Đường dẫn truy cập

Ngoại trưởng Mỹ: Hong Kong ‘không còn tự trị từ Trung Quốc nữa’


Ngoại trưởng Mike Pompeo trong cuộc họp báo tại Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 20/5/2020, ở Washington.
Ngoại trưởng Mike Pompeo trong cuộc họp báo tại Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 20/5/2020, ở Washington.

Ngoại trưởng Mike Pompeo ngày 27/5 tuyên bố đã báo cáo lên Quốc hội Mỹ rằng Hong Kong “không còn tự trị đối với Trung Quốc nữa” và “Hong Kong không tiếp tục bảo đảm được sự ưu đãi theo luật Mỹ” dựa vào dữ kiện trên thực địa.

Loan báo của Ngoại trưởng Mỹ cho thấy Hoa Kỳ đang cứu xét tình trạng được đối xử ưu đãi làm cho thành phố trở thành đối tác thương mại hàng đầu của Mỹ.

Nhận định của ông Pompeo được đưa ra sau khi Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc Trung Quốc loan báo ý định đơn phương áp đặt luật an ninh quốc gia lên Hong Kong, một động thái được xem như phá hoại thêm sự tự trị của Hong Kong mà chính phủ Bắc Kinh hứa sẽ duy trì theo Tuyên bố Chung Trung-Anh, một hiệp ước quốc tế được đăng ký với Liên hiệp quốc.

Luật được đề nghị của Bắc Kinh đánh dấu một chuyển đổi quan trọng đối với Hong Kong, nơi lâu nay được hưởng các quyền tự do chính trị rộng rãi dưới chế độ bán tự trị và được bầu chính quyền từng được xem như mô hình kiểu mẫu cho Hoa lục.

“Trong khi Hoa Kỳ từng hy vọng là Hong Kong tự do và thịnh vượng sẽ là mẫu hình cho chế độ chuyên chế Trung Quốc noi theo, thì giờ đây rõ ràng là Trung quốc bắt Hong Kong theo chân họ,” Ngoại trưởng Mỹ nói.

Căng thẳng chính trị leo thang thêm tại Hong Kong trong những tuần lễ gần đây sau khi giới chức trách thực thi luật Hong Kong bắt giữ 15 nhà hoạt động đòi dân chủ vào tháng 4 trong đó có người sáng lập Đảng Dân chủ Hong Kong Martin Lee, một hành động bị Mỹ lên án.

“Luật Nhân quyền và Dân chủ Hong Kong” được ban hành vào tháng 11 năm ngoái yêu cầu Bộ Ngoại giao Mỹ ít nhất mỗi năm phải chứng nhận là cựu thuộc địa Anh vẫn có đủ tự trị để biện minh cho những điều khoản thương mại ưu đãi từ Mỹ giúp thành phố này giữ đựơc vị thế là trung tâm tài chánh thế giới.

Hong Kong được trả lại cho Bắc Kinh vào năm 1997 theo thể thức “một quốc gia, hai hệ thống” mà qua đó thành phố này có những quyền tự do rộng rãi chưa hề thấy tại Hoa lục.

Theo luật Mỹ, các giới chức chịu trách nhiệm vi phạm nhân quyền và lạm dụng tại Hong Kong có thể bị chế tài.

Đây là thời điểm rất đáng quan ngại,” bà Elizabeth Economy, giám đốc nghiên cứu Châu Á tại Hội đồng Đối ngoại, nhận xét.

“Tôi nghĩ một trong những yếu tố đáng quan ngại chắc chắn là kế hoạch đặt một văn phòng công an của Trung Quốc tại Hong Kong. Hiện đã có một đơn vị Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc trú đóng tại đây. Tuy nhiên, một khi đưa công an vào hệ thống theo dõi, quý vị thực sự bắt đầu cảm thấy là họ sẽ tiến tới thời điểm sẽ không còn sự khác biệt về cách người dân Hong Kong được đối xử với các các công dân tại Hoa lục được đối xử, xét về phương diện những mối đe doạ về quyền chính trị,” bà Economy nói trong một cuộc họp trên mạng mới đây do Viện Hoover và Trường đại học Stanford tổ chức.

Ngày 26/5 ông Trump tuyên bố Hoa Kỳ đang chuẩn bị đáp lại loan báo của Bắc Kinh về luật an ninh quốc gia đối với Hong Kong, nhưng Tổng thống không cho biết chi tiết là liệu ông có ngưng những ưu đãi kinh tế Hong Kong hiện được hưởng hay không.

Mỹ “cần suy nghĩ rất cẩn thận về cách thức đi qua tiến trình này,” bà Economy nói, để tránh làm hại người dân Hong Kong và các công ty Mỹ tại Hong Kong.

Phản ứng của Đài Loan

Hành động của Trung Quốc cũng có phản hồi tại Đài Loan, nơi nhiều người từ lâu đã quan sát cách thức Bắc Kinh đối xử với cư dân Hong Kong như thế nào. Ngày 27/5, hơn 20 tổ chức xã hội dân sự tập họp tại Đài Bắc để bày tỏ tình đoàn kết với Hong Kong.

Một người tham dự tên Justine nói với VOA, “Nếu luật an ninh quốc gia được thông qua thì 7,5 triệu dân Hong Kong sẽ không an toàn và Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ dán nhãn khủng bố cho những ai mưu tìm dân chủ và tự trị, do đó hiện nay mỗi người dân Hong Kong là một chiến binh.”

Nhiều người tại Đài Loan xem hành động của Trung Quốc tại Hong Kong như là khởi đầu một kỷ nguyên mới, căng thẳng về tương lai của khu vực.

Ông Wu Rwei-ren, một nhà nghiên cứu tại Viện Lịch sử Đài Loan, Academia Sinica, nói với VOA là đây là “một chính sách có tính toán” của Trung Quốc trong khi những nước khác đang vất vả chống đại dịch COVID-19.

“Việc này đánh dấu trận chiến thứ nhất giữa cuộc chiến tranh lạnh mới giữa Mỹ và Trung Quốc,” ông nói. “Cuộc chiến đấu cho quyền tự trị của Hong Kong sẽ kiên trì, và Đài Loan chắc chắn sẽ là mục tiêu kế tiếp.”

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG