Tổng thư ký NATO đã bác bỏ kế hoạch 7 bước của Tổng thống Nga Vladimir Putin nhằm chấm dứt giao tranh ở miền đông Ukraine, vào lúc các nhà lãnh đạo liên minh tề tựu ở Anh Quốc dự hội nghị thượng đỉnh đầu tiên từ 2 năm nay. Từ Newport, Wales, thông tín viên VOA Al Pessin gửi về bài tường thuật sau đây.
Tổng thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen nhạo đề nghị của ông Putin là “cái gọi là kế hoạch hoà bình.” Ông nói, điều quan trọng là những gì đang xảy diễn trên thực địa ở miền đông Ukraine, nơi phương Tây nói binh sĩ Nga đang chiến đấu cùng với các phần tử đòi ly khai chống lại quân đội Ukraine, một lời tố cáo mà Nga phủ nhận.
“Chúng tôi tiếp tục kêu gọi Nga rút quân ra khỏi biên giới Ukraine, ngưng luồng vũ khí và chiến binh đổ vào Ukraine và tham gia vào một tiến trình chính trị xây dựng. Đó mới là một nỗ lực thực sự để tạo điều kiện thuận lợi cho một giải pháp chính trị.”
Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko sẽ họp với các nhà lãnh đạo NATO trong ngày hôm nay, và ông Rasmussen cho biết liên minh sẽ đưa ra một tuyên cáo chung về vụ khủng hoảng, và đồng ý về điều ông gọi là “những biện pháp cụ thể” để tăng cường hợp tác với Ukraine.
NATO cũng dự định thiết lập một khả năng phản ứng nhanh để tăng cường sự hiện diện quân sự tại các quốc gia thành viên gần với Nga, và để ngăn chặn, và nếu cần đáp lại, bất kỳ hành động quân sự nào của Nga ở các khu vực đó.
Tổng thư ký Rasmussen nói các nhà lãnh đạo NATO cũng sẽ thảo luận về sự trỗi dậy của nhóm chủ chiến Nhà nước Hồi giáo ở Iraq và Syria, nhưng ngay lúc này ông nói việc giải quyết vấn đề tuỳ thuộc vào từng nước thành viên. Ông nói NATO sẽ cứu xét một cách nghiêm túc mọi yêu cầu của chính phủ Iraq để nối lại một sứ mạng huấn luyện đã kết thúc cách đây 2 năm, nhưng chưa nhận được lời yêu cầu nào. Ông Rasmussen hoan nghênh hành động đơn phương của nhiều nước đồng minh, trong đó có việc Hoa Kỳ oanh kích các lực lượng Nhà nước Hồi giáo và việc nhiều nước thả dù đồ cứu trợ nhân đạo.
Các nhà lãnh đạo NATO cũng sẽ hội ý về Afghanistan, nơi sứ mạng tác chiến của họ sẽ chấm dứt vào tháng 12 năm nay và họ hy vọng sẽ khởi động một sứ mạng cố vấn và huấn luyện vào năm tới. Họ đang chờ kết quả cuộc bầu cử tổng thống đang gây tranh chấp ở Afghanistan để ký thoả thuận.
Ông Rasmussen mô tả đây là “một cuộc họp thượng đỉnh cấp thiết vào một thời điểm cấp thiết,” và là một trong những cuộc họp quan trọng nhất trong lịch sử liên minh.
Nhưng các chuyên gia cho rằng NATO đang cảm thấy bị hạn chế một cách rất khó chịu trong những gì liên minh có thể làm được để đương đầu với “môi trường an ninh đã thay đổi một cách đáng kể.” Liên minh không muốn can dự vào một cuộc chiến tranh lớn, và nhiều nước thành viên đang phải đối mặt với những khó khăn kinh tế và sự nghi ngờ của công chúng, một tình trạng đã dẫn tới mức chi giảm sút về quốc phòng.
Tại Viện Chatham House, bà Xenia Wickett nói các nhà lãnh đạo cần phải thực hiện những thay đổi sách lược tại hội nghị thượng đỉnh lần này, và thuyết phục dân chúng ủng hộ.
“Có nguy cơ là cuộc họp thượng đỉnh rồi ra sẽ chỉ có tác dụng như dập tắt những đám cháy, thay vì là một hội nghị thượng đỉnh về sách lược bàn về hướng đi của NATO. Vì thế một trong những điều mà tôi sẽ trông đợi là hội nghị thượng đỉnh có một khung đã định và nhìn xa hơn để tiến tới một triển vọng mang tính sách lược hơn về đường hướng của NATO.”
Đó vẫn từng là một câu hỏi được đưa ra hàng năm cho liên minh kể từ thời Chiến tranh Lạnh. Nay, câu hỏi lại được đặt ra một lần nữa để đáp lại với những nguy cơ mới, trong đó có một mối phát xuất từ các đối thủ cũ của liên minh ở Moscow.