Đường dẫn truy cập

Người dân Đà Nẵng nghĩ gì trước giờ cách ly xã hội lần 2? 


Đà Nẵng đang tiến hành xét nghiệm virus corona trên diện rộng sau đợt bùng phát dịch mới
Đà Nẵng đang tiến hành xét nghiệm virus corona trên diện rộng sau đợt bùng phát dịch mới

So với lần cách ly xã hội hồi tháng Tư, người dân Đà Nẵng có phần lo lắng nhưng cũng đã bình tĩnh hơn và có kinh nghiệm đối phó hơn khi thành phố này bước vào đợt cách ly xã hội thứ hai trước sự bùng phát trở lại của dịch Covid-19.

Với 15 ca nhiễm mới đã được xác nhận và nhiều khả năng có thêm nhiều ca nữa, Đà Nẵng, thành phố lớn thứ ba Việt Nam và lớn nhất miền Trung, hiện đang là tâm dịch ở Việt Nam.

Theo lệnh của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, kể từ 0 giờ ngày 28/7, Đà Nẵng bắt đầu thực hiện việc đóng cửa chống dịch theo hai mức độ: cách ly và giãn cách xã hội.

Theo đó, nơi xuất phát dịch là cụm ba bệnh viện và khu dân cư xung quanh cùng với nơi cư trú của các bệnh nhân sẽ bị ‘cách ly xã hội’: người dân ở yên trong nhà, chỉ ra đường khi có việc thiết yếu, giữ khoảng cách 2 mét, không tập trung quá 2 người.

Phần còn lại của Đà Nẵng sẽ thực hiện ‘giãn cách xã hội’, tức người dân không được tập trung đông người, phải đeo khẩu trang khi ra đường và mọi phương tiện vận chuyển hành khách đều phải tạm dừng.

Việc xuất hiện các ca nhiễm virus corona mà đến nay chưa xác định được nguồn gốc ở Đà Nẵng đã chấm dứt chuỗi 99 ngày liên tiếp Việt Nam không có ca nhiễm trong cộng đồng, người dân trong nước đã quay trở lại sinh hoạt bình thường và Đà Nẵng đang trong thời gian cao điểm du lịch hè với đông đảo du khách nội địa.

‘Lo nhưng tin tưởng’

Từ quận Ngũ Hành Sơn, bà Nguyễn Thị Huy, một giáo viên về hưu, nói với VOA rằng ‘tâm lý chung của người dân Đà Nẵng là hơi lo lo’. Tuy nhiên, bà nói bà tin là ‘Đà Nẵng sẽ khống chế được dịch bệnh’.

“Tôi thấy lãnh đạo thành phố rất quyết tâm, người dân cũng rất quyết tâm và ý thức được vấn đề chống dịch,” bà giải thích lý do bà tin tưởng.

Bà cho rằng người dân Đà Nẵng có ý thức chống dịch cao ‘vì ai cũng sợ và lo lắng cho sức khoẻ của mình’.

Từ kinh nghiệm của đợt cách ly xã hội toàn quốc hồi tháng Tư, bà Huy tin rằng sẽ khống chế được dịch nếu mọi người thực hiện nghiêm túc các biện pháp nhà chức trách đưa ra bao gồm ‘hạn chế ra đường, hạn chế tiếp xúc, phải đeo khẩu trang’.

Theo quan sát của bà vài giờ trước khi lệnh giãn cách xã hội bắt đầu có hiệu lực thì ‘đường phố đã rất là vắng, không đông như tuần trước.’

“Nếu chỉ hai tuần thì không ảnh hưởng nhiều đến kinh tế, sợ sau hai tuần mà tiếp tục giãn cách nữa thì mới ảnh hưởng nhiều,” bà trả lời khi được hỏi liệu lần giãn cách này sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống người dân Đà Nẵng như thế nào.

Riêng về việc cách ly đối với ba bệnh viện, bà cho rằng ‘là việc nên làm’. “Rút kinh nghiệm ở các nước phòng dịch lỏng lẻo nên người nhiễm, người chết nhiều, Việt Nam cần làm nghiêm ngặt thì mới kiểm soát được dịch,” cư dân này nói.

‘Cần bình tĩnh’

Từ quận Thanh Khê, anh P. Việt, một nhân viên văn phòng, cho biết anh ‘không lo lắng lắm’ và nói rằng từ khi phát hiện ca nhiễm cộng đồng ở Đà Nẵng, anh ‘đã chuẩn bị tâm lý’ nên ‘không thấy bất ngờ’ khi Đà Nẵng công bố thêm 14 ca mới.

Theo lời anh, bắt đầu từ ngày 28/7, anh sẽ quay trở lại làm việc ở nhà như lần trước. “Hơi bực mình một chút vì lại bị giãn cách một lần nữa nhưng không có cách nào khác là phải đương đầu với nó thôi,” anh nói.

“Chưa thấy có hiện tượng khan hiếm thực phẩm. Chắc là mọi người đã trải qua đợt một rồi nên đợt sau không vội vàng đổ xô đi xếp hàng mua đồ ăn với khẩu trang nữa,” anh cho biết thêm.

Theo anh Việt, cách ly ngay trong lúc cao điểm hè với nhiều sự kiện, nhiều tour sắp diễn ra ‘chắc chắn sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến kinh tế Đà Nẵng’.

Về bản thân mình, anh Việt nói anh sống chung với ba mẹ lớn tuổi ‘nên phải cẩn thận.’ “Đồ dùng và thịt cá thì có quen mối ở chợ, có gì mình cứ đặt hàng người ta đem tới chứ không phải ra chợ nhiều,” anh nói.

Khi được hỏi về tình hình du lịch ở Đà Nẵng trước đợt giãn cách này, anh cho biết:

“Tâm lý chung hơn 3 tháng rồi không có ca nhiễm mới nên cũng có hơi chủ quan. Với lại bãi biển rất đông vào những ngày hè, người người chen chúc nhau nên khó mà mà giãn cách xã hội. Lúc đó nếu đã có người nhiễm rồi thì có nguy cơ lớn là lây cho nhiều người.”

‘Chỉ cần ở nhà là được’

Về phần mình, anh Huỳnh Bá Việt, nhân viên một công ty nước ngoài trú tại quận Hải Châu, nói rằng ‘mọi người chỉ cần ở nhà là đã giúp ích được cho xã hội rồi’. “Lo cũng chẳng giúp ích được gì,” anh nói.

Theo quan sát của anh thì người dân Đà Nẵng ‘điềm tĩnh hơn đợt đầu’.

“Đã trải qua một lần cách ly rồi nên mọi người cảm thấy bình thường. Họ biết rằng họ vẫn có thể ra ngoài mua nhu yếu phẩm,” anh giải thích.

Anh đưa ví dụ là gia đình anh lần này chỉ ‘mua ít gạo’ trong khi hồi tháng Tư đã ‘tích trữ mì gói, đồ hộp các thứ’.

Bản thân anh đã huỷ các kế hoạch đi chơi xa vì theo lời anh ‘giờ đi đâu cũng khó’.

“Chỉ có hai tuần lễ, nhanh thôi. Ở nhà tôi tập thể thao, làm việc các thứ, chủ yếu giữ tinh thần thoải mái,” anh nói.

Anh cho biết anh đồng tình với quyết định của các địa phương khác kiểm dịch người dân Đà Nẵng hay người từ Đà Nẵng đến địa phương họ ‘vì lợi ích cộng đồng’.

Về khó khăn kinh tế của người dân địa phương, anh nói: “Nhiều người cũng xác định là năm nay sẽ không làm được nhiều như mọi năm. Hy vọng năm sau sẽ ổn hơn. Khó khăn không chỉ riêng Việt Nam mà mọi nơi, mọi người đều khó khăn như nhau cả.”

VOA Express

XS
SM
MD
LG