Đường dẫn truy cập

Nỗ lực quốc tế cải thiện phòng chống bệnh cúm gia cầm ở Campuchia


Chợ Chhbar Ampov, một trong những ngôi chợ lớn nhất ở Phnom Penh, việc mua bán gà vẫn diễn ra tốt đẹp
Chợ Chhbar Ampov, một trong những ngôi chợ lớn nhất ở Phnom Penh, việc mua bán gà vẫn diễn ra tốt đẹp
Giới hữu trách y tế đã dự trù họp tại thủ đô của Campuchia vào thứ hai tới (24/3) để thảo luận về sự gia tăng số ca người nhiễm bệnh cúm gia cầm tại nước này. Nạn nhân mới nhất là một bé gái 2 tuổi qua đời vào ngày 14/3, nâng số người tử vong được xác nhận trong năm này thành 4 người. 14 người Campuchia đã chết vào năm ngoái vì dòng cúm gia cầm H5N1, chiếm hơn phân nửa tổng số toàn cầu.

Tại ngôi chợ Chhbar Ampov này, một trong những ngôi chợ lớn nhất ở Phnom Penh, việc mua bán gà vẫn diễn ra tốt đẹp. Bà Ly Mey đã làm nghề giết gia cầm từ cả chục năm. Bà giết, làm sạch lông và bán khoảng 20 con mỗi ngày.

Bà mua chúng từ Prey Veng, một tỉnh nằm giữa Phnom Penh và nước láng giềng Việt Nam, cũng là một điểm nóng của dòng cúm gia cầm H5N1. Nhưng bà Ly Mey không quan tâm đến dịch bệnh.

Bà nói rằng rất dễ để nói ngay lập tức, thậm chí còn hay hơn cả bác sĩ thú y, là con gà đó có khỏe mạnh hay không.
Mọi nơi trong chợ cũng thế. Bà Chum Sophal, người bán cả 100 kg chân và cánh gà mỗi ngày, lại có ấn tượng sai lầm rằng các loại gia cầm sống thì không mang dịch cúm gia cầm.

Bà nói rằng gia cầm bà mua là an toàn bởi vì chúng còn sống vào thời điểm đó. Bà nói những người mua thịt gà của bà không nên lo lắng bởi vì bà không bán thịt gà chết.

Cả hai người phụ nữ trên đều sai. Gà có thể mang H5N1 trước khi có dấu hiệu biểu hiện ra bên ngoài trong khi vịt bị nhiễm bệnh thường không cho thấy bất cứ dấu hiệu nào cả. Nguy cơ đối với người là dùng gia cầm bị nhiễm bệnh hay ăn chúng mà không nấu đúng cách. Trong các trường hợp đó, con người có thể nhiễm H5N1. Tỉ lệ tử vong ở người mà xét nghiệm cho thấy là đã bị nhiễm H5N1 là khoảng 60%.

Sự thiếu hiểu biết của những người phụ nữ trên không có gì là lạ. Kể từ khi H5N1 lần đầu tiên được phát hiện ra ở gia cầm vào tháng Giêng năm 2004, giới hữu trách và các nhà tài trợ đã cố gắng để giúp mọi người thay đổi thói quen khi sử dụng gia cầm. Nhưng các chuyên gia nói rằng nỗ lực đó phần lớn đã thất bại.

Đó một phần là bởi vì có khoảng 80% trong số 20 triệu gà, vịt ở đất nước này được nuôi gần với người. Tổ chức Lương Nông của Liên Hiệp Quốc (FAO) cho rằng H5N1 là bệnh đặc hữu trong gia cầm của Campuchia.

Tuy nhiên, chính quyền lại không trả tiền bồi thường cho những người bị mất gia cầm vì dịch bệnh. Hậu quả là khi gia cầm bị bệnh, xu hướng của những người dân nghèo khổ là hoặc bán chúng đi hoặc là ăn chúng mà không báo cáo về ổ dịch.

Ông Lotfi Allal của tổ chức FAO nói rằng các nỗ lực phòng bệnh phải tập trung vào những biện pháp hơn nữa để bảo đảm việc báo cáo virus sớm:

“Virus đang ở đây, đang lưu chuyển. Chúng ta phải cảnh giác, không hoảng sợ, và chúng ta phải tiếp tục hợp tác chặt chẽ với nhau về khía cạnh con người để xem làm thế nào chúng ta có thể làm tốt hơn để giảm thiểu nguy cơ đối với người và làm thế nào để chúng ta có thể phát hiện sớm virus có nguồn gốc từ gia cầm”.

Với 18 ca tử vong do H5N1 trong vòng 15 tháng qua, Campuchia đã báo cáo số liệu thống kê tệ nhất trong tất cả các nước trên thế giới. Hơn một nửa trong số 56 ca tử vong ở Campuchia đã đươc xác nhận vì nhiễm H5N1 ở người đã xảy ra kể từ đầu năm ngoái cho đến nay.

Mối quan ngại chính của các chuyên gia y tế là H5N1 sẽ biến chủng để truyền từ người sang người.

Hầu hết các ca H5N1 ở Campuchia xảy ra ở vùng đông nam của nước này, khu vực có chung biên giới với Việt Nam mà qua đó, gia cầm được nhập lậu mà ít bị kiểm soát. Nhưng trong khi Campuchia báo cáo có hơn 30 ca bệnh ở người kể từ đầu năm 2013, thì Việt Nam báo cáo chỉ có 4 ca.

Phát biểu qua Skype, bác sĩ Dennis Carroll, người đứng đầu bộ phận phụ trách về đại dịch cúm và các mối đe dọa mới nổi khác của USAID, một tổ chức phát triển của chính phủ Mỹ, nói rằng điều đó thật khó hiểu bởi vì các biến thể H5N1 là như nhau ở các hai bên biên giới. Bác sĩ Carroll nói:

“Dịch tễ học, di truyền học của cả virus và sự thể hiện trong cả gia cầm và người là khá giống nhau. Nhưng chúng ta đang thấy một sự chênh lệch rất lớn giữa những gì đang biểu hiện ra ở phía Campuchia và những gì đang biểu hiện ở phía Việt Nam mà không có bất cứ sự giải thích rõ ràng nào”.

Có rất nhiều khả năng về sự gia tăng nhiễm bệnh ở ngươì tại Campuchia. Có thể là vì việc giám sát và báo cáo tốt hơn, hoặc có thể thực sự có nhiều ca nhiễm bệnh hơn tại đây, hoặc cũng có thể là do sự kết hợp của cả hai lý do trên.

Ở giai đoạn này, các chuyên gia chỉ không biết, đó là lý do tại sao USAID chủ trì cuộc họp vào ngày thứ Hai tới với giới hữu trách của Việt Nam và Campuchia, một phần là để cải thiện việc chia sẻ thông tin và cách ứng phó với dịch.

Campuchia đã xây dựng một chương trình giám sát và xét nghiệm H5N1 tốt hơn nhiều. Nhưng vẫn chưa có chương trình tiêm chủng cho gia cầm cũng như kế hoạch bồi thường cho nông dân bị mất gia cầm vì dịch bệnh. Các chuyên gia cho rằng nếu tình hình trở nên xấu đi, điều đó có lẽ phải thay đổi.

VOA Express

VOA có ứng dụng mới

Xem tin tức VOA trực tiếp trên điện thoại và máy tính bảng! Ứng dụng VOA có thiết kế mới và cải thiện khả năng truy cập tin tức. Các tính năng mà bạn yêu thích trước đây được tích hợp cùng các công cụ vượt tường lửa để truy cập tin tức VOA bằng 22 ngôn ngữ.

Tải ứng dụng VOA trên App StoreGoogle Play!

XS
SM
MD
LG