Nhật Bản hôm 26/12 tuyên bố rút ra khỏi Ủy ban Đánh bắt cá voi Quốc tế (IWC) để khôi phục các hoạt động thương mại đánh bắt loại cá này lần đầu tiên trong 30 năm, tuy nhiên nước này cho biết sẽ không tới Nam Cực để săn bắt cá, nơi mà những vụ tàn sát cá voi hàng năm gặp nhiều chỉ trích trước đây.
Nhật đã chuyển sang các hoạt động mà họ gọi là “đánh bắt cá voi để nghiên cứu” sau khi IWC ra lệnh cấm đánh bắt cá voi nhằm mục đích thương mại vào thập kỷ 1980. Giờ đây Nhật Bản cho rằng lượng cá voi trong đại dương đã hồi phục đủ để cho phép các hoạt động đánh bắt nhằm mục đích thương mại.
Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga nói nước ông sẽ khôi phục các hoạt động đánh bắt cá voi thương mại vào tháng 7 “theo chính sách cơ bản của Nhật nhằm quảng bá việc sử dụng bền vững các nguồn thủy sản sống dựa trên bằng chứng khoa học.”
Ông Suga nói thêm rằng Nhật Bản thấy thất vọng khi IWC – tổ chức mà theo ông đang nằm dưới sự chi phối của các nhà bảo tồn – chỉ tập trung vào công tác bảo vệ các nguồn cá voi dù ủy ban này đã được ủy thác để vừa bảo tồn cá voi, vừa phát triển ngành công nghiệp đánh bắt cá voi.
Phát biểu trong một cuộc họp báo, ông nói: "Đáng tiếc là chúng tôi đã đi đến quyết định rằng các quốc gia có những quan điểm khác nhau không thể nào cùng chung sống trong IWC".
Người đứng đầu nội các Nhật Bản cho biết các cuộc đánh bắt thương mại sẽ được giới hạn trong vùng lãnh hải của nước này và vùng đặc quyền kinh tế 200 dặm (323km) dọc theo bờ biển Nhật Bản. Ông Suga cho biết Nhật Bản sẽ ngưng các cuộc thám hiểm săn bắt cá voi hàng năm ở các vùng biển ở Nam Cực và Tây Bắc Thái Bình Dương. Các quốc gia không ký kết không được phép làm như vậy, theo các giới chức của Cơ quan Thủy sản Nhật Bản.
IWC đã áp đặt lệnh cấm các hoạt động săn bắt cá voi thương mại cách đây ba thập kỷ vì số lượng cá voi ngày càng giảm dần. Năm 1987, Nhật Bản chuyển sang hoạt động mà họ gọi là “săn bắt cá voi với mục đích nghiên cứu”, nhưng chương trình này bị chỉ trích là ‘vỏ bọc’ cho các hoạt động săn bắt cá voi có tính cách thương mại, vì thịt cá voi sau đó được bán ra trên thị trường nội địa.
Các quan chức Nhật nói rằng nước này, ngay cả sau khi rút ra khỏi Ủy ban Săn bắt Cá voi, sẽ vẫn là một quan sát viên tại IWC, và có kế hoạch tiếp tục tham gia các cuộc họp và hội nghị khoa học thường niên của tổ chức này.
Nhóm bảo vệ môi trường Greenpeace lên án công bố hôm 26/12 của Nhật và không đồng tình với quan điểm của Nhật Bản cho rằng trữ lượng cá voi đã phục hồi. Greenpeace – Tổ chức Hòa Bình Xanh – lưu ý rằng môi trường sống dưới đại dương đang bị đe dọa vì nạn ô nhiễm và đánh bắt hải sản quá mức.
"Tuyên bố ngày hôm nay không phù hợp với cộng đồng quốc tế, chứ chưa nói đến sự cần thiết phải bảo vệ tương lai của các đại dương và những sinh vật hùng vĩ đó," Sam Annesley, giám đốc điều hành của Greenpeace Japan, nói trong một tuyên bố.
"Chính phủ Nhật Bản phải khẩn trương hành động để bảo tồn các hệ sinh thái biển, thay vì tiếp tục đánh bắt cá voi vì mục đích thương mại."
Úc là nước thường xuyên chỉ trích gay gắt các chính sách săn bắt cá voi của Nhật. Chính phủ Úc trong một tuyên bố nói họ "vô cùng thất vọng" về quyết định của Nhật Bản rút ra khỏi ủy ban IWC.
Bộ trưởng Ngoại giao New Zealand Winston Peters đã góp giọng với Úc, hưởng ứng quyết định của Nhật Bản thôi săn bắt cá voi vùng biển phía nam. Nhật Bản là quốc gia duy nhất có tham vọng quay trở lại săn bắt cá voi thương mại ở Nam Cực.
Quan chức của Cơ quan Thủy sản Nhật Bản và nhà đàm phán lâu năm với IWC, Hideki Moronuki, cho biết Nhật Bản sẽ sử dụng phương pháp của IWC để xác định cẩn thận hạn ngạch đánh bắt dựa trên cơ sở khoa học, nhưng từ chối đưa ra ước tính cụ thể. Ông Morunuki cho biết Nhật Bản có kế hoạch sử dụng 7 trung tâm săn bắt cá voi hiện có trên bờ biển Thái Bình Dương cho các cuộc săn bắt thương mại trong thời gian tới.
Ông Moronuki nói Nhật Bản bắt đầu với một kế hoạch khiêm tốn bởi vì họ đang tìm hiểu làm thế nào để đánh bắt cá voi thương mại trở thành một ngành có thể tồn tại. "Điều quan trọng nhất là có nguồn cung cấp thực phẩm đa dạng và ổn định", ông nói.
Cơ quan Thủy sản cho biết Nhật Bản có kế hoạch bắt ba loại cá voi được cho là có đủ lượng dự trữ – đó là cá voi minke, sei và Bryde.
Người Nhật đã săn bắt cá voi trong nhiều thế kỷ, nhưng đã giảm lượng săn bắt cá vì các cuộc biểu tình rầm rộ của cộng đồng quốc tế, và nhu cầu thịt cá voi trong nước sụt giảm.
Quyết định rút ra khỏi IWC có thể là một bước nhằm giữ thể diện để Tokyo ngưng các cuộc săn bắt đầy tham vọng của Nhật ở Nam Cực, và để thu hẹp phạm vi săn bắt cá vào những khu vực xung quanh bờ biển Nhật Bản.
Nhật Bản đã cắt giảm khoảng một phần ba hạn ngạch hàng năm ở Nam Cực sau khi Tòa án Công lý Quốc tế ra phán quyết vào năm 2014, cho rằng chương trình săn cá voi với mục đích nghiên cứu của nước này không mang tính khoa học như họ nói. Hiện nay, Nhật Bản săn bắn khoảng 600 con cá voi hàng năm ở Nam Cực và Bắc Thái Bình Dương.
Các giới chức thủy sản cho biết Nhật Bản hàng năm tiêu thụ hàng ngàn tấn thịt cá voi từ các cuộc săn bắt gọi là “vì mục đích nghiên cứu.” Giới tiêu thụ chủ yếu là những người Nhật lớn tuổi vẫn tìm kiếm một bữa ăn gợi nhớ truyền thống cũ. Đây chỉ chiếm một tỷ lệ không đáng kể trong tổng nguồn cung cấp thịt cá voi ước tính khoảng 200.000 tấn của Nhật Bản trước lệnh cấm của IWC.
Các nhà phê bình nói họ nghi ngờ đánh bắt cá voi thương mại có thể trở thành một ngành công nghiệp bền vững bởi vì các thế hệ trẻ của Nhật Bản có thể không coi loại động vật này là thức ăn.
Mặc dù vậy, các nhà lập pháp Nhật muốn quảng bá cá voi không chỉ là nguồn protein, mà còn là một phần của truyền thống văn hóa Nhật Bản.
"Chúng tôi hy vọng việc khôi phục lại các hoạt động đánh bắt cá voi thương mại sẽ dẫn đến sự hồi sinh kinh tế của các cộng đồng đánh bắt cá voi," Bộ trưởng Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản Takamori Yoshikawa nói trong một cuộc họp của ủy ban săn bắt cá voi của đảng đương quyền.
Kazutaka Sangen, thị trưởng Taiji, một thị trấn trung tâm của Nhật Bản chuyên săn cá heo, hoan nghênh quyết định này và tuyên bố sẽ tuân theo cách quản lý khoa học các nguồn cá để lập trường của Nhật Bản về săn bắt cá voi có thể được cộng đồng quốc tế thông hiểu.
Ông Suga nói Nhật Bản sẽ thông báo cho IWC về quyết định của mình trước ngày 31 tháng 12 và họ vẫn duy trì cam kết hợp tác với quốc tế trong lĩnh vực quản lý sinh vật biển đúng cách, ngay cả sau khi rút ra khỏi IWC.