Cựu Tổng thống Donald Trump vào tháng trước bị tuyên có tội trong toàn bộ 34 trọng tội mà ông bị cáo buộc tại phiên tòa lịch sử xét xử vụ án tiền bịt miệng và những bồi thẩm viên kết án ông Trump là những người dân New York từ đủ mọi ngành ghề và thành phần trong xã hội.
Cũng một bồi thẩm đoàn khác, gồm những công dân sinh sống ở Delaware, đã kết tội con trai của Tổng thống đương nhiệm Joe Biden, ông Hunter Biden, trong vụ án liên bang liên quan đến việc sở hữu súng vừa kết thúc hôm 11/6.
Trong vụ xử diễn ra tại Tòa Hình sự Quận Manhattan ở New York kéo dài 6 tuần và kết thúc hôm 30/5, ông Trump bị phán quyết có tội vì làm giả hồ sơ kinh doanh ở New York nhằm che đậy thông tin gây ảnh hưởng đến cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2016, mà cuối cùng ông đã giành chiến thắng. Phiên xử tập trung vào khoản tiền được trả cho ngôi sao khiêu dâm Stormy Daniels để người phụ nữ này không tiết lộ mối quan hệ của mình với ông Trump ngay trước kỳ bầu cử .
“Mười hai bồi thẩm viên này, 12 người dân bình thường và họ quyết định số phận của một người đã từng là tổng thống,” ông Thận Nhiên, một nhà báo tự do ở Texas nói với VOA. “Họ quyết định cái phiên tòa đó xảy ra như thế nào chứ không phải ông quan tòa. Ông quan tòa chỉ là người sẽ đưa ra cái án, sẽ tuyên án. Còn cái quyết định rằng vị cựu tổng thống đó có tội hay không có tội là do 12 người dân.”
Tại Mỹ và một số nước theo hệ thống thông luật Anh, bồi thẩm đoàn gồm những công dân được triệu tập đến tòa để nghe bằng chứng, đưa ra kết quả thực tế và tuyên thệ đưa ra phán quyết khách quan do tòa án chính thức đệ trình cho họ hoặc để đưa ra phán quyết.
Mười hai người quyết định số phận của ông Trump, người đang là ứng viên giả định tranh cử tổng thống Mỹ 2024 của Đảng Cộng hòa, là những công dân sống ở khu vực Manhattan được lựa chọn kỹ lưỡng sau 3 ngày phỏng vấn. Họ gồm 5 phụ nữ và 7 đàn ông, làm trong các ngành nghề gồm công nghệ, giáo dục, tài chính, luật, bán hàng, kỹ sư hay chăm sóc y tế.
Việc lựa chọn bồi thẩm đoàn được xem là rất quan trọng trong bất kỳ phiên tòa xét xử hình sự nào ở Mỹ, đặc biệt trong phiên tòa đầu tiên trong lịch sử Hoa Kỳ mà người bị xét xử là một cựu tổng thống và đang tranh cử để trở lại Nhà Trắng. Mười hai người này đã bị tra hỏi về các bài đăng trên mạng xã hội, đời sống cá nhân và quan điểm chính trị của họ trong khi các luật sư và thẩm phán tìm ra bất cứ thành kiến nào có thể ngăn cản sự công tâm của họ. Các bồi thẩm viên phải cam kết họ sẽ đưa ra quyết định chỉ dựa trên những bằng chứng mà họ thấy và nghe tại phiên tòa và luật lệ mà quan tòa đưa ra.
“Bồi thẩm đoàn là những người dân bình thường và họ không xử về luật, họ chỉ xử về nhân chứng và vật chứng, tức là xử về facts, về sự kiện,” Tiến sỹ Lê Minh Nguyên, người sáng lập Cấp Tiến Forum và sinh sống ở California, nói với VOA về vai trò của bồi thẩm đoàn tại phiên tòa. “Họ chỉ xử về sự kiện xem có tội hay không có tội. Còn cái chuyện xử tù hay án treo hay như thế nào là ông [Thẩm phán] sẽ chiếu theo luật [để đưa ra hình phạt].”
Bồi thẩm đoàn trong vụ xử ông Trump nghe lời khai của 22 nhân chứng trong khoảng 4 tuần và cũng cân nhắc các bằng chứng khác – chủ yếu là các tài liệu như hồ sơ điện thoại, hóa đơn và séc cho ông Michael Cohen, luật sư và là “người sửa chữa” trung thành một thời của ông Trump, người đã trả khoản tiền 130.000 USD để bà Daniels giữ im lặng câu chuyện về mối quan hệ được cho là ngoại tình với ông Trump vào năm 2006. Ông Trump luôn phủ nhận từng có quan hệ tình dục với bà Daniels.
Sau hai ngày nghị án, những người dân New York trong bồi thẩm đoàn nhất trí kết tội ông Trump.
Ông Trump đã chỉ trích phán quyết và nói rằng ông là "người rất vô tội". Sau phiên tòa hôm 30/5, ông nói “phán quyết thực sự sẽ được người dân [Mỹ] đưa ra vào ngày 5/11,” ý nói đến ngày bầu cử khi mọi người trên khắp đất nước Mỹ đi bỏ phiếu bầu tổng thống.
Thẩm phán Juan Merchan sẽ quyết định có đưa ông Trump vào tù hay không vào ngày 11/7.
Nói về vai trò và tầm quan trọng của bồi thẩm đoàn tại phiên tòa xử ông Trump, nhà báo Robin Givhan viết trên Washington Post: "Các bồi thẩm viên là lời nhắc nhở sống động rằng trong nền dân chủ đang bị thử thách này, người dân bình thường vẫn có vai trò quan trọng và vẫn có ảnh hưởng đáng kể."
“Nó dẫn tới một kết quả rất công bằng,” nhà báo Thận Nhiên nói về phán quyết của bồi thẩm đoàn ở New York đối với ông Trump. “Nó nói công lý cho nước Mỹ.”
Nhà báo, đã sinh sống ở Mỹ trong 30 năm qua, cho biết trước phiên tòa xử cựu Tổng thống Trump, ông đã có những “sự ngờ vực” hay “không hài lòng” vào nền tư pháp Mỹ. Nhà báo này nhắc đến việc xét xử cựu ngôi sao bóng bầu dục Mỹ O. J. Simpson vào năm 1995, trong phiên tòa hình sự ở Los Angeles mà sau đó ông Simpson được xử trắng án về tội giết vợ cũ và một người bạn của bà ấy.
Gần đây hơn, Tối cao pháp viện Mỹ – nơi có 9 thẩm phán cao nhất của Hoa Kỳ – đã lật ngược án lệ Roe v Wade tồn tại 50 năm mà theo đó quyền phá thai được quy định trong hiến pháp liên bang bị xóa bỏ và được trao cho nghị viện các tiểu bang quyết định. Phán quyết này đã gây ra sự phân cực lớn trong nước Mỹ và làm nhiều người dân mất niềm tin vào định chế nơi được xem là để bảo vệ luật pháp Hoa Kỳ.
So sánh về sự ảnh hưởng của hai phiên tòa xử OJ Simpson và cựu Tổng thống Trump, nhà báo Thận Nhiên cho rằng trong khi kết quả xét xử cựu ngôi sao bóng bầu dục “phần nào ảnh hưởng tới niềm tin của người Mỹ nhưng nó không lớn, không làm thay đổi đến ý thức dân chủ hay tình trạng xã hội hoặc lịch sử” như phiên tòa xử cựu tổng thống.
“Phiên tòa này sẽ ảnh hưởng đến cuộc bầu cử sắp tới đây, tức là nó sẽ ảnh hưởng đến tình hình chính trị của cả nước Mỹ và thậm chí của cả thế giới nữa,” nhà báo Thận Nhiên nói.
Ông Trump, người đang tranh cử tổng thống Mỹ lần thứ 3, nếu bị phán quyết ngồi tù thì sẽ mất đi một số quyền như bỏ phiếu hay tự do đi lại vận động tranh cử. Tuy nhiên, ông vẫn có thể tiếp tục cuộc đua vào Trắng và vẫn được điều hành đất nước từ sau song sắt nếu ông đắc cử.
Dù vậy nhà báo Thận Nhiên cho biết ông hài lòng với phán quyết của phiên tòa xét xử ông Trump vì nó làm cho ông cảm thấy rằng “một người dân thường như tôi vẫn có quyền lực thật mà chỉ có những nước với nền dân chủ mới trao cho tôi.”
Ông Thận Nhiên so sánh với “những xã hội ở những nước độc tài, như Việt Nam chẳng hạn,” nơi mà ông cho rằng có sự khác biệt lớn về tiếng nói của người dân.
Cho biết về sự khác biệt giữa hai hệ thống pháp luật của Mỹ và Việt Nam, Luật sư Lê Quốc Quân, người từng bảo vệ các nạn nhân bi đàn áp nhân quyền ở Việt Nam và hiện đang sống ở Washington DC, nói với VOA rằng bồi thẩm đoàn tại tòa ở Mỹ là những người dân bình thường nhưng được đưa ra phán quyết dựa trên những “sự thật, diễn biết tại tòa, sự tranh tụng công khai, rõ ràng của các luật sư.” Trong khi đó tại Việt Nam, theo LS Quân, bồi thẩm nhân dân là những người “thường được nhà nước lựa chọn” và “hoàn toàn bị chỉ đạo” trong khi các bản án đã được các cơ quan của Đảng Cộng sản định ra trước, còn được gọi là “án bỏ túi.”
Tuy nhiên đối với nhà báo Thận Nhiên, công lý ở Mỹ sẽ chưa được thực thi hoàn toàn nếu phiên tòa xét xử ông Trump liên quan đến vụ bạo loạn ngày 6/1/2021, trong đó những người ủng hộ ông tấn công vào tòa nhà Quốc hội ở Đồi Capitol, nơi được xem là hình ảnh dân chủ hàng trăm năm của nước Mỹ, chưa được đưa ra xét xử.
“Nó phải được xảy ra, nó phải được xét xử một cách công minh thì lúc đó tôi mới thật sự hài lòng,” nhà báo này nói.
Đó là một trong 3 phiên tòa mà ông Trump còn phải đối mặt, trong đó gồm 1 phiên tòa cấp liên bang khác về việc ông quản lý hồ sơ mật và 1 phiên tòa cấp tiểu bang về việc ông tìm cách can thiệp kết quả bầu cử tổng thống 2020 ở Georgia. Các phiên tòa này chưa ấn định được ngày xét xử vì những rắc rối về pháp lý.
Còn TS Nguyên cho biết ông hy vọng rằng vụ tấn công vào Đồi Capitol “chỉ là một biến cố trong dòng lịch sử của nước Mỹ” và nó “sẽ đi qua.”
“Mỹ vẫn là một nền dân chủ pháp trị, vẫn là một cái thành phố trên đỉnh đồi để thế giới ngắm về và Quốc hội vẫn là một thánh đường về dân chủ cho thế giới,” TS Nguyên nói.
Theo ông, việc các bồi thẩm đoàn kết án cựu Tổng thống Trump và con trai đương kim Tổng thống Biden cho thấy “không có ai đứng trên luật pháp” và điều đó giúp ông tiếp tục có được hy vọng vào pháp quyền và dân chủ ở Mỹ.
Diễn đàn