Trang bị bảo hộ cá nhân vốn khan hiếm trong những tuần lễ đầu của đại dịch COVID tại Mỹ nay lại sụt giảm giữa lúc virus corona tái tục lây lan nhanh chóng và số bệnh nhân nhập viện leo thang.
Công đoàn y tá quốc gia e ngại rằng phải tái sử dụng trang bị bảo hộ. Một hiệp hội các bác sĩ cảnh báo rằng các phòng mạch bác sĩ đã phải đóng cửa vì không có khẩu trang và các vật dụng bảo hộ khác. Các đảng viên Dân chủ trong Quốc hội đang thúc đẩy chính quyền Trump đưa ra chiến lược quốc gia để có được và phân phối trang bị bảo hộ trước dự đoán là cuộc khủng hoảng đang kéo dài tới mùa thu.
“Chúng ta bị dịch bệnh đã 5 tháng và tới nay vẫn còn thiếu áo choàng, mũ che tóc, bao che giày, khẩu trang, khẩu trang N95,” bà Deborah Burger, chủ tịch Hiệp hội Y tá Quốc gia, nhắc đến kết quả một cuộc khảo sát các thành viên của công đoàn y tá. “Họ vẫn tiếp tục phân phối, và chúng tôi vẫn tiếp tục được bảo là phải tái sử dụng các trang bị.”
Khi cuộc khủng hoảng bùng nổ đầu tiên tại những nơi như thành phố New York, tình hình tuyệt vọng đến nỗi các y tá phải biến các bao rác bằng plastic thành áo chòang bảo hộ. Thiếu trang bị buộc tiểu bang và các bệnh viện phải cạnh tranh với nhau, còn chính phủ liên bang và các nước thì lâm vào cuộc chiến mua bán gay go và đắt đỏ.
Nhìn chung, cung ứng về trang bị bảo hộ hiện dồi dào hơn trước, nhiều tiểu bang và những chuỗi bệnh viện lớn cho biết họ cũng ổn. Tuy nhiên, giới y khoa và một số nhà lập pháp nghi ngờ về những cải thiện này trong lúc tái xuất hiện sự thiếu hụt.
Hiệp hội Y khoa Mỹ gửi thư cho Cơ quan Quản trị Khẩn cấp Liên bang (FEMA), Phó Tổng thống Mike Pence và các nghị sĩ Quốc hội kêu gọi có chiến lược phối hợp quốc gia để mua và điều phối trang bị.
Tính đến ngày 10/6, FEMA đã phân phối hay chỉ thị các công ty tư phân phối hơn 74 triệu khẩu trang N95 và 66 triệu đôi găng tay, cùng với những trang bị khác. FEMA nói đang thay đổi phương pháp phân phối để gởi thêm trang bị cho những điểm nóng.
Nhiều tiểu bang cho biết cung cấp của liên bang chỉ chiếm một phần nhỏ trong kho của họ sau khi họ đã tiêu hàng triệu đô la để tự mua sắm trang bị.