Nạn tin giả và thuyết âm mưu hoành hành trong cộng đồng người gốc Việt ở Mỹ vì họ muốn có chỗ dựa để nuôi dưỡng hy vọng và một phần do ‘dân trí thấp’ nên họ dễ bị các nguồn tin giả thao túng, một chuyên gia theo dõi và nghiên cứu vấn đề này nói với VOA.
Kể từ cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ hồi năm ngoái, trên các trang mạng xã hội Facebook, Youtube của người Việt và ngay cả trên một số phương tiện truyền thông, báo chí địa phương của người Việt đã tràn ngập những thông tin thất thiệt, những thuyết âm mưu về bầu cử mà tất cả sau đó đều bị chứng tỏ là sai.
Những tin giả kiểu như có xe tải chở đến phòng phiếu hàng triệu lá phiếu ma, quân đội Mỹ đột kích thu giữ máy chủ của hãng kiểm phiếu Dominion Voting ở Đức, ông Donald Trump sẽ ban hành thiết quân luật để bắt giữ hết Đảng Dân chủ, Tối cao Pháp viện sẽ phán quyết cho ông Trump thắng, phó Tổng thống Mike Pence sẽ trao chiến thắng cho ông Trump, chiếc laptop bị đánh cắp của bà Nancy Pelosi bị quân đội thu giữ để tìm bằng chứng phản quốc, bà Pelosi bị bắt ở biên giới Canada…thu hút không ít người gốc Việt tin theo.
Mới đây nhất, QAnon, tổ chức cực hữu ủng hộ cựu Tổng thống Donald Trump chuyên tung thuyết âm mưu, còn đưa tin Tổng thống Joe Biden hiện chỉ là ‘thế thân’ của ông Trump và ông Trump sẽ trở lại Nhà Trắng vào ngày 4/3.
Âm mưu của Nga?
Trao đổi với VOA, ông Trần Nhật Bảo, một chuyên gia về tội phạm học từng giảng dạy về hình sự và tội phạm tại các đại học Mỹ, cho biết sở dĩ tin giả hoành hành ở Mỹ ngày nay là ‘kết quả của một hành động chuyên nghiệp chứ không phải ngẫu nhiên’.
“Đó là kế hoạch phát tán thông tin giả quy mô có tổ chức, có chủ đích, có sự điều khiển của những người rất có chuyên môn kể từ năm 2015 (tức trước cuộc bầu cử tổng thống năm 2016),” ông Bảo nói với VOA từ thành phố Garden Grove, Quận Cam, bang California.
“Họ dùng mạng xã hội định hướng dư luận cho mưu đồ của họ,” ông Bảo, vốn là cộng tác viên cho tạp chí hình sự của Liên Hiệp Quốc, nói thêm và cho rằng rất nhiều người gốc Việt ở Mỹ ‘đã trở thành nạn nhân’ và ‘vẫn tiếp tục bị dắt mũi từ năm 2015 cho đến nay’.
Ông chỉ ra thủ phạm là cơ quan tình báo Nga KGB vốn đã bị FBI, Bộ Tư pháp Mỹ chỉ đích danh là ‘đã tìm cách can thiệp vào bầu cử và nội tình nước Mỹ’.
Ông Bảo cho biết ông đã theo dõi hoạt động của KGB trên mạng xã hội nhiều năm và ‘thấy sự phá hoại nước Mỹ của họ rất rõ ràng’.
“Cách dễ dàng nhất, rẻ tiền nhất để phá rối hay tháo dỡ những định chế về luật pháp và dân chủ của nước Mỹ là thông qua chiến dịch gây nhiễu thông tin,” ông Bảo phân tích. “Mà trên phương diện tuyên truyền thì không ai bằng họ, Mỹ còn thua xa.”
“Họ đã tạo ra hơn 300.000 tài khoản giả trên Facebook, ảnh hưởng đến 87 triệu tài khoản, trong số đó có rất nhiều người Việt Nam,” ông nói và cho biết ông đã truy lùng nhiều tài khoản tung tin giả và thấy chúng xuất phát từ thủ đô Sofia của Bulgaria, nơi có rất đông kiều dân Nga.
Sau khi cơ quan chức năng Mỹ vào cuộc thì hiện giờ ‘KGB đã rút lui vào hoạt động âm thầm và chỉ còn những cơ sở hạ tầng tung tin giả bên Mỹ vốn tồn tại ngay từ đầu vẫn tiếp tục hoạt động’, cũng theo lời nhà tội phạm học này.
Nghe tin giả để nuôi hy vọng?
Mặc dù tin giả ảnh hưởng đến một bộ phận người Mỹ nói chung, nhưng tác động của nó đối với cộng đồng người gốc Việt nặng nề hơn ‘một phần là vì nhận thức kém’, ông nói và cho biết chiến dịch ‘disinformation’, tức tung tin giả này, chỉ nhằm vào một số đối tượng đã được chọn trước, chẳng hạn như ‘dân trí thấp’.
Giải thích về chứng nghiện và tin tin giả của một bộ phận người gốc Việt ở Mỹ, ông Bảo nói: “Đa số người Việt Nam mất quê hương và ra đi trong hoàn cảnh đau buồn nên họ cần một sự hy vọng để một ngày nào đó họ có thể trở về quê hương trong vinh quang.”
Chính những nguồn tin giả đã cho họ hy vọng đó nên họ đã bám vào, cũng theo lời ông Bảo. Theo ông, họ tin rằng ông Donald Trump sẽ giúp họ đem lại tự do dân chủ cho Việt Nam và rằng ông Trump sẽ ‘tiêu diệt Đảng Cộng sản Trung Quốc’.
Cũng theo lời ông thì không nhất thiết họ tin vào tin giả nhưng họ vẫn tiếp tục nghe và xem tin giả ‘để tìm niềm vui’ và ‘riết trở thành một thói quen không dứt ra được’.
“Hy vọng đó gần như là nguồn sống duy nhất của họ. Họ tìm kiếm, mong mỏi, chờ đợi những loại tin giả đó để tạo cho họ niềm vui tâm lý,” ông nói.
Một thủ đoạn mà những người tung tin giả hay dùng là ‘tạo ra một ngày tháng nào đó để nuôi hy vọng, để hướng mọi sự chú ý của người ta đến ngày đó (chẳng hạn như ông Trump sẽ trở lại làm Tổng thống vào ngày 4/3), để kiểm soát suy nghĩ của người nghe tin giả’.
Chừng đến khi sự kiện đó không xảy ra thì họ ‘lại đưa ra một số lý do tại sao và lại tiếp tục đưa ra một ngày tháng khác để người ta tiếp tục hy vọng’.
Về lý do tại sao những người bị gạt lại vẫn tiếp tục tin hết lần này đến lần khác, ông Bảo nói: “Khi họ đã tin vào ai đó thì họ sẽ tin vào tất cả những gì người đó nói.”
‘Những kẻ lợi dụng’
Ông Bảo cũng lên án một số người Việt trong cộng đồng đã lợi dụng sự lan tràn của tin giả và sự thiếu hiểu biết của một bộ phận đồng hương để tiếp tay tung tin giả mà mục đích chỉ là ‘kiếm tiền trên mạng xã hội’.
“Một số YouTuber gốc Việt có mưu đồ tiền bạc. Họ sẵn sàng lợi dụng người Việt làm nạn nhân của họ để phát triển lượng khán giả của mình,” ông chỉ ra.
Do đó, những người Việt say mê tin giả trở thành nạn nhân cho những YouTuber làm giàu, theo lời ông. “Tự do truyền thông bị lợi dụng, mạng xã hội rất mạnh còn chính quyền thì bất lực trước tin giả,” ông nói và khuyến nghị truyền thông chính thống phải ‘mở rộng, chia sẻ, lan tỏa nhiều hơn để giúp họ thoát ra khỏi sự kiềm kẹp của tin giả’.
Theo lời ông thì đại đa số giới trẻ gốc Việt và những người Việt có học hành đàng hoàng, biết tiếng Anh ‘không tin vào tin giả’.
Làm sao khắc phục?
Về hậu quả của tin giả đối với người tiếp nhận, ông viện dẫn một số người vì quá tin vào tin giả (chẳng hạn như ‘bầu cử có gian lận’) nên khi đối diện với sự thật ‘họ sẽ trở nên quá khích, bạo động như vụ tấn công vào Điện Capitol ngày 6/1’.
Để khắc phục tình trạng này, ông Bảo cho rằng ‘một khi họ đã mù quáng nghe tin giả rồi thì chỉ trích họ chỉ càng làm cho họ rời xa thông tin chính thống’.
Tuy nhiên, ông dự đoán chỉ trong vòng một năm nữa các tin giả ở Mỹ ‘sẽ không còn đất sống’ vì khi mong mãi vào những điều hoang đường mà vẫn không thấy xảy ra thì đến lúc nào đó ‘họ sẽ phải chấp nhận thực tế’.
“Lúc đó những YouTuber kiếm tiền từ tin giả sẽ không còn người xem nữa,” ông nói.
Ông cho rằng ‘luật pháp Mỹ cũng rất đau đầu với vấn nạn tin giả’ vì ‘không thể nào có các biện pháp kiểm duyệt hay chế tài’ và nói đó là ‘điểm yếu của xã hội và luật pháp Mỹ’.
Nếu không chế tài được thì chỉ có thể hy vọng những biện pháp dân sự như vụ kiện của hãng Dominion Votings nhằm vào Fox News về tin ‘gian lận bầu cử’ có thể giúp hạn chế tin giả, ông Bảo nói thêm.
‘Biết đâu được thời gian tới sẽ sáng tỏ?’
Trao đổi với VOA, ông Vũ Hoàng Hải, một cựu tù nhân chính trị ở Việt Nam hiện lưu vong ở Mỹ và ủng hộ ông Trump nhiệt thành, nói ông ‘có nghe rất nhiều về việc ông Trump sẽ trở lại nắm quyền vào ngày 4/3’ nhưng ông ‘không tin’.
Theo lời ông thì nhiều bạn bè ông là nhà tranh đấu ở trong nước ‘gọi điện sang hỏi rất nhiều có phải ông Trump sắp trở lại Nhà Trắng không?’ “Có anh em ở trên kia (Washington D.C.) cho tôi biết là có dấu hiệu xe cảnh sát ở lại để bảo vệ thủ đô và ngày mai có thể có vấn đề trao quyền lực cho ông Trump,” ông Hải cho biết.
Ông Hải cho biết trong kỳ bầu cử vừa qua, ông ‘thu thập tất cả các nguồn tin từ cực hữu, cực tả, trung dung’ và ‘sàng lọc bằng cách kiểm chứng với các nguồn tin nội bộ, tin hành lang…’
Trong khi các đài như Fox News và Newsmax đang đối mặt với các vụ kiện vu khống về gian lận bầu cử, ông Hải nói ông ‘vẫn tin vào sự thật gian lận bầu cử’ và không cho rằng các đài đó đã đưa tin sai.
“Bây giờ chưa sáng tỏ được, nhưng biết đâu được thời gian tới sẽ sáng tỏ,” ông nói.
Ngay cả thuyết âm mưu về việc máy chủ của Dominion Votings bị lính Mỹ đột kích và tịch thu ở Đức, ông Hải nói ông vẫn ‘theo dõi thông tin này’ chứ không cho rằng đó là tin thất thiệt. “Đến giờ vẫn chưa có đài báo nào nói chính xác việc này cả,” ông lý giải.
Ông Hải từng tin vào thuyết âm mưu rằng phó Tổng thống Mike Pence khi đó sẽ quyết định cách đếm phiếu đại cử tri để trao chiến thắng cho ông Donald Trump trong phiên họp Quốc hội ngày 6/1, nhưng sau khi ông Pence bác bỏ thì ông Hải nghĩ việc đó sẽ không xảy ra.
Ông Hải cho biết đã bỏ theo dõi tin tức từ truyền thông dòng chính của Mỹ và hiện giờ chỉ xem mỗi kênh Newsmax vì ‘tất cả hãng truyền thông của Mỹ đều có làm ăn và đầu tư ở thị trường Trung Quốc nên họ đều muốn ông Biden thắng để duy trì việc làm ăn này’.
Về lý do ông vẫn tin Newsmaxx mặc dù những tin đài này đưa sau đó đều chứng tỏ là không đúng, ông Hải lập luận rằng ông nhìn vào thực tế là ‘ông Biden không có ai ủng hộ’. “Nếu ông Biden thực sự có 81 triệu phiếu bầu thì ông ra đường phải có đông đảo người dân đổ xô ra ủng hộ chứ,” ông lập luận.
Về các YouTuber đưa tin gốc Việt, ông Hải nói ông ‘đều nghe hết’ rồi ‘tổng hợp lại’.
“Hoa Kỳ là một nước tự do dân chủ. Mỗi người đều có nhận định riêng của mình về vấn đề gì đó. Tôi tôn trọng tất cả ý kiến,” ông nói.