Hội nghị thượng đỉnh các nước Châu Mỹ thường ít được giới truyền thông Mỹ chú ý. Nhưng năm nay tình hình đã khác đi, bởi vì không giống như những năm trước, năm nay Cuba được mời tham dự cuộc họp ở Panama trong hai ngày 10 và 11 tháng Tư. Các quan chức Mỹ nói Tổng thống Obama sẽ tiếp xúc với Chủ tịch Cuba Raul Castro lần đầu tiên, kể từ khi công bố các bước để bình thường hóa quan hệ Mỹ-Cuba. Thông tín viên đài VOA Luis Ramirez tường thuật từ Tòa Bạch Ốc.
Hội nghị thượng đỉnh Châu Mỹ mới đây nhất ở Cartagena, Colombia, năm 2012 được nhớ đến vì một vụ bê bối có liên quan đến các nhân viên mật vụ Mỹ và gái mại dâm.
Tâm điểm thu hút sự chú ý trong hội nghị năm nay sẽ là Cuba. Lần đầu tiên, một đoàn đại biểu Havana sẽ ngồi vào bàn hội nghị - điều mà Tổng thống Obama hoan nghênh sau khi ông công bố hồi tháng 12 năm ngoái, sẽ kết thúc việc cô lập Cuba trong hơn nửa thế kỷ qua.
"Thay đổi trong chính sách Cuba của chúng ta diễn ra tại một thời điểm có đổi mới trong giới lãnh đạo các nước Châu Mỹ. Tháng Tư này, chúng tôi đã sẵn sàng để đón nhận Cuba tham dự Hội nghị thượng đỉnh các nước Châu Mỹ, cùng các quốc gia khác ở bán cầu này."
Qua việc chào mừng Cuba, Hoa Kỳ hy vọng có thể đổi mới vai trò lãnh đạo của Mỹ ở Châu Mỹ Latinh - một vai trò đã bị suy yếu do điều mà các nhà phân tích cho là tình trạng suy yếu kinh tế của Mỹ và các mối quan hệ mỗi ngày một tăng của khu vực này với Trung Quốc và các nước khác.
Việc Hoa Kỳ cô lập hoá nước cộng sản Cuba đã là một vấn đề đối với các chính phủ Châu Mỹ Latinh trong nhiều năm qua. Tại hội nghị thượng đỉnh ở Cartagena, các nhà lãnh đạo trong vùng đã phản đối việc Washington loại trừ chính quyền La Havana ra khỏi các cuộc họp này.
Ông Michael Shifter, thuộc Tổ chức Đối thoại toàn Châu Mỹ ở Washington, nói rằng việc mời Cuba là một cử chỉ có ý nghĩa đáng kể.
"Hành động đó mang ý nghĩa tượng trưng rất lớn trong vòng 50 năm trở lại đây, trong bối cảnh đất nước này đã bị Hoa Kỳ cô lập, phải chịu sức ép của Mỹ và không được đối xử như một quốc gia có chủ quyền. Vì vậy, đối với Châu Mỹ Latinh, đây là điều vô cùng quan trọng."
Nhưng những người chống đối việc Mỹ xích lại gần Cuba, mô tả sự hiện diện của Cuba tại hội nghị Châu Mỹ là một bước thụt lùi đối với các lý tưởng dân chủ trong khu vực – ngay cả trong một khối bao gồm các nền dân chủ không hoàn hảo như Venezuela chẳng hạn.
Ông Frank Calzón, thuộc Trung tâm vì một Cuba Tự do tại Washington, nói rằng Cuba đã không thực thi những cải cách dân chủ và - không như Venezuela - không có một chính quyền do dân bầu lên.
"Có một sự khác biệt giữa một nền dân chủ không toàn hảo có những hành động vi phạm nhân quyền với một chế độ độc tài toàn trị có những luật lệ mà trong thực tế, tước đoạt các quyền con người, dựa trên chính luật pháp của mình."
Sự hiện diện của Cuba tại hội nghị thượng đỉnh ở Panama phần lớn sẽ mang tính cách tượng trưng. Washington vẫn ghi tên Cuba trên danh sách các nước bảo trợ cho khủng bố. Ông Wayne Smith, một nhà ngoại giao hồi hưu từng làm việc tại nơi trước đây là Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Cuba, và sau đó tại văn phòng đặc trách các vấn đề Cuba ở Mỹ, nói rằng điều đó cần thay đổi trước khi Cuba có thể được coi là một nước có đủ tư cách hội viên.
"Cuba có thể đến dự hội nghị thượng đỉnh Châu Mỹ, nhưng nếu chúng ta đạt được các thỏa thuận tại hội nghị mà tất cả các nước thành viên khác sẽ phải thi hành, tôi không chắc là Cuba và Hoa Kỳ sẽ phải làm sao. Có thể sẽ đạt được các hiệp định mà Mỹ không thể cùng tham gia với Cuba. "
Tổng thống Obama muốn xoá tên Cuba ra khỏi danh sách các nước bảo trợ cho khủng bố, nhưng vẫn chưa chính thức loan báo việc này.
Các chuyên gia nói sự hiện diện của Cuba tại bàn hội nghị ở Panama là một bước quan trọng– dù chỉ có tính cách tượng trưng, trên con đường dài hướng tới việc bình thường hóa hoàn toàn các mối quan hệ với nước này.