Đường dẫn truy cập

Ngành dệt may Việt Nam lo khó đạt được mục tiêu xuất khẩu năm 2021


Công nhân may Việt Nam.
Công nhân may Việt Nam.

Cổng thông tin chính phủ Việt Nam (VGP News) hôm 5/10 dẫn tin từ Hiệp hội Dệt may Việt Nam nói rằng mục tiêu năm 2021 đạt 39 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu như năm 2019 “sẽ rất khó khăn, ngay cả khi hoạt động sản xuất đang từng bước được khôi phục từ tháng 10/2021”.

Hiệp hội Dệt may Việt Nam được trích lời nói rằng với kịch bản kém tích cực nhất khi không kiểm soát được dịch bệnh, tiếp tục phong tỏa, giãn cách đến đầu tháng 12/2021, xuất khẩu dệt may sẽ chỉ đạt 33,5 - 34 tỷ USD.

VGP News đưa tin rằng quý I năm 2021, ngay từ đầu năm, ngành dệt may đã “có nhiều tín hiệu tốt” khi đa số doanh nghiệp đều ký được đơn hàng đến hết quý III, thậm chí hết năm 2021 do nhiều thị trường lớn như Mỹ, EU và Trung Quốc nới lỏng giãn cách, tăng nhu cầu hàng tiêu dùng.

Tuy nhiên, Cổng thông tin chính phủ cho biết rằng từ đầu quý III đến nay “là thời gian rất khó khăn với các doanh nghiệp dệt may do diễn biến dịch bệnh kéo dài tại TP HCM và các tỉnh phía nam”.

VGP News đưa tin rằng nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa, ngừng sản xuất, sản xuất cầm chừng, không thực hiện được đơn hàng, giao hàng chậm và thậm chí bị đối tác hủy đơn hàng.

Trang tin của chính phủ Việt Nam dẫn số liệu của Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết rằng xuất khẩu hàng dệt may tháng 8 giảm 15,9% so với tháng 7/2021 và giảm 2,63% so với tháng 8/2020; xuất khẩu tháng 9 đạt 3 tỷ USD, tiếp tục giảm 9,2% so với tháng 8/2021 và giảm 10,5% so với tháng 9/2020.

VGP News đưa tin rằng việc phục hồi sản xuất sau dịch COVID-19, nhất là sau đợt bùng phát dịch kể từ tháng Tư, “luôn là nỗi lo lắng của các doanh nghiệp, đặc biệt với khối dệt may, da giày khi hoạt động sản xuất phụ thuộc vào hàng trăm nghìn lao động” và giải pháp là phải “giữ chân người lao động, quan tâm đến những người đã và đang gắn bó và trên hết là thuyết phục người lao động trở lại với công việc”.

Như VOA tiếng Việt đã đưa tin, 7 doanh nghiệp ở Tiền Giang thuộc Hiệp hội Dệt may Việt Nam tháng trước gửi thư lên Thủ tướng đề nghị hỗ trợ và ưu tiên tiêm vắc xin cho công nhân để có thể quay trở lại hoạt động, giữa bối cảnh hầu hết các khách hàng đã hủy đơn hàng khiến nhiều doanh nghiệp đang đứng trước nguy cơ phá sản.

Theo Reuters, Việt Nam là một trong những nước sản xuất hàng may mặc lớn nhất thế giới, cung cấp cho các thương hiệu như Zara, Ralph Lauren, North Face, Lacoste và Nike.

Hãng tin này dẫn số liệu của chính phủ Việt Nam cho biết rằng Việt Nam có hơn 6 nghìn nhà máy dệt may với khoảng 3 triệu công nhân.

VOA Express

XS
SM
MD
LG