Indonesia tìm cách ngăn chặn ảnh hưởng của Trung Quốc tại vùng đánh cá của nước này ở Biển Đông với sự trợ giúp của Nhật Bản. Đồng thời Nhật Bản phải đảm bảo kế hoạch không làm phương hại đến việc tiếp cận với Bắc Kinh.
Vào ngày 11/1 năm nay, ba tàu tuần dương Indonesia buộc hơn 50 tàu thuyền của Trung Quốc ra khỏi vùng biển phía bắc Natuna giữa bán đảo Malaysia và Borneo.
Đoàn tàu của Trung Quốc gồm tàu đánh cá và tàu tuần duyên, đã có mặt tại khu vực này—nơi Vùng Đặc quyền Kinh tế (EEZ) của Indonesia và đường chín đoạn của Trung Quốc tại Biển Đông chồng chéo lên nhau—khoảng hai tuần lễ. Tuyên bố của Trung Quốc về chủ quyền trong khu vực không được quốc tế công nhận.
Tuy nhiên tranh chấp này không có gì mới. Cách đây 4 năm. Hải quân Indonesia bắn vào một tàu đánh cá của Trung Quốc trong khu vực mà Trung Quốc tuyên bố là “một vùng đánh cá truyền thống của Trung Quốc.” Vào tháng 12 năm 2018, Indonesia mở một căn cứ quân sự mới tại Biển Natuna.
Hiện nay, nhà cầm quyền Indonesia quay về phía Nhật Bản để giúp bảo vệ chống các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc. Trước đây trong tháng, vào ngày 10/1, Tổng thống Indonesia Joko "Jokowi" Widodo gặp Ngoại trưởng Nhật Bản Toshimitsu Motegi ở Jakarta để thảo luận về việc hợp tác chặt chẽ hơn “liên hệ đến Biển Đông.”
Ông Motegi hứa giúp đỡ về kỹ thuật cho tuần duyên Indonesia trong vòng một tháng, cũng như trợ giúp về tài chánh cho những đảo ở Biển Natuna. Năm ngoái Nhật Bản đầu tư khảng 22,7 triệu đô la trong việc phát triển các cảng cá trên 6 đảo, trong đó có những cảng trên Biển Natuna. Nhật Bản cũng hứa đầu tư thêm 7,3 triệu đô la trong việc xây dựng một chợ cá ở Natuna. Theo như Ngoại trưởng Motegi, việc xây dựng dự trù bắt đầu vào tháng 2 này.
Đồng thời, nhà đầu tư Nhật Bản Masayoshi Son, cũng tham dự cuộc họp ngày 10/1, đưa ra kế hoạch đầu tư của ông. Theo Thông tấn xã Bloomberg, ông Son sẵn sàng đầu tư từ 30 đến 40 tỉ đô la trong việc xây dựng kinh đô mới của Indonesia trên đảo Borneo.
Ông Son, một tỉ phú gốc Triều Tiên, đã lập ra uỷ ban xây dựng Borneo với việc xây dựng bắt đầu trong năm nay. Số tiền đầu tư ông Son đưa ra rất cao, đặc biệt là chi trí dự trù của dự án vào khoảng 34 tỉ đô la. Tuy nhiên đề nghị của ông Son được các đối tác Indonesia xem là nghiêm chỉnh: Công ty SoftBank Capital Group của ông đã sử dụng công ty viễn thông di động Grab và công ty bán hàng trên mạng Tokopedia đổ 3 tỉ đô la vào đảo quốc này.
Cạnh tranh ảnh hưởng vùng
Đầu tư tư nhân và chính phủ Nhật Bản đã biến quần đảo này thành một đấu trường cạnh tranh giữa Tokyo và Bắc Kinh để giành ảnh hưởng tại châu Á. Một trong những lãnh vực chính mà hai bên cạnh tranh đối đầu là xây dựng những dự án hạ tầng cơ sở như đường xá, bến cảng và đường ray.
Trung Quốc đã sử dụng Sáng kiến Vành Đai và Con Đường và Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng cơ sở châu Á (AIIB) thành lập năm 2016, để nâng cao vị thế của nước này. Nhật Bản đáp lại bằng “Chiến lược Tự do và Rộng mở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương” cho “những dự án hạ tầng cơ sở chất lượng cao” và Ngân hàng Phát triển Á châu ở Manila để tăng tiến vị thế của Nhật hơn nữa. Nhật Bản hy vọng chiến lược này sẽ cho phép Nhật Bản ngăn việc kiểm soát của Trung Quốc đối với những đường chuyển vận hàng hải trong vùng.
Nhật Bản là một trong những nhà đầu tư lớn nhất tại Indonesia kể từ những năm 1970. Trong 10 năm qua, Nhật Bản đầu tư khoảng 31 tỉ đô la vào Indonesia, chỉ sau Singapore. Tuy nhiên Trung Quốc hiện là nhà đầu tư lớn thứ ba tại Indonesia. Chính yếu là nhờ vào việc Trung Quốc, vào năm 2015 đã thắng cuộc đấu thầu trị giá 5,5 tỉ đô la để xây dựng đường xe lửa cao tốc dài 150 kilômét giữa Jakarta và Bandung trên đảo Java. Trung Quốc đánh bại một công ty Nhật Bản để được hợp đồng này.
Tuy nhiên năm ngoái sự thất bại này của Tokyo được xoa dịu khi một công ty Nhật Bản trúng thầu xây dựng một đường ray mới giữa Jakarta và Semarang, thủ phủ của tỉnh Trung Java, và việc nâng cấp đường ray hiện có giữa Semarang và Subaya, thủ phủ của tỉnh Đông Java.
Indonesia cũng là thị trường chính của các nhà sản xuất xe ô tô Nhật Bản. Theo như công ty nghiên cứu thị trường ô tô MarkLines có trụ sở tại Tokyo, Tập đoàn Toyota bán hơn phân nửa trong số 940.000 xe mua tại Indonesia trong năm tài chánh 2019.
Tokyo tìm cách làm dịu những quan ngại của Trung Quốc
Hợp tác ngày càng tăng với Nhật Bản có thể khuyến khích Indonesia đẩy lùi ảnh hưởng của Trung Quốc trong vùng một cách mạnh mẽ. Việc này cũng có thể cho thấy Indonesia có thể cùng các nước khác dọc đường chín đoạn thành lập một mặt trận thống nhất chống lại những kế hoạch bành trướng của Trung Quốc.
Tuy nhiên một động thái như thế cũng có thể đe dọa những nỗ lực của Tokyo tiến đến một thỏa thuận chung với Trung Quốc, đối thủ vùng nhiều quyền lực của Nhật Bản. Cả hai nước, không nghi ngờ gì là những nước có ảnh hưởng mạnh nhất trong vùng, mới gần đây đã đưa ra một chính sách tiếp cận sau nhiều năm băng giá trong các mối quan hệ-- một sự thay đổi phần lớn là do cuộc thương chiến giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ. Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, đã đi thăm Bắc Kinh để thảo luận với chủ tịch Tập Cận Bình vào mùa thu năm 2018 và ông Tập dự trì đi thăm Tokyo tháng 4 này.
Ngày thứ Hai tuần trước, Ngoại trưởng Nhật Bản Motegi làm dịu bớt những quan ngại của Trung Quốc về việc đầu tư của Nhật Bản tại Indonesia khi ông nói trước Hạ viện. Trong bài diễn văn, ông Motegi nói ông hy vọng về một giải pháp hòa bình căn cứ trên luật quốc tế, có thể thực hiện được trong vấn đề cạnh tranh giữa Bắc Kinh và các nước Đông Nam Á khác.
Nước Cộng hòa Nhân dân Trung Quốc (PRC) đã tuyên bố có chủ quyền trên 80% Biển Đông có tài nguyên đồi dào. Trong những năm gần đây, Bắc Kinh đã gây nên quan ngại của quốc tế bằng cách xây những căn cứ quân sự trên một số đảo và rạn san hô trong vùng.