Đường dẫn truy cập

Người Mỹ có nên đeo khẩu trang để chống dịch lây lan?


Một người Mỹ đeo khẩu trang trước một cửa tiệm ở thành phố New York, tâm dịch Covid-19 ở Mỹ
Một người Mỹ đeo khẩu trang trước một cửa tiệm ở thành phố New York, tâm dịch Covid-19 ở Mỹ

Đeo khẩu trang rộng rãi nơi công cộng không có tác dụng chống sự lây lan của dịch Covid-19 vào lúc này mà chỉ những người bệnh hay bị nghi ngờ nhiễm bệnh mới cần đeo, một bác sỹ gốc Việt ở tiểu bang Virginia cho biết.

Trong lúc này, Trung tâm Phòng chống Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) đang xem xét liệu có nên khuyến nghị người dân đeo khẩu trang rộng rãi để tránh lây lan virus corona hay không đặc biệt khi mà dịch bệnh này ngày càng hoành hành dữ dội ở Mỹ.

Đeo hay không đeo khẩu trang là một vấn đề hiện rất gây tranh cãi. Trong khi các nước châu Á như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Việt Nam, người dân đeo khẩu trang rộng rãi để phòng dịch thì tại các nước châu Âu và Mỹ, nhà chức trách lại khuyến nghị là khẩu trang chỉ dành cho người có bệnh và những người phải chăm sóc, chữa trị cho họ, còn người khỏe mạnh thì không cần đeo.

Mỹ đang cân nhắc

Trong cuộc họp báo của Nhà Trắng hôm 31/3, khi được hỏi liệu mọi người có nên đeo khẩu trang vải hay không, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho rằng đó là ‘điều có thể được thảo luận’.

Hiện giờ vẫn chưa có sự đồng thuận về việc liệu đeo khẩu trang rộng rãi có tạo ra khác biệt đáng kể hay không, và một số chuyên gia bệnh truyền nhiễm lo ngại rằng khẩu trang có thể dẫn dụ mọi người vào cảm giác an toàn mà trở nên lơ là hơn về việc giữ khoảng cách xã hội.

Tuy nhiên, trong những ngày gần đây, ngày càng có nhiều người Mỹ đã đeo khẩu trang, mặc dù đeo hay không đeo vẫn là lựa chọn cá nhân. Chính quyền Mỹ không khuyến nghị nên đeo khẩu trang.

Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) đang xem xét thay đổi hướng dẫn chính thức để khuyến khích mọi người thực hiện các biện pháp che mặt giữa đại dịch Covid-19, tờ Washington Post dẫn lời một quan chức liên bang cho biết với điều kiện ẩn danh vì đây cuộc thảo luận nội bộ vẫn đang diễn ra và vẫn chưa có gì được quyết định.

Theo lời quan chức này thì hướng dẫn mới sẽ nói rõ rằng công chúng không nên sử dụng khẩu trang y tế - bao gồm cả khẩu trang phẫu thuật và khẩu trang N95 - vốn đang thiếu hụt trầm trọng và rất cần cho các nhân viên y tế.

Thay vào đó, khuyến nghị đang được xem xét kêu gọi người dân dùng khẩu trang vải tự may, Washington Post dẫn nguồn từ một quan chức CDC ẩn danh khác cho biết. Đó cũng ‘là một cách để giúp kéo thẳng đường đồ thị dựng đứng về số ca nhiễm’, theo vị quan chức này, và có thể giúp giảm nguy cơ lan truyền virus.

Bay trong không khí?

Trao đổi với VOA, bác sỹ Trần Văn Sáng, chuyên khoa nội thương ở tiểu bang Virginia, người có kinh nghiệm lâu năm về chăm sóc sức khỏe cộng đồng, nhấn mạnh rằng mục đích của khẩu trang là ‘bảo vệ cho người chữa bệnh và người săn sóc bệnh nhân và để giữ cho người bệnh không phát tán virus ra ngoài khi ho hay hắt hơi’.

“Chưa có khuyến cáo của CDC về việc người dân ra đường phải đeo khẩu trang,” bác sỹ Sáng nhấn mạnh. “Giá trị khoa học của việc mang khẩu trang ra đường chưa được xác nhận.”

“Nếu đi ra đường, công viên mà không có người nào khác ở đó thì giá trị của khẩu trang hầu như không có,” ông giải thích. “Vậy thì nó bảo vệ được gì? Virus không bay trong không khí để tìm người chui vô.”

Theo phân tích của bác sỹ Sáng, con đường dễ bị lây virus corona nhất là qua chạm tay vào các bề mặt rồi đưa tay lên mắt, mũi, miệng. “Các giọt bắn (khi ho ra) sẽ bay trong không khí và rơi xuống mặt đất, mặt bàn và tất cả những bề mặt gì mà nó có thể bám được và có thể tồn tại trên đó đến 24 tiếng đồng hồ,” ông nói.

Ông cho rằng việc virus này có lơ lửng trong không khí để từ đó có khả năng lây qua đường mắt, mũi, miệng nếu không đeo khẩu trang hay không thì các nhà khoa học vẫn chưa làm sáng tỏ.

“Trong không khí vẫn có virus. Nó bay trong không khí sau khi bị bắn ra. Nhưng nó sẽ bay trong bao lâu rồi bám vào bề mặt hay là nó tiếp tục bay trong không khí thì vẫn chưa có chứng minh về khoa học,” ông nói và cho rằng cho đến nay khoa học chỉ chứng minh là virus corona bay ra không khí rồi rơi xuống các bề mặt.

Cho nên, theo lời ông, việc đeo khẩu trang ra đường để đi dạo, hít thở không khí trong lành hay khi đang lái xe ‘không có giá trị gì hết’. “Không cần thiết lúc nào cũng phải đeo khẩu trang,” ông dẫn giải.

‘Chỉ cần giữ khoảng cách’

Khi được hỏi trong tình hình dịch bệnh lan rộng như hiện nay liệu có nên mang khẩu trang, vị bác sỹ này cho rằng CDC đã có khuyến nghị không tụ tập quá 10 người vào một chỗ.

“Quan trọng nhất là nên cách nhau 6 feet (tức khoảng 2 mét),” ông nói. “Nếu có người nhiễm bệnh nhưng chưa phát thì ngoại trừ đứng gần trực tiếp, nói chuyện mặt đối mặt thì nước bọt của họ mới có thể bắn qua lây cho mình.”

Do đó, ông cho rằng một khi đã không tụ tập đông người và giữ khoảng cách 2 mét thì không có lý do gì đeo thêm khẩu trang.

“Khẩu trang chỉ giúp mọi người cảm thấy an toàn thôi chứ không có cơ sở khoa học,” ông nói.

“Trong phòng khám có rất nhiều người bệnh có thể mang vi trùng nhưng không có nghĩa là người thầy thuốc khám cho họ bị lây ngay lập tức. Ngoại trừ tiếp xúc gần gũi hay khám bệnh xong mà không rửa tay, thì xác xuất lây nhiễm bệnh là không có,” ông nói thêm.

Tuy nhiên, bác sỹ này khuyến cáo là ‘những người nào nghi ngờ là đang mắc bệnh thì nên mang khẩu trang’

“Chẳng hạn như trong nhà mình có người bị ho, bị cảm. Mình không biết rõ họ bị bệnh gì thì nên bắt họ mang khẩu trang để tránh giọt bắn ra không khí. Còn nếu họ không chịu mang thì mình phải mang để bảo vệ mình,” ông nói.

“Chính phủ đã không cho đi ra ngoài. Trường học, quán ăn, tụ điểm công cộng đã đóng cửa. Vì vậy, chúng ta chỉ có gần người thân trong gia đình. Nếu như thấy rủi ro thì đeo khẩu trang,” ông nói thêm và cho rằng ‘đây là lựa chọn của từng cá nhân’.

“Những người nghi ngờ mang mầm bệnh như đi từ vùng dịch về, đi du lịch nhiều nơi thì cần ý thức là họ có thể là nguồn bệnh và nên mang khẩu trang, cách ly và khám bệnh,” bác sỹ Sáng nhấn mạnh.

Ngoài ra, ông cũng cho rằng tại những siêu thị vốn thuộc dạng dịch vụ thiết yếu vẫn phải mở cửa cho người dân, các nhân viên ‘phải đeo khẩu trang’ vì ‘họ tiếp xúc với nhiều người nhưng không thể duy trì khoảng cách xã hội được, do phải tính tiền và phải nói chuyện với khách hàng’.

Trong khi dân chúng Mỹ chưa mang khẩu trang đại trà, người dân tại các nước châu Á lúc này đã mang khẩu trang trong mọi sinh hoạt xã hội. “Mỗi quốc gia phải quyết định theo tình huống của mình, chứ không thể áp dụng chung cho quốc gia khác,” bác sỹ Sáng bình luận về việc Mỹ và các nước châu Âu có nên học theo châu Á là đeo khẩu trang bắt buộc hay không.

“Việc đeo khẩu trang chỉ áp dụng trong những thành phố thật là đông, số người thật là đông mà họ không tránh được, chứ áp dụng bắt buộc cho tất cả mọi người đi ra đường thì hơi mạnh,” ông nói. “Đối với những người sống ở môi trường không có khả năng bị lây nhiễm chẳng hạn như ở làng quê thì lại khác.”

Gây thiếu hụt?

Trong những ngày gần đây, một nhóm các nhà khoa học, chuyên gia y tế, học giả và người có ảnh hưởng đã cất lên tiếng nói mạnh mẽ rằng những ai mạo hiểm đến những nơi công cộng hoặc nơi đông đúc nên đeo khẩu trang - thậm chí chỉ là khẩu trang tự chế - để giảm tốc độ lan truyền bệnh Covid- 19.

Ông Thomas Inglesby, giám đốc Trung tâm An ninh Y tế Johns Hopkins, được Washington Post dẫn lời nói rằng CDC nên khuyến khích mọi người đeo khẩu trang.

“Tôi nghĩ rằng đó là một bước thận trọng mà tất cả chúng ta có thể thực hiện để giảm lây truyền bởi những người nhiễm bệnh không có triệu chứng,” ông nói. Tuy nhiên, những khẩu trang tự làm ở nhà này ‘không hoàn hảo và không nên được sử dụng như một cái cớ để không giữ khoảng cách xã hội’, ông lưu ý.

Scott Gottlieb, tác giả chính của kế hoạch ứng phó với đại dịch do viện nghiên cứu American Enterprise công bố hôm 29/3, nói trên chương trình ‘Face the Nation’ của kênh CBS rằng khẩu trang tự chế hay thậm chí là khẩu trang phẫu thuật không ‘giúp bảo vệ khỏi bị nhiễm virus’ nhưng nó có thể hạn chế lượng giọt li ti phát ra từ người đeo khẩu trang.

Tuy nhiên, các chuyên gia y tế quan ngại rằng nếu ai cũng tìm khẩu trang sẽ làm cạn kiệt nguồn cung hạn chế.

Ngoài ra, khẩu trang cũng có thể bị nhiễm virus, không được giặt hoặc xử lý đúng cách, dẫn đến lây lan virus.

“Do sự thiếu hụt trang thiết bị bảo hộ cho đội ngũ nhân viên y tế, sẽ là vô trách nhiệm nếu ai đó đề xuất tất cả chúng ta nên đeo khẩu trang, do đó giảm nguồn cung cho các y tá và bác sĩ vốn phải điều trị bệnh nhân có triệu chứng nhưng không được đứng cách xa 6 feet,” bà Ilhem Messaoudi, nhà dịch tễ học tại Đại học California, Irvine, viết trong một email.

Trong một bài viết gần đây đăng trên tạp chí y khoa Lancet, các tác giả ủng hộ việc đeo khẩu trang trong trường hợp đi đến những khu vực có nguy cơ bị lây bệnh cao.

“Bằng chứng cho thấy Covid-19 có thể lây lan trước khi khởi phát triệu chứng, cho nên lây lan trong cộng đồng có thể giảm nếu tất cả mọi người, kể cả những người bị nhiễm bệnh nhưng không có triệu chứng, đeo khẩu trang,” bài báo viết.

VOA Express

XS
SM
MD
LG