Đường dẫn truy cập

Mỹ điều tra lốp xe nhập từ Việt Nam vì nghi ngờ bán phá giá


Mỹ nhập khẩu lốp xe từ Việt Nam trị giá khoảng 500 triệu USD vào năm ngoái. Bộ Thương mại Mỹ vừa mở cuộc điều tra chống bán phá giá đối với lốp xe nhập từ Việt Nam và 1 số quốc gia khác của châu Á. (Ảnh chụp màn hình Báo Đầu Tư)
Mỹ nhập khẩu lốp xe từ Việt Nam trị giá khoảng 500 triệu USD vào năm ngoái. Bộ Thương mại Mỹ vừa mở cuộc điều tra chống bán phá giá đối với lốp xe nhập từ Việt Nam và 1 số quốc gia khác của châu Á. (Ảnh chụp màn hình Báo Đầu Tư)

Bộ Thương mại Mỹ (DOC) hôm 23/6 thông báo mở cuộc điều tra chống bán phá giá với lốp xe nhập từ Việt Nam và 3 quốc gia khác của châu Á và xem liệu các nhà sản xuất ở Việt Nam có đang nhận trợ cấp không công bằng hay không.

Mặt hàng từ Việt Nam bị điều tra bán phá giá là lốp xe khách, xe tải hạng nhẹ, theo thông cáo báo chí đăng trên trang web của bộ. Cuộc điều tra được DOC khởi xướng trên cơ sở kiến nghị của Hiệp hội công nhân ngành thép Mỹ (USW), đại diện cho công nhân đang làm việc tại các nhà máy sản xuất lốp xe trên toàn Hoa Kỳ.

Sản phẩm lốp xe của Việt Nam bị cáo buộc bán phá giá 5-22%, theo DOC. Các cáo buộc còn cho biết biên độ phá giá của lốp nhập từ Thái Lan lớn nhất, 106-217,5%, kế đến là Đài Loan 21-116%, và Hàn Quốc 43-195%.

Một ngày sau khi DOC ra quyết định trên, đại diện Cục Phòng vệ Thương mại thuộc Bộ Công Thương Việt Nam hôm 24/6 cho biết, cơ quan này đang tích cực phối hợp, làm việc với các bộ, ngành, doanh nghiệp để cung cấp cho phía Mỹ những thông tin chính xác nhất về chính sách phát triển ngành cao su, về chi phí sản xuất, giá bán của doanh nghiệp...”

Bộ Công thương Việt Nam cho biết đã cảnh báo nguy cơ việc sản phẩm lốp xe sẽ bị nước ngoài điều tra áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại từ tháng 7/2019 với mức độ cao và đã làm việc với các Hiệp hội và doanh nghiệp xuất khẩu sang Mỹ nhằm chủ động nắm bắt thông tin và ứng phó trong trường hợp bị điều tra.

Năm ngoái, Mỹ nhập khẩu lượng lốp xe trị giá khoảng 4 tỷ USD từ 4 quốc gia nằm trong diện bị điều tra bán phá giá lần này, trong đó Việt Nam khoảng gần 500 triệu USD. Lượng nhập khẩu mặt hàng trên vào Mỹ tăng khoảng 20% so với năm 2017, sau khi căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc xảy ra.

DOC cho biết họ cũng sẽ tiến hành điều tra 20 chương trình trợ cấp ở Việt Nam, bao gồm cả các chương trình thuế, trợ cấp thay thế nhập khẩu và định giá thấp tiền tệ. Bộ Công thương Việt Nam nói họ sẽ phối hợp chặt chẽ với cơ quan có liên quan của Việt Nam để cung cấp các thông tin cần thiết cho phía Mỹ về các nội dung trợ cấp bao gồm cả vấn đề “định giá thấp tiền tệ” để Bộ Thương mại Mỹ có đầy đủ căn cứ, dữ liệu trước khi ban hành kết luận điều tra vụ việc.

Giữa tháng trước, DOC cũng đã khởi xướng một cuộc điều tra xem liệu các sản phẩm thép tấm không gỉ nhập từ Việt Nam có phải là thép Trung Quốc được gia công ở nước láng giềng Đông Nam Á để xuất sang Mỹ nhằm lẩn tránh thuế.

Hồi tháng 12 năm ngoái, DOC đã ban hành phán quyết về việc áp thuế lên tới hơn 456% đối với các sản phẩm thép nhập vào Hoa Kỳ từ Việt Nam có sử dụng nguyên liệu xuất xứ từ Hàn Quốc và Đài Loan.

Theo nhận định của Bộ Công thương Việt Nam, việc Bộ Thương mại Mỹ tự khởi xướng điều tra chống phá giá và chống trợ cấp sau 26 năm “thể hiện chính quyền mới của Hoa Kỳ đang quyết liệt đấu tranh chống lại các hành vi thương mại không công bằng, bảo vệ ngành sản xuất trong nước.”

VOA Express

XS
SM
MD
LG