Đường dẫn truy cập

Nhiều thành viên Liên minh châu Âu hỗ trợ vắc-xin cho Việt Nam


Vắc-xin AstraZeneca.
Vắc-xin AstraZeneca.

Áo là quốc gia thành viên mới nhất của Liên minh châu Âu (EU) hỗ trợ vắc-xin ngừa COVID-19 cho Việt Nam.

Bộ Y tế Việt Nam cho biết, chính phủ Việt Nam hôm 16/11 đã tiếp nhận 50.000 liều vắc-xin AstraZeneca của Áo tặng Việt Nam để “phục vụ công tác phòng, chống dịch”.

Bộ này dẫn lời ông Hans-Peter Glanzer, Đại sứ Áo tại Việt Nam, “bày tỏ niềm vui được đóng góp vào công tác phòng, chống đại dịch COVID-19 của Việt Nam thông qua việc trao tặng 50.000 liều vaccine phòng COVID-19”.

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên được dẫn lời “trân trọng cảm ơn và đánh giá cao sự hỗ trợ của chính phủ, các tổ chức và doanh nghiệp của Áo, thông qua các dự án cung cấp trang thiết bị y tế nhằm góp phần cải thiện chất lượng cung ứng dịch vụ y tế của Việt Nam”.

Trước đó ít ngày, thông báo trên Twitter, phái đoàn Liên minh châu Âu ở Việt Nam cho biết rằng “Hy Lạp, Latvia và Litva được đưa thêm vào danh sách các nước thành viên EU cung cấp vắc-xin cho Việt Nam”.

Cơ quan này cho biết thêm rằng “ngoài ra, Pháp đã hứa sẽ tặng thêm 1,37 triệu liều vắc-xin COVID-19 cho Việt Nam, nâng tổng số lên hơn 2 triệu”.

Theo hình ảnh mà Phái đoàn này đăng tải trên Twitter hôm 9/11, có 11 nước châu Âu tặng vắc-xin trực tiếp cho Việt Nam và trong số này, Đức là nước hỗ trợ vắc-xin nhiều nhất cho Việt Nam với 3,45 triệu liều.

Hồi tháng Chín, đại sứ quán Đức ở Việt Nam cho biết lô vắc-xin tiếp theo với tổng cộng 2,6 triệu liều vắc-xin AstraZeneca ngừa COVID-19 đã về đến Thành phố Hồ Chí Minh và lô vắc-xin này được viện trợ từ nguồn dự trữ của Đức như đã được Thủ tướng Đức Angela Merkel đề xuất với Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính.

Đại sứ Đức tại Việt Nam Guido Hildner được đại sứ quán Đức trích lời nói rằng “sự hỗ trợ này thể hiện tinh thần đoàn kết của chúng tôi với người dân tại Việt Nam, đồng thời nhấn mạnh cam kết của chúng tôi đối với mối quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam mà hai nước kỷ niệm 10 năm thiết lập trong năm nay”.

Ngoài ra, theo EU, có hai nước là Pháp và Italia tặng vắc-xin cho Việt Nam thông qua cơ chế chia sẻ vắc-xin toàn cầu là COVAX.

Đại sứ quán Pháp dẫn lời Đại sứ Nicolas Warnery nói trong một thông cáo rằng “thông qua sự đóng góp này, nước Pháp thể hiện tình đoàn kết của mình với Việt Nam trong giai đoạn khó khăn mà đất nước đang gặp phải: khi đất nước các bạn đang phải đối mặt với làn sóng dịch bệnh nghiêm trọng, chúng tôi sát cánh cùng người dân Việt Nam thông qua việc hỗ trợ công tác tiêm chủng do các cơ quan chức năng phát động”.

Đại sứ Pháp tại Việt Nam nói thêm rằng “việc hỗ trợ này phù hợp với sự hợp tác lâu dài và thành công giữa Pháp và Việt Nam trong lĩnh vực y tế”.

Theo cơ quan ngoại giao Pháp ở Hà Nội, ông Warnery chia sẻ thêm rằng “tiêm chủng là cách duy nhất để thoát khỏi cuộc khủng hoảng này” và “đó là lý do vì sao Pháp cam kết chia sẻ 60 triệu liều vắc-xin vào năm 2021, bên cạnh đóng góp tài chính cho chương trình COVAX, nhằm đẩy nhanh các nỗ lực tiêm chủng trên toàn thế giới”.

Về số vắc-xin mà Áo mới trao tặng Việt Nam, theo Bộ Y tế Việt Nam, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cam kết sẽ phân bổ số vaccine phòng COVID-19 này tới các đơn vị và địa phương “căn cứ theo tình hình thực tế để đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch khẩn cấp, đảm bảo phù hợp, hiệu quả”.

Ông Tuyên nói thêm rằng đến nay, Việt Nam “đã tiếp nhận trên 135 triệu liều vaccine phòng COVID-19 và đã triển khai tiêm trên 100 triệu liều”.

Ngoài ra, theo ông Tuyên, Việt Nam cũng đồng thời “đang đẩy nhanh tiến độ bao phủ vaccine, bao gồm cả việc tiêm chủng cho trẻ em từ 12-17 tuổi”.

VOA Express

XS
SM
MD
LG