng tâm ưu tiên sau hơn một thập niên rưỡi tập trung vào công tác chiến đấu chống các phần tử hiếu chiến Hồi Giáo.
“Dự án tái phối trí đặc biệt nhằm giảm các lực lượng vào khoảng 10% trong vài năm tới—đại diện một thành phần của hơn 7.200 nhân viên của Bộ Quốc phòng làm việc tại châu Phi,” phát ngôn viên Ngũ Giác Đài Trung tá Hải quân Candice Tresch nói với Reuters.
Bà Tresch nói việc cắt giảm này sẽ để nguyên các hoạt động “chống các tổ chức cực đoan bạo động” tại một vài nước, trong đó có Somalia, Djibouti và Libya.
Tại những phần khác trong vùng, kể cả Tây Phi, trọng tâm sẽ chuyển từ “trợ giúp chiến thuật sang, cố vấn, hỗ trợ, liên lạc và chia sẻ tình báo.”
Một giới chức Hoa Kỳ, phát biểu với điều kiện ẩn danh, nói việc giảm quân sẽ diễn ra trong vòng 3 năm và có thể bao gồm các quốc gia như Kenya, Cameroon và Mali.
Vai trò của quân đội Mỹ tại lục địa châu Phi đã nhận được sự chú ý ngày càng tăng sau một cuộc phục kích của một chi nhánh địa phương của Nhà nước Hồi Giáo tại Niger hồi năm ngoái làm cho 4 binh sĩ Mỹ thiệt mạng.
Hoa Kỳ quan ngại về một cuộc nổi dậy đang gia tăng tại Nga, vốn đang gia tăng sức mạnh tại những vùng tranh chấp như Ukraine và Syria. Ngũ Giác Đài cũng gia tăng chú trọng đến thái độ hung hăng ngày càng tăng của Trung Quốc tại những khu vực như Biển Đông.
Động thái của Ngũ Giác Đài diễn ra giữa lúc Trung Quốc và Nga tìm cách gia tăng ảnh hưởng tại châu Phi.
Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Liên bang Xô Viết đã có các mối quan hệ chặt chẽ về quân sự và ngoại giao với nhiều nước châu Phi. Nga hiện đang nỗ lực làm sống lại một số quan hệ đã mất sau khi Liên Xô sụp đổ.
Kể từ khi các nước phương Tây chế tài Nga vì sáp nhập Crimea trong năm 2014, Moscow đã ký 19 thỏa thuận hợp tác quân sự tại tiểu vùng Sahara, kể cả với Ethiopia, Nigeria và Zimbabwe, theo các bộ quốc phòng và ngoại giao cũng như truyền thông nhà nước của những quốc gia này.
Trung Quốc từ lâu đã có sự hiện diện về kinh tế quan trọng tại châu Phi, nhưng đã tránh liên hệ đến quân sự. Tuy nhiên, năm ngoái, Trung Quốc đi thêm một bước bằng cách mở căn cứ quân sự đầu tiên bên ngoài Trung Quốc tại Djibouti.