Đường dẫn truy cập

Nga phàn nàn về việc Thổ Nhĩ Kỳ bán máy bay không người lái cho Ukraine


Ukraine sở hữu nhiều máy bay không người lái Bayraktar do Thổ Nhĩ Kỳ (ảnh tư liệu, tháng 8/2021).
Ukraine sở hữu nhiều máy bay không người lái Bayraktar do Thổ Nhĩ Kỳ (ảnh tư liệu, tháng 8/2021).

Nga đã phàn nàn với Thổ Nhĩ Kỳ về việc nước này bán máy bay vũ trang không người lái Bayraktar TB2 cho Ukraine, một quan chức cấp cao của Thổ Nhĩ Kỳ cho biết hôm thứ Sáu 8/4, nhưng vị này nói thêm rằng một công ty tư nhân của Thổ Nhĩ Kỳ đã bán chứ không phải là giao dịch giữa hai nhà nước.

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã điều quân xâm lược Ukraine vào ngày 24/2 và ông ta gọi đó là "chiến dịch quân sự đặc biệt" nhằm phi quân sự hóa và "phi quốc xã hóa" Ukraine. Kyiv và phương Tây cho rằng ông Putin đã phát động một cuộc chiến tranh xâm lược vô cớ.

"Người Nga khó chịu và thỉnh thoảng họ lại phàn nàn về vụ bán máy bay không người lái. Họ đã từng phàn nàn và bây giờ họ vẫn đang phàn nàn", quan chức Thổ Nghĩ Kỳ cho biết tại một cuộc họp với truyền thông nước ngoài.

"Nhưng chúng tôi đã đưa ra câu trả lời rằng đây là các công ty tư nhân và việc mua máy bay không người lái này cũng đã được thực hiện trước chiến tranh", vẫn lời vị quan chức.

Thổ Nhĩ Kỳ đã xây dựng mối quan hệ chặt chẽ với Nga về năng lượng, quốc phòng và thương mại, và phụ thuộc rất nhiều vào khách du lịch Nga. Công ty hàng quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Baykar đã bán máy bay không người lái cho Kyiv bất chấp sự phản đối của Nga và ký một thỏa thuận hợp tác sản xuất thêm nữa trước khi xảy ra cuộc xâm lược, khiến Moscow tức giận.

Thổ Nhĩ Kỳ, nước thành viên NATO, có chung đường biên giới trên biển với Ukraine và Nga ở Biển Đen, có quan hệ tốt với cả hai nước và đóng vai trò hòa giải trong cuộc xung đột. Thổ Nhĩ Kỳ đã tổ chức các cuộc đàm phán hòa bình và đang thu xếp cho cuộc gặp giữa hai tổng thống Ukraine và Nga.

Tuy ủng hộ Ukraine và chỉ trích hành động xâm lược của Nga, song Thổ Nhĩ Kỳ cũng phản đối các biện pháp trừng phạt trên diện rộng của phương Tây đối với Moscow, nói rằng các kênh liên lạc cần phải để ngỏ và Thổ Nhĩ Kỳ nghi ngờ về tính hiệu quả của các biện pháp này.

Ankara cũng phản đối các chính sách của Nga ở Syria và Libya, cũng như việc sáp nhập Crimea vào năm 2014.

Sau cuộc đàm phán hòa bình giữa các nhà đàm phán ở Istanbul vào tuần trước, Ukraine đã liệt kê một số quốc gia, bao gồm cả Thổ Nhĩ Kỳ và các thành viên của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, là những nước có thể bảo đảm an ninh cho Kyiv. Vị quan chức Thổ Nhĩ Kỳ cho biết một số quốc gia được Ukraine nêu tên sẽ đối mặt với "các vấn đề pháp lý" khi họ giữ tư cách là nước bảo đảm an ninh, song vị quan chức không đi vào chi tiết.

Thổ Nhĩ Kỳ cho biết rằng về mặt nguyên tắc, họ sẵn sàng trở thành nước bảo đảm an ninh cho Ukraine, nhưng còn cần phải hoàn thiện các chi tiết của khuôn khổ này.

(Reuters)

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG