Ông Peter Strzok, nhân viên hoạt vụ FBI bị Đảng Cộng hòa chỉ trích mạnh mẽ vì đã gởi tin nhắn miệt thị ông Donald Trump trong cuộc vận động tranh cử Tổng thống 2016, bị sa thải vào cuối ngày 11/8, luật sư của ông cho biết hôm 13/8.
Ông Strzok là nhân viên cao cấp thứ ba bị loại khỏi FBI dưới chính quyền của ông Trump. Trong số hai người bị đuổi việc trước đó có cựu Giám đốc FBI James Comey.
Ông Aitan Goelman, luật sư của ông Strzok, cho hay đương kim Phó giám đốc FBI David Bowdich đã quyết định sa thải thân chủ ông.
Ông Goelman nói thêm là quyết định này trái với khuyến cáo của Văn phòng Trách nhiệm Nghề nghiệp của FBI. Văn phòng này chỉ yêu cầu đình chỉ công tác của ông Strzok trong 60 ngày và tước trách nhiệm chỉ huy của ông này.
Không lâu sau khi tin này được tiết lộ, ông Trump viết trên Twitter “Cuối cùng, nhân viên hoat vụ Peter Strzok đã bị sa thải khỏi FBI. Danh sách nhân viên xấu tại FBI và Bộ Tư pháp càng ngày càng dài.”
Luật sư Goelman nói việc thân chủ của ông bị sa thải có động cơ chính trị và rằng các tin nhắn của ông Strzok có nội dung chống đối ông Trump là phát biểu chính trị được Tu chính án thứ Nhất bảo vệ.
Trước đây trong năm, Bộ trưởng Tư pháp Jeff Sessions sa thải Phó Giám đốc FBI Andrew McCabe sau khi phúc trình gay gắt của Cơ quan Giám sát Nội bộ Bộ Tư pháp kết luận ông McCabe tiết lộ tin tức cho các phóng viên và hướng dẫn sai lạc các nhà điều tra về những hành động của ông.
Còn cựu Giám đốc FBI Comey thì bị Tổng thống Trump sa thải vào tháng 5/2017 sau khi bị chỉ trích về cách xử lý cuộc điều tra của FBI liên quan đến việc bà Hillary Clinton sử dụng một máy chủ cá nhân để gởi email cho công việc.
Tuy nhiên, sau đó ông Trump nói ông sa thải ông Comey vì “chuyện liên hệ đến Nga” ám chỉ cuộc điều tra của FBI làm rõ xem có sự thông đồng nào với Nga trong ban vận động tranh cử cho ông Trump hay không. Ông Trump liên tiếp phủ nhận có bất cứ sự thông đồng nào và gọi cuộc điều tra là truy bức chính trị.
Cả ông Comey lẫn McCabe đều tin rằng nguyên nhân sa thải họ là vì họ là những nhân chứng quan trọng trong cuộc điều tra của Công tố viên Đặc biệt Robert Mueller xem có hay không chuyện ông Trump nỗ lực cản trợ cuộc điều tra.
Ông Strzok có liên hệ sâu rộng đến cuộc điều tra của FBI về vụ email của bà Clinton và từng được cử làm việc với văn phòng của ông Mueller. Ông bị loại ra khỏi chức vụ này sau khi những dòng tin nhắn của ông được đưa ra ánh sáng.
Tin nhắn của ông Strzok có nội dung chống Trump bị Tổng Thanh tra Bộ Tư pháp chỉ trích trong một phúc trình mới đây.
Đảng Cộng hòa trong Quốc hội liên tục xem việc này như là bằng chứng về sự thiên vị của FBI chống ông Trump.
Tổng thống Donald Trump đang nêu nghi vấn là liệu có nên hủy cuộc điều tra của Công tố viên Đặc biệt Robert Mueller về chuyện Nga can thiệp bầu cử hay không vì FBI đã sa thải một trong những cựu điều tra viên của ông Mueller.
Ông Trump liên tiếp chỉ trích ông Mueller và ông Strzok trên Twitter nhằm hạ uy tín cuộc điều tra. Tuy nhiên, chưa có chỉ dấu nào cho thấy cuộc điều tra sẽ bị hủy bỏ.