Đường dẫn truy cập

Myanmar tuột hạng trên danh sách các nước cần theo dõi về buôn người


Di dân ngồi trên thuyền chờ được giải cứu ngoài khơi Đông Aceh, Indonesia, 20/5/2015. (Ảnh tư liệu)
Di dân ngồi trên thuyền chờ được giải cứu ngoài khơi Đông Aceh, Indonesia, 20/5/2015. (Ảnh tư liệu)

Các giới chức chính phủ Myanmar, các nhà lập pháp và giới hoạt động nhân quyền nói rằng nước này cần tăng cường nỗ lực chống buôn người, sau quyết định mới đây của Hoa Kỳ đặt Myanmar vào danh sách các quốc gia tồi tệ nhất trên thế giới về nạn buôn người và cưỡng bức lao động.

Hiện vẫn chưa rõ làm cách nào chính phủ dân chủ mới của Myanmar có thể giải quyết các vấn đề này, trong bối cảnh quân đội có nhiều quyền thế của Myanmar tiếp tục kiểm soát các cơ quan thực thi pháp luật, trong khi các chỉ huy của quân đội bị cáo buộc là chịu trách nhiệm về các hành vi vi phạm cụ thể về buôn người, chẳng hạn như tuyển mộ trẻ em vào lính.

Một số người cũng đặt nghi vấn về liệu quyết định của Bộ Ngoại giao Mỹ hạ thứ hạng Myanmar xuống cấp 3 về tệ buôn người hồi đầu tháng này có hoàn toàn hợp lý hay không.

Ông Zaw Htay, một phát ngôn viên của Liên minh Dân chủ Toàn quốc (NLD), nói với Đài VOA: "Hoa Kỳ cần hiểu rằng tình hình đã không trở nên tệ hại hơn, và chưa kể chúng tôi đã khiếu nại về quyết định liệt Myanmar vào cấp hai trong danh sách các nước cần theo dõi về buôn người rồi".

Ông lập luận rằng Myanmar đã bị xuống cấp đơn giản chỉ vì nước ông không thể bị xếp trên danh sách cấp hai các nước cần theo dõi quá bốn năm, vốn là thời gian tối đa.

Ông nói. "Các dự án chống nạn buôn người của chúng tôi sẽ được đẩy mạnh trong những năm tới. Chúng tôi đang nghiên cứu khuyến nghị của phúc trình. Chúng tôi tự tin rằng chúng tôi sẽ được đưa ra khỏi danh sách cấp 3".

Ông gạt sang bên các câu hỏi về liệu chính phủ có sẽ khuyến khích quân đội chủ động đấu tranh chống nạn buôn người hay không.

Mỹ ghi danh Myanmar vào danh sách cấp 3 cần được theo dõi, có nghĩa là nước này không thoả đáng “các tiêu chuẩn tối thiểu” hầu giảm thiểu các hoạt động buôn người, và “không có các nỗ lực đáng kể để thực hiện mục tiêu đó”. Động thái này có thể dẫn tới chỗ hạn chế viện trợ của Mỹ cho Myanmar.

Quyết định tụt hạng Myanmar xuống cấp 3 được dựa trên thành tích hồi năm ngoái của chính quyền dân sự được quân đội hậu thuẫn, thế nhưng nó lại được đưa ra trong những tháng đầu tiên của chính phủ Liên minh Dân chủ Toàn quốc (NLD) và tăng sức ép đối với cả tân chính phủ lẫn quân đội Myanmar.

NLD sẵn sàng, nhưng bị trói tay

Phúc trình của Bộ Ngoại giao Mỹ nói quân đội Myanmar cưỡng bức lao động thường dân ở các khu vực có xung đột sắc tộc và tiếp tục tuyển mộ trẻ em nhập ngũ, mặc dù một chương trình được Liên Hiệp Quốc hậu thuẫn đang giảm bớt hành vi này.

Phúc trình này còn nói rằng chính quyền Myanmar không tích cực chống nạn buôn người trong nước để bắt lao động mà nạn nhân bao gồm đàn ông, phụ nữ và trẻ em, và cũng không chủ động chống các hoạt đông buôn người sang Thái Lan và Trung Quốc để lao động hoặc hoạt động mãi dâm.

Hành động ngược đãi của chính phủ đối với người Hồi giáo Rohingya ở bang Rakhine đã khiến hàng ngàn người bỏ chạy sang Thái Lan hoặc Malaysia trên tàu của những kẻ buôn người, tại các nước này, họ dễ trở thành nạn nhân của các hoạt động buôn người, theo ghi nhận của phúc trình.

Ông Win Myint Aung, một giới chức Uỷ ban Hạ viện về Dân chủ và Nhân quyền của NLD thừa nhận rằng nạn buôn người rất phổ biến và cho rằng các nguyên nhân gốc rễ của nó là nghèo túng, bất ổn và tham nhũng – hậu quả của nhiều thập kỷ Myanmar nằm dưới quyền cai trị của chế độ quân sự.

Ông nói tuy nhiên, vấn đề này không tệ như Hoa Kỳ mô tả, ông nói chính phủ vẫn có thể kiểm soát tình hình. Ông nói tất cả mọi người cần dồn nỗ lực để ra khỏi danh sách cấp 3.

Ông nói tiếp: "Chính phủ phải tiến hành các chương trình giáo dục công chúng về nạn buôn người và điều thiết yếu là các cơ quan chính phủ phải hợp tác với nhau. Các chính phủ tiền nhiệm không mấy hiệu quả trong các khía cạnh đó."

Nhưng ông nói thêm rằng chính phủ sẽ không gây áp lực với quân đội về các vấn đề nội bộ của họ, chẳng hạn tuyển mộ trẻ em vào lính.

Cảnh sát cần có hành động cứng rắn hơn

Ông Khin Maung Myint, một nghị sĩ đảng NLD tại Thượng viện đến từ bang Kachin, nói đảng của ông muốn cảnh sát hành động cứng rắn hơn chống các hoạt động buôn người xuyên biên giới mà nạn nhân là phụ nữ nghèo từ miền bắc Myanmar bị buôn sang Trung Quốc lấy nông dân nước này.

Chính phủ dưới quyền Liên minh Dân chủ Toàn quốc (NLD) và lãnh đạo trên thực tế của Myanmar, Uỷ viên Quốc vụ viện Aung San Suu Kyi, phải đối mặt với những sự chỉ trích nặng nề của quốc tế vì đã không cải thiện được tình hình.

Địa chính trị vẫn chi phối phúc trình về buôn người
please wait

No media source currently available

0:00 0:01:31 0:00

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG