Đường dẫn truy cập

Ngoại giao cây tre: Vì sao chiến lược cân bằng trong quan hệ với các siêu cường của Việt Nam có thể không bền vững


Tổng bí thư Việt Nam Nguyễn Phú Trọng tiếp đón Tổng thống Mỹ Joe Biden (ảnh trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (ảnh phải) trong năm nay khi cả Washington và Bắc Kinh đểu muốn tăng cường quan hệ với Hà Nội.
Tổng bí thư Việt Nam Nguyễn Phú Trọng tiếp đón Tổng thống Mỹ Joe Biden (ảnh trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (ảnh phải) trong năm nay khi cả Washington và Bắc Kinh đểu muốn tăng cường quan hệ với Hà Nội.

Việt Nam muốn ‘vững chắc’ mà ‘uyển chuyển’ trong thế giới ngày càng ‘phức tạp, khó lường’

Trong năm qua, Việt Nam là quốc gia duy nhất trên thế giới tiếp đón Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, nguyên thủ của hai siêu cường mạnh nhất đang cạnh tranh gay gắt.

Trong chuyến thăm của Tổng thống Biden, Việt Nam nâng cấp hai bậc chưa từng có tiền lệ đưa Mỹ lên làm đối tác ngang hàng với Trung Quốc. Khi Chủ tịch Tập tới Hà Nội 3 tháng sau đó, Việt Nam nhất trí xây dựng cộng đồng chia sẻ tương lai với Bắc Kinh.

Giữa hai động thái này, Việt Nam cũng nâng cấp quan hệ với Nhật Bản lên là một trong những đối tác chiến lược quan trọng nhất của mình.

Các lãnh đạo Hà Nội coi đây là những thành tựu lớn trong đối ngoại của Việt Nam, vốn đang tìm cách cân bằng trong mối quan hệ với các siêu cường qua chiến lược ngoại giao “cây tre.”

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, khi phát biểu tại Hội nghị Ngoại giao hôm 19/12 ở Hà Nội, nói rằng trường phái ngoại ngoại giao này của Việt Nam ngày càng được quốc tế thừa nhận rộng rãi.

Sau chuyến thăm của ông Tập vào giữa tháng này, truyền thông nước ngoài nói nhiều hơn về chiến lược cân bằng trong đối ngoại của Việt Nam và nhắc đến “ngoại giao cây tre”, vốn đang được lãnh đạo của quốc gia Đông Nam Á áp dụng trong chính sách đa phương hóa quan hệ với các nước trên thế giới.

Hãng tin Reuters nói rằng Việt Nam tăng cường quan hệ với Trung Quốc nhờ “ngoại giao cây tre” sau khi nâng cấp quan hệ với Mỹ. Hãng tin Anh cho rằng việc thắt chặt quan hệ hơn với cả hai siêu cường này đánh dấu một thành tựu của “Ngoại giao cây tre” của Việt Nam.

Còn Wall Street Journal, trong bài viết có tựa đề “Vì sao ai cũng muốn làm bạn với Việt Nam”, cũng đề cập đến “ngoại giao cây tre” như một chiến lược cân bằng trong quan hệ với Mỹ và Trung Quốc.

Tương tự, một bài xã luận của Bloomberg lý giải vì sao trường phái ngoại giao này của Việt Nam có hiệu quả khi cả Mỹ và Trung Quốc đều muốn kéo Hà Nội về phía mình và chính sách đối ngoại đa cực đảm bảo quốc gia Cộng sản có quyền tự quyết trong việc đối phó với hai nền kinh tế lớn nhất.

Ca ngợi chiến lược ngoại giao của Việt Nam, tờ South China Morning Post nói rằng Hà Nội là đẳng cấp bậc thầy giữa sự cạnh tranh của Mỹ và Trung Quốc khi thu hút được cả hai siêu cường cùng tham gia đầu tư vào chuỗi cung ứng trong khi ngày càng nâng cao vị thế trong khu vực cũng như quyền tự chủ của mình.

‘Linh hoạt’ để cân bằng

“Trong bối cảnh thế giới có nhiều sự hỗn loạn với sự cạnh tranh giữa các cường quốc liên tục xảy ra, và trong thế giới với tương lai đầy bất định thì rõ ràng Việt Nam đã tạo được những thành công nhất định, trong đó đặc biệt duy trì và giữ được thế cân bằng giữa hai cường quốc (Mỹ và Trung Quốc) đang cạnh tranh quyết liệt như vậy,” Thạc sỹ Hoàng Việt, chuyên gia nghiên cứu về tranh chấp quốc tế, nói với VOA.

Việt Nam đã theo đuổi cách tiếp cận “ngoại giao cây tre” trong nhiều năm qua để cố gắng duy trì quan hệ tốt với cả Trung Quốc và Mỹ, trong khi cả Bắc Kinh và Washington đều muốn lôi kéo Hà Nội về phía mình.

Thuật ngữ này được ông Trọng lần đầu tiên nhắc tới vào năm 2016. Hôm 19/12, ông Trọng cho biết rằng sự hình thành và phát triển của Trường phái đối ngoại, ngoại giao “cây tre Việt Nam: gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển” được khẳng định tại Hội nghị Đối ngoại toàn quốc vào tháng 12/2021.

Chiến lược này được xem là sự ‘linh hoạt’ và ‘dễ thích nghi’ của Việt Nam trong quan hệ với các nước, nằm trong chính sách đa phương hóa đa dạng hóa của Hà Nội, với mục đích tránh xung đột và thúc đẩy hòa bình.

Trong khi Việt Nam chia sẻ những lo ngại của Mỹ về sự quyết đoán ngày càng tăng của Bắc Kinh ở Biển Đông đầy tranh chấp thì quốc gia Đông Nam Á lại có quan hệ chặt chẽ với Trung Quốc, quốc gia Cộng sản láng giềng, về kinh tế.

Nhận định về chiến lược cân bằng trong ngoại giao “cây tre” của Việt Nam, Luật sư Đặng Đình Mạnh nói với VOA trong một buổi hội luận rằng sau việc nâng cấp của Hà Nội, Mỹ và Nhật Bản được trấn an rằng “Việt Nam không quá ngả về phía Trung Quốc”, còn phía Trung Quốc được khẳng định rằng “Việt Nam tiếp tục nằm trong quỹ đạo dưới danh nghĩa hữu nghị với đàn anh Trung Quốc.”

Nhưng để cân bằng được những mối quan hệ này, Việt Nam đã phải thỏa hiệp về an ninh và chính trị, theo Thạc sỹ Hoàng Việt, cũng là một giảng viên tại Đại học Luật TPHCM.

“Trong việc nâng cấp quan hệ với cả Mỹ và Nhật Bản, Việt Nam e ngại phản ứng lớn nhất từ Trung Quốc,” Thạc sỹ Hoàng Việt nói và cho rằng Mỹ đã thúc đẩy việc nâng cấp quan hệ với Việt Nam từ rất lâu. “Việt Nam phải chấp nhận thỏa hiệp là có nâng cấp mối qua hệ đó hay không và việc nâng cấp này cũng phải chọn thời điểm khéo léo không thì sẽ gặp phản ứng bất lợi từ phía Trung Quốc.”

Sự thỏa hiệp của Việt Nam, theo Thạc sỹ Hoàng Việt, là việc Hà Nội đã chấp nhận tham gia vào cộng đồng chia sẻ tương lai với Bắc Kinh, để đổi lấy việc hợp tác chặt chẽ hơn với Mỹ, Nhật Bản và các quốc gia phương Tây khác cho mục đích phát triển kinh tế.

Còn theo nhận định của Luật sư Vũ Đức Khanh, hiện đang giảng dạy luật tại Đại học Ottawa ở Canada, việc Mỹ và phương Tây muốn kiềm chế sức mạnh của Trung Quốc cũng như giảm phụ thuộc vào Bắc Kinh đã khiến họ muốn tăng cường quan hệ với Việt Nam dù quốc gia Cộng sản Đông Nam Á không chia sẻ những giá trị chung như dân chủ và nhân quyền.

“Mỹ và phương Tây chỉ muốn sử dụng Việt Nam làm cái be bờ chống lại Trung Quốc chứ Mỹ và phương Tây không muốn làm bạn với Xã hội Chủ nghĩa,” LS Khanh, chuyên nghiên cứu về chính trị Việt Nam và quan hệ quốc tế, nói nhưng cho rằng Mỹ và các nước phương Tây cũng có lợi ích kinh tế ở Việt Nam trong khi Đảng Cộng sản ở quốc gia này cần phát triển kinh tế để giữ được quyền lực trước người dân.

Tuy nhiên, Tổng thống Biden khi phát biểu tại Hà Nội hồi tháng 9 nói rằng việc nâng cấp quan hệ với Việt Nam không phải để kiềm chế Trung Quốc mà để Mỹ có được một cơ sở vững mạnh ở châu Á-Thái Bình Dương. Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội nói với Reuters trong tháng này rằng mối quan hệ Mỹ-Việt không nhằm chống lại bên thứ 3.

Trung lập trong thế giới biến động

Thương mại là một phần quan trọng trong việc tiếp cận cân bằng của Việt Nam. Các đây 3 thập kỷ, bị cô lập và tàn phá bởi chiến tranh, Việt Nam chỉ có quan hệ làm ăn với khoảng 30 quốc gia và vùng lãnh thổ. Nhưng ngày nay, con số đó là hơn 150 chưa kể nhiều hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam ký kết với nhiều nước.

Mỹ, một cựu thù của Việt Nam, đã trở thành thị trường xuất khẩu hàng hóa lớn nhất trong khi Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của quốc gia Đông Nam Á này.

Theo nhà bình luận Karishma Vaswani của Bloomberg, Việt Nam nên tiếp tục sử dụng cả ngoại giao thương mại và “cây tre”, ngay cả khi địa chính trị trở nên phức tạp hơn và các siêu cường cạnh tranh ảnh hưởng và đầu tư.

Tuy nhiên, theo Giáo sư Alexander Vuving của Trung tâm Nghiên cứu An Ninh châu Á Thái Bình Dương ở Hawaii, khoảng cách ngày càng tăng giữa một bên là phương Tây và một bên là Trung Quốc và Nga sẽ khiến cách tiếp cận này trở nên phức tạp hơn bao giờ hết.

“Ngoại giao cây tre sẽ không mang lại cách thức bền vững để Việt Nam đối phó với những thay đổi thất thường của Chiến tranh Lạnh lần 2,” GS Vuving nhận định với VOA sau khi Việt Nam và Mỹ nâng cấp quan hệ hồi tháng 9.

Ngay cả với Quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện Việt-Mỹ mới được lập, theo GS Vuving, mạng lưới quan hệ quốc tế của Việt Nam không ngăn cản được hành vi gây hấn cũng như không tối đa hóa khả năng phòng thủ của Việt Nam và quốc gia Đông Nam Á cần có “mạng lưới an toàn” mới phù hợp với điều kiện mới của thời đại.

Tương tự, LS Khanh, người theo dõi các vấn đề Việt Nam, đưa ra câu hỏi trước sự cạnh tranh ngày càng gay gắt của các siêu cường thì liệu Việt Nam có thể tiếp tục duy trì sự trung lập, theo đường lối ngoại giao “cây tre”, hay không.

“Cuộc chiến ở Ukraine đã làm thay đổi toàn bộ chiến lược của những nước như Phần Lan, Thụy Điển và Đan Mạch, những nước từ xưa giờ là hoàn toàn trung lập,” LS Khanh nói, ý muốn đề cập đến việc Phần Lan và Thụy Điển xin gia nhập NATO trong khi Đan Mạch ký hiệp ước quốc phòng với Mỹ trước việc Nga xâm lược Ukraine.

Việt Nam đang theo dõi để học những bài học này, theo Thạc sỹ Hoàng Việt, trong bối cảnh Việt Nam và nhiều nước khác có xung đột với Trung Quốc trên Biển Đông.

“Trong lúc này, Việt Nam, cũng như các nước Đông Nam Á cố gắng không chọn bên và cố gắng tối đa hóa lợi ích của mình nhiều nhất trong mức độ không phải chọn bên,” TS Hoàng Việt nói. “Còn đến một lúc nào đó mà trật tự quốc tế khiến cho Việt Nam, hoặc các quốc gia giống như Việt Nam không thể không chọn bên thì đó là một câu chuyện khác. Theo tôi Việt Nam sẽ duy trì chính sách này cho đến khi nào mà họ không thể làm được nữa.”

Nhà nghiên cứu Biển Đông này cho rằng dù Mỹ và Trung Quốc có những cạnh tranh gay gắt nhưng “hai bên vẫn để những khoảng không gian đối thoại và hợp tác” và “chưa đến mức mà bắt buộc các quốc gia phải chọn bên.”

Khi phát biểu tại hội nghị của ngành ngoại giao trong tuần qua, ông Trọng nói rằng “tình hình thế giới, khu vực dự báo có diễn biến phức tạp, khó lường” và “đề nghị ngành Ngoại giao thường xuyên theo dõi sát các diễn biến và dự báo đúng chiều hướng phát triển của tình hình, đánh giá kỹ các tác động đến Việt Nam.” Ông Trọng nhắc nhở các lãnh đạo ngoại giao phải “xử lý hài hòa mối quan hệ giữa lợi ích quốc gia – dân tộc và nghĩa vụ, trách nhiệm quốc tế” cũng như phải “kiên định trong nguyên tắc và linh hoạt trong sách lược, tùy theo từng vấn đề, từng thời điểm.”

Việt Nam, theo Thạc sỹ Hoàng Việt, đã chuẩn bị cho những tình huống như vậy khi điều chỉnh Sách Trắng Quốc phòng thành “4 không” và “1 tùy”.

“Bên cạnh ‘Bốn không’ thì có ‘Một tùy’ tức là tùy tình hình để (Việt Nam) có những quyết định phù hợp,” Thạc sỹ Hoàng Việt nói.

Trong Sách Trắng Quốc phòng đưa ra năm 2019, Việt Nam tiếp tục kiên định với chính sách không liên minh quân sự, không cho nước nào đặt căn cứ quân sự ở Việt Nam, không dựa vào nước nào để chống nước khác. Nhưng Việt Nam nói rằng “tùy theo tình huống và điều kiện cụ thể, Việt Nam sẽ cân nhắc phát triển quan hệ quân sự và quốc phòng cần thiết và thích hợp với các nước khác.”

Diễn đàn

VOA Express

XS
SM
MD
LG