Từ một đề nghị với nhiều tình huống bất ngờ từ chính quyền, một nhà dòng ở tâm dịch Bắc Giang đã không những đồng ý hiến toàn bộ khu vực nhà trẻ để làm khu cách ly cho những người nhiễm và nghi nhiễm COVID-19 mà còn tự biến mình thành “những người phục vụ tuyến đầu” phục vụ người cách ly trong nụ cười và tình yêu.
Từ đề nghị bất ngờ…
Kể với VOA về nguyên nhân ra đời khu cách ly đặc biệt, sơ Maria Lương Thị Hồng, Tổng phụ trách Hội Dòng Đức Mẹ Hiệp Nhất ở thôn Đạo Ngạn 2, xã Quang Châu, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang – một trong những tâm dịch lớn nhất Việt Nam trong đợt dịch bắt đầu từ tháng 4 – cho biết Hội Dòng nhận được lời đề nghị từ các lãnh đạo chính quyền địa phương xin cho phép sử dụng cơ sở.
“Khi ở trong tâm dịch như thế này, họ cũng chia sẻ là hầu như các cơ sở của nhà nước đã gần đầy và xin các sơ giúp để có một cơ sở cho các anh chị em công nhân, những người có khả năng nhiễm cao hoặc thuộc dạng F1, F2 có một nơi cách ly để cho xã hội tốt hơn”.
Không chần chừ lâu trước đề nghị trên, Hội Dòng đồng ý ngay để chính quyền mượn ngôi trường làm khu vực cách ly COVID-19.
Tuy nhiên, đề nghị không dừng lại ở đó…
“Chúng em cũng nghĩ rằng có thể mình sẽ bị ảnh hưởng bởi nó [nhà trẻ] nằm ngay sát nhau, chỉ cách một hàng rào kẽm mỏng manh. Đầu tiên họ đến yêu cầu, chúng em nghĩ rằng nhân viên phục vụ cho khu cách ly là của nhà nước mang về. Chúng em nghĩ thế nên nghĩ là mức độ ảnh hưởng không lớn lắm. Ít ra thì nó cũng là nơi tách biệt chứ không có chung với sinh hoạt của nhà dòng. Thế nên khi họ đưa ý kiến đó thì chúng em cũng rất thoải mái cho mượn [cơ sở] và cho đi thăm hết một lượt”.
“Rồi họ cũng chỉ nói một câu rất nhẹ nhàng là ‘Thế thì xin các sơ phục vụ đi’. Lúc đó, theo bản tính con người tự nhiên, chúng em nói rằng ‘Làm sao chúng em có thể phục vụ được bởi vì cái này cần phải có chuyên môn một chút’. Rồi họ không trao đổi gì thêm nữa…”, sơ Hồng kể lại với VOA.
Đến khi đi họp cùng với các chị em phụ trách về y tế và nhà trẻ, người đứng đầu Hội Dòng mới biết rằng chính quyền đã nhờ Hội Dòng lo toàn bộ cả cơ sở cách ly lẫn người phụ trách y tế và người phục vụ cho những người đến cách ly.
“Tại vì ở đây chúng em cũng có một bệnh xá và họ điều hành theo hàng dọc của bên y tế. Cho nên họ liên hệ với chị trưởng bên y tế nên em cũng không biết”, sơ Hồng chia sẻ.
Tuy nhiên, “khi biết được như vậy thì cũng nghĩ là người ta đã phải nhờ đến mình thì có nghĩa là người ta cũng không có nhiều người lắm vì có quá nhiều điểm, như anh ấy chia sẻ là có tới hơn 30 điểm tập trung như thế nên cũng cạn kiệt nhân lực nên xin các sơ giúp luôn”.
Và “Khu vực cách ly y tế” mới với đầy hình ảnh ngộ nghĩnh, dễ thương của trẻ em mầm non đã ra đời vào giữa tháng 5, khi Bắc Giang bắt đầu trở thành tâm dịch lớn nhất cả nước, khi có những ngày phát hiện đến 300, 400 ca nhiễm COVID-19.
… đến phục vụ trong niềm vui và tình yêu
Ở cạnh và trực tiếp phục vụ những người cách ly từ phòng ốc cho đến ăn uống, đo thân nhiệt và những nhu cầu khác, các sơ Hội Dòng Đức Mẹ Hiệp Nhất có dịp chứng kiến những mảnh đời nhọc nhằn của các công nhân. Và từ đó, mọi e ngại ban đầu đối với cơn dịch bệnh đang giết chết hàng triệu người bỗng biến mất, mà chỉ còn lại tình “thương” và tinh thần “lăn xả vào phục vụ”, như lời sơ Hồng kể với VOA.
“Không đi thì thôi, như lúc mới, nói đến thì cũng có vẻ e ngại. Nhưng khi chị em đã vào guồng rồi thì chỉ có thương những người ở đó thôi, và lăn xả vào phục vụ chứ chị em không thấy sợ nữa. Cũng có những người muốn [các sơ] đánh tháo, rút, để cho các sơ không phải làm việc nữa và để nhà nước phải đưa nhân viên y tế của nhà nước đến. Người ta nói như vậy, nhưng khi hỏi ý kiến của chị em thì chị em nói là chị em có thể làm được, và rất vui khi phục vụ cho họ trong những lúc khó khăn như thế”, sơ Hồng chia sẻ.
Người phụ trách Hội Dòng Đức Mẹ Hiệp Nhất cho biết hầu hết người đến cách ly tại cơ sở của Hội Dòng là công nhân làm cho các khu công nghiệp.
“Thực ra là cũng rất nguy hiểm. Bởi vì các bạn này trước khi đến đây là đã làm xét nghiệm. Trong khi chờ đợi kết quả xét nghiệm thì đã tập trung. Sau khi tập trung khoảng 2, 3 hôm thì mới báo kết quả. Báo ai thì người đó phải đi. Người ta sẽ đón đi. Trong thời gian chờ đợi thì người ta đã ở trong phòng chung trong phòng vài ngày rồi nên nguy cơ lây chéo rất cao”.
Theo lời sơ Hồng, các công nhân đến cách ly được xếp 8 người vào một phòng có diện tích khoảng 50 m2.
“Khi ở chung như vậy thì nguy cơ lây chéo nhiều. Sau khoảng 4, 5 ngày thì có phòng 7 bạn thì có đến 5 bạn dương tính”, sơ Hồng cho biết.
Càng tiếp xúc với công nhân, các sơ Hội Dòng Đức Mẹ Hiệp Nhất càng thấy thương họ hơn và càng thấy có nhiều việc có thể làm để giúp đỡ phần nào cho những mảnh đời ấy.
“Trong cái nắng tháng 5 của miền bắc, sau khi đã cân đối số thực phẩm nhận được, chị em đã lên đường đi tới các điểm nhận thực phẩm tại các thôn trong xã Quang Châu. Trên đường đi không thấy nhiều bóng người, các cửa nhà đều đóng kín... Với chiếc xe tải nhỏ, chị em đã vận chuyển gần hết số thực phẩm tới tay bà con. Đi nhận thuốc, đồ dùng y tế và vận chuyển đến cho khu cách ly tại trường mầm non…”, trang “nhật ký” của Hội Dòng viết vào một ngày cuối tháng 5.
“6 xe tải, gần 14 tấn thực phẩm, chuyển xuống trong vòng 20 phút... đúng là sức mạnh của lòng mến…”
Việc phân phối thực phẩm trợ giúp phát sinh sau khi các sơ được biết đến hoàn cảnh bế tắc của nhiều công nhân khi họ bị cách ly tại chỗ, không rơi vào diện F1 để đến các khu cách ly.
“Có nhiều bạn nói rằng [dịch] bùng nổ nhanh và đột ngột nên các bạn không chuẩn bị được gì cả, thậm chí là lương còn chưa có. Cho nên khi bị đóng băng trong khu nhà trọ, có bạn đến nay là một tuần chỉ ăn mì tôm”.
Mặc dù trong khu vực cũng có các tổ chức thiện nguyện của người Công giáo như tổ chức Caritas giúp đỡ, nhưng theo lời sơ Maria Lương Thị Hồng, “nhiều bạn không liên kết được, nhất là những bạn không phải là người Công giáo thì không biết kêu ai”.
Nhờ những người quen giới thiệu, một số công nhân biết đến nguồn trợ giúp từ Hội Dòng nên đã gọi đến và Hội Dòng “lại sắp xếp cho người để đưa đến tận nơi cho các bạn”.
“Có trường hợp hai mẹ con một bạn đang cách ly ở đây. Bạn ấy nói là ‘nhà con có 5 người bị hết, bây giờ đi cách ly. Mà đợt này đi cách ly không giống như trước nữa, mà phải đóng tiền ăn, tiền xét nghiệm các thứ, cho nên nhà con giờ trong tài khoản không còn một đồng nào nữa. Xin các sơ có ai giúp cho con một ít’. Đấy là trước khi mà bạn ấy rời khỏi đây, bạn ấy bị dương tính rồi, bạn ấy chia sẻ như vậy, nên chúng em cũng cố gắng giúp, thực sự là không được nhiều, nhưng để bạn ấy có đồng tiền trong túi để khi cần phải chi tiêu gì cần thiết thì có mà sử dụng. Nói chung họ thực sự khó khăn”, sơ Hồng chia sẻ.
Kể từ khi tham gia chống dịch, các sơ Hội Dòng Đức Mẹ Hiệp Nhất cho biết cứ mỗi khi nhận tin có người “dương tính” là “nhiều chị em mất ngủ… hướng về khu cách ly bên trường…”
Vì “ở bên đó, có các chị em khác vẫn thức để chăm sóc bệnh nhân, để đồng hành, trấn an họ…”. Bên đó, có các sơ đang ngày đêm lặng lẽ phục vụ 3 bữa cơm đúng giờ cho gần 200 người của khu cách ly và nhà dòng, chỉ để “mong mọi người ăn ngon, giữ gìn sức khỏe và tinh thần thật tốt để vượt thắng khó khăn” và “thắng con virus”…
Tính đến ngày 21/6, tổng số người bị lây nhiễm COVID-19 trong cộng đồng tại Việt Nam kể từ ngày 27/4, ngày bắt đầu đợt dịch mới nhất, là gần 10.000 người. Trong đó, Bắc Giang có số người nhiễm cao nhất, với 5.411 người. Kế đó là TPHCM với 1.651 người và Bắc Ninh là 1.529 người.