Nga điều lính dù đến Kazakhstan hôm thứ Năm 6/1 để giúp dập tắt một cuộc nổi dậy trên toàn quốc sau khi bạo lực chết chóc lan rộng khắp đất nước thuộc Liên Xô cũ vốn bị nhà nước kiểm soát chặt chẽ.
Cảnh sát cho biết họ đã giết chết hàng chục người nổi loạn ở thành phố lớn Almaty của đất nước vùng Trung Á. Truyền hình nhà nước cho hay 13 nhân viên thuộc lực lượng an ninh đã chết, trong đó có hai người được tìm thấy trong tình trạng bị chặt đầu.
Các nhà báo của Reuters cho biết một dinh thự của tổng thống và văn phòng thị trưởng trong thành phố đều bốc cháy dữ dội. Đến chiều 6/1, sân bay của thành phố từng bị những người biểu tình chiếm giữ trước đó đã hoàn toàn nằm dưới sự kiểm soát của các quân nhân. Có nhiều xe cộ bị cháy nằm ngổn ngang trên đường phố.
Trước đó, cũng trong ngày 6/1, một số xe bọc thép chở quân và nhiều binh sĩ đã tiến vào quảng trường chính của Almaty, và người ta có thể nghe thấy tiếng súng khi các binh lính tiếp cận đám đông, phóng viên Reuters đưa tin từ hiện trường. Sau đó, quảng trường có vẻ yên bình, có khoảng 200-300 người biểu tình vẫn tụ tập và không thấy có binh lính xung quanh đó.
Internet đã bị cắt trên toàn quốc và rất khó có thể xác định mức độ bạo lực đạt đến mức nào. Nhưng đây là tình trạng bất ổn chưa từng có đối với Kazakhstan, vốn được cai trị một cách chặt chẽ từ thời Liên Xô dưới tay nhà lãnh đạo Nursultan Nazarbayev, 81 tuổi, người vẫn nắm quyền chỉ đạo dù đã từ chức tổng thống cách đây 3 năm.
Người kế nhiệm được ông Nazarbayev lựa chọn kỹ là Tổng thống Kassym-Jomart Tokayev đã nhanh chóng cầu viện các lực lượng từ đồng minh là Nga, trong khuôn khổ một khối liên minh quân sự do Moscow đứng đầu gồm các quốc gia thuộc Liên Xô cũ.
Cuộc nổi dậy, bắt đầu từ các cuộc biểu tình ở miền tây đất nước chống lại việc tăng giá nhiên liệu vào ngày đầu năm mới, đã bùng lên mạnh mẽ trên diện rộng hôm 5/1, khi những người biểu tình xông vào đốt phá các tòa nhà công cộng ở Almaty và các thành phố khác. Họ hô vang khẩu hiệu đả đảo ông Nazarbayev, và ít nhất có một lần họ đã quấn dây quanh bức tượng đồng của ông ta, cố giật đổ nó.
Sự xuất hiện nhanh chóng của quân Nga thể hiện chiến lược của Điện Kremlin về triển khai nhanh chóng lực lượng nhằm bảo vệ vùng ảnh hưởng của mình ở Liên Xô cũ.
Các nước phương Tây đã kêu gọi các bên giữ bình tĩnh. Nước láng giềng Trung Quốc gọi sự kiện này là vấn đề nội bộ của Kazakhstan.
Kazakhstan là nước sản xuất uranium hàng đầu trên toàn cầu, và tình trạng bất ổn đã khiến giá của thứ kim loại dùng cho các nhà máy điện hạt nhân tăng 8%.
Nước này cũng là nơi “đào mỏ” bitcoin lớn thứ hai thế giới sau Hoa Kỳ.
(Reuters)